Quy định về xử lý các hành vi xếp hàng, điều khiển phương tiện và lái xe chở quá tải trọng cho phép

Ý kiến phản biện 18/04/2015 07:51

Trong thời gian vừa qua việc áp dụng các quy định của pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính với nhóm hành vi: Xếp hàng, điều khiển xe ô tô, để lái xe chở hàng quá tải trọng cho phép theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ tại các địa phương còn có nhiều cách hiểu, cách vận dụng khác nhau.


Một số doanh nghiệp, lái xe cho rằng việc xử phạt người điều khiển phương tiện và chủ doanh nghiệp tới trên 40 triệu đồng là quá nặng, không đúng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm… Tuy nhiên, cách hiểu trên là không đúng. Xin trao đổi một số nguyên tắc khi áp dụng xử phạt các chủ thể có nhóm hành vi vi phạm này.

xephang

Ảnh minh họa

 

Mỗi hành vi vi phạm chỉ xử phạt một lần

Trước đây, việc áp dụng Nghị định 34/2010/NĐ-CP, Nghị định 71/2012/NĐ-CP, Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thông thường chỉ có lái xe bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi điều khiển phương tiện chở hàng quá tải trọng cho phép. Tuy nhiên, qua quá trình áp dụng trên thực tế cho thấy, lái xe chỉ là người điều khiển phương tiện và làm thuê cho chủ doanh nghiệp nên bắt buộc phải thực hiện mệnh lệnh của chủ doanh nghiệp, nếu không thực hiện sẽ bị sa thải. Có một số chủ phương tiện xe ô tô tự ý thay đổi kích thước thùng xe; thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy, hệ thống phanh hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo. Không ít chủ doanh nghiệp còn chỉ đạo, ép buộc lái xe phải chở hàng quá tải trọng cho phép hoặc tổ chức việc xếp hàng quá tải trọng thiết kế lên xe ô tô nhưng chưa bị xử phạt kịp thời.

Để chấn chỉnh các hành vi vi phạm đó, ngày 17/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với nhóm hành vi xếp hàng quá tải trọng thiết kế lên xe ô tô, để lái xe chở hàng quá tải trọng cho phép, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung cho nhóm hành vi vi phạm này.

Trong thực tế, không ít lái xe khi đã bị xử lý các lỗi chở hàng quá tải, vi phạm kích thước thành thùng, thay đổi thiết kế ban đầu và trong thời gian thi hành quyết định xử phạt nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Đối với hành vi vi phạm này, lực lượng chức năng không thể tiếp tục xử phạt vi phạm hành chính thêm vì không thể 2 lần xử phạt cùng một hành vi vi phạm theo Luật xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt về từng hành vi

Theo quy định tại Điều 3 Luật xử lý vi phạm hành chính, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật. Việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, đối tượng vi phạm và tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng. Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi vi phạm hành chính đó.

Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, khi xe ô tô (hoặc phương tiện giao thông cơ giới tương tự) chở hàng quá tải trọng cho phép đang lưu thông trên đường bộ, thì tùy theo tính chất, mức độ của các hành vi vi phạm (nếu đối tượng vi phạm là tổ chức) có thể bị xử phạt tới 58.500.000đ. Ngoài ra, người điều khiển phương tiện vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng. Chủ phương tiện vi phạm bị buộc phải khôi phục lại hình dáng, kích thước hoặc tình trạng an toàn kỹ thuật ban đầu của xe. Cụ thể gồm các lỗi sau: Xếp hàng quá tải trọng, mức xử phạt là 3.000.000 đồng; lái xe điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100%, xử phạt là 7.500.000 đồng; chủ xe (là tổ chức) vi vi phạm chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% mức xử phạt là 34.000.000 đồng. Khi tổ chức là chủ xe tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe mức xử phạt là 14.000.000 đồng.

Việc chứng minh hành vi vi phạm thuộc trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Hiện nay, một số tổ chức để lái xe vi phạm chở hàng quá tải trọng nhưng không nhận trách nhiệm. Việc chứng minh lỗi vi phạm thuộc trách nhiệm của người thi hành công vụ. Nếu xe vi phạm người thi hành công vụ cần căn cứ phiếu xuất kho, hợp đồng lao động, lệnh vận chuyển để chứng minh lỗi của chủ phương tiện hoặc lỗi của lái xe vi phạm. Cần thống nhất cách hiểu khi xe vi phạm đang lưu thông trên đường bộ phải có ít nhất 3 lỗi: Xếp hàng quá tải trọng; điều khiển phương tiện chở hàng quá tải trọng; để lái xe, người làm công chở hàng quá tải trọng cho phép.

Với cách hiểu như vậy sẽ chấm dứt tình trạng mỗi nơi, mỗi cơ quan, mỗi địa phương có cách hiểu, cách vận dụng pháp luật khác nhau đối với nhóm hành vi chở hàng bằng xe ô tô quá tải trọng cho phép lưu thông trên đường bộ.

Tạ Phí Dương

Ý kiến của bạn

Bình luận