Quy hoạch bến xe khách ở Hà Nội: Không nên đưa hết ra ngoại thành

Giao thông 24h 26/11/2018 06:15

Các cơ quan tham vấn cho Hà Nội về vấn đề này đều nêu ý kiến, các bến xe phải có bán kính phục vụ phù hợp, tính khả thi kết nối giao thông công cộng cao và phải tính toán kinh phí giải phóng mặt bằng, đấu thầu công khai các dự án đầu tư bến xe.

 

ben_xe_zyaq
Để di dời các bến xe ra ngoại thành, Hà Nội đã quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh mới ở Nội Bài, Đông Anh, Thường Tín, Phùng…

Ngoài ra, trước khi triển khai chủ trương này, Hà Nội cần nghiên cứu ý kiến của người dân và cần tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, doanh nghiệp để lấy ý kiến về quy hoạch đầu tư xây dựng bến xe cho thành phố hơn 8 triệu dân này.

Khó khăn cho người dân

Theo đồ án quy hoạch bến xe đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội quy hoạch 7 bến xe liên tỉnh gồm: bến xe khách phía Bắc (ở Nội Bài); bến xe Đông Anh; bến xe Cổ Bi; bến xe phía Nam (tại huyện Thường Tín); bến xe Yên Nghĩa; bến xe phía Tây; bến xe Tây Bắc (Phùng).

Nếu theo quy hoạch này, người dân ngoại tỉnh muốn vào vùng trung tâm Thủ đô thì sau khi đi xe khách liên tỉnh đến các bến xe, sẽ phải di chuyển quãng đường từ 20-30km bằng các phương tiện công cộng hoặc cá nhân. Điều này gây khó khăn cho người dân hơn là sự thuận lợi. Ngoài ra, việc không được di chuyển trên xe ô tô khi vào nội thành sẽ khiến các phương tiện cá nhân luân chuyển khách vào nội đô tăng lên, tạo tác dụng ngược, khiến tăng lưu lượng xe, gây thêm ách tắc giao thông.

Theo chuyên gia giao thông - TS. Nguyễn Xuân Thủy, việc quy hoạch đưa tất cả các bến xe ra khỏi nội đô là trái với xu hướng thế giới, gây bất tiện cho người dân. “Chúng tôi từng tổ chức hội thảo để bàn về vấn đề này, trong đó bản thân tôi cũng như nhiều chuyên gia quyết liệt phản đối việc dời hết bến xe ra khỏi nội thành”, ông Thủy nói và cho biết hiện nay quy hoạch bến xe ở Hà Nội rất lộn xộn.

Ở khu vực phía Nam, đã có bến xe nước Nước Ngầm, Giáp Bát nhưng nay lại đồng ý cho xây thêm bến xe Yên Sở. Trong khi đó, ở khu vực phía Đông Bắc lại gần như vắng bóng bến xe từ khi bến xe Lương Yên được chuyển đổi xây trung tâm thương mại và chung cư. 

“Khu vực này đi nhiều tỉnh lớn như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang… nhưng lại chỉ có bến xe Gia Lâm với diện tích rất nhỏ, chỉ đủ cho nhu cầu đậu xe buýt”, vị chuyên gia thắc mắc.

Theo ông Thủy, kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới cho thấy, ngoài việc xây các bến xe ở vùng ven thành phố thì cần có thêm các bến xe ở nội thành. “Một ô tô khách đi vào nội thành có thể chở theo 50 người. Nếu ô tô khách đến ngoại thành và đỗ ở bến, người dân vào nội thành bằng 50 xe máy hoặc 50 taxi thì còn gây tắc đường hơn nhiều so với một xe khách”, ông Thủy phân tích.

Xây dựng mới bến xe có thể lãng phí

Chung quan điểm với TS Thủy, ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho hay, ban đầu, khi Hà Nội đề xuất dời các bến xe ra khỏi nội đô ông đã băn khoăn, nhưng sau khi nghiên cứu các nước trên thế giới, nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, thì ông nhận thấy không nên đưa tất cả bến xe ra khỏi nội đô. 

“Đưa hết ra như vậy rất xa xôi, ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân, không thuận tiện lại tác động đến môi trường, tắc đường, tốn thời gian do phải đi các phương tiện cá nhân hoặc công cộng”, lời ông Liên.

Theo vị này, đề xuất đưa tất cả bến xe ra ngoại thành là của một vị lãnh đạo Hà Nội từ khóa trước, hiện Hà Nội đang muốn triển khai. Việc này, theo  giới chuyên gia giao thông và cả VCCI đã tổ chức những hội thảo với nội dung  không nên đưa tất cả bến xe ra ngoại thành, nhưng hầu như các buổi này không có sự tham gia của đại diện chính quyền TP Hà Nội. “Các chuyên gia chỉ tự nói với nhau chứ người có trách nhiệm thì lại không đến, không nghe”, ông Liên nói.

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội thể hiện quan điểm không đồng ý việc di chuyển các bến xe ra khỏi ngoại thành. Theo Bộ, sau khi xem xét đồ án quy hoạch của TP Hà Nội, Bộ GTVT  cho ý kiến không nên đưa toàn bộ các bến xe liên tỉnh ra vành đai 4 mà cần có kết nối phù hợp tuyến cố định với khu vực tiệm cận trung tâm, như các nước Hàn Quốc, Nhật Bản... đã thực hiện.

Đối với các bến xe liên tỉnh hiện nay như Nước Ngầm, Giáp Bát… cần được quy hoạch ổn định và nâng cấp thành bến xe nhiều tầng. Bộ GTVT cũng cho rằng, Hà Nội không nên xây dựng mới các bến xe liên tỉnh có tính chất sử dụng không lâu dài, chỉ khai thác trong thời gian quá độ (như bến xe Yên Sở) để tránh lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố. 

50 người dân sẽ vào nội thành bằng 50 xe máy hoặc taxi

“Một ô tô khách đi vào nội thành có thể chở theo 50 người. Nếu ô tô khách đến ngoại thành và đỗ lại ở bến, thì người dân vào nội thành sẽ bằng 50 xe máy hoặc 50 taxi -  khi đó còn gây tắc đường hơn nhiều so với một xe khách”, chuyên gia giao thông đô thị Nguyễn Xuân Thủy.

Ý kiến của bạn

Bình luận