Quốc tế quản chất lượng hạ tầng đường bộ thế nào?

Ứng dụng 16/04/2020 09:02

Hạ tầng đường bộ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của bất kỳ quốc gia nào. Do đó, việc đảm bảo chất lượng đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ luôn là vấn đề được chính phủ các nước hết sức quan tâm.

 

Ảnh 1- Giao thông tại trạm Seoul station
Giao thông tại trạm Seoul station - Hàn Quốc

Hàn Quốc: Kết hợp hài hòa giữa Nhà nước và tư nhân

Tại Hàn Quốc - một trong những quốc gia có hệ thống giao thông phát triển bậc nhất thế giới, các công trình hạ tầng đường bộ là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước và tư nhân. Đại diện phía Nhà nước là Tổng công ty Đường bộ Hàn Quốc với nhiệm vụ lập kế hoạch xây dựng, triển khai, giám sát về mặt kỹ thuật thi công cũng như quản lý bảo trì các dự án đường bộ, các trạm nghỉ, cây xăng thuộc dự án. Các dự án phát triển đường cao tốc do Tổng công ty xây dựng sẽ được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư để chi trả các khoản như: tiền đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, một phần kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường và tăng nguồn vốn cho Tổng công ty, 50% còn lại do Tổng công ty tự bỏ vốn để đầu tư xây dựng các hạng mục trạm nghỉ, cây xăng. 

Sau khi hoàn thành, toàn bộ tuyến đường và các hạ tầng phụ trợ sẽ do Tổng công ty trực tiếp quản lý, khai thác và thu phí. Toàn bộ khoản thu phí cầu đường và các khoản thu khác sẽ được cho vào một quỹ phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ và nghiên cứu, xây dựng các tuyến cao tốc mới, từ đó tăng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến việc duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu nên hàng năm Hàn Quốc cũng chi ngân sách tương đối lớn để phục vụ công tác này. Do đó, chất lượng công trình giao thông của Hàn Quốc luôn được đảm bảo ở mức tối đa. 

Bên cạnh đại diện nhà nước, các công ty tư nhân ở Hàn Quốc cũng đóng góp tỷ trọng khá lớn trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nhà đầu tư của các dự án xây dựng công trình giao thông được lựa chọn theo hình thức đấu thầu công khai và được chấm điểm theo các tiêu chí: Mức phí cầu đường, phí bảo trì, phí bổ trợ lại cho Chính phủ, năng lực điều hành giao thông… Nhà đầu tư đạt điểm cao nhất sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án. Nhà nước sẽ không hỗ trợ tài chính, kể cả tiền giải phóng mặt bằng cho các dự án tư nhân mà chỉ giám sát thi công và nắm quyền quy định giá vé. Từ đó, các chủ đầu tư sẽ phải tự cân đối để lên phương án xây dựng với chi phí hợp lý nhưng vẫn phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Singapore: Đầu tư hiệu quả vào hệ thống giao thông công cộng

Ảnh 2 - Một trạm thu phí electronic road pricing (
Một trạm thu phí electronic road pricing ở Singapore

Năm 1996, Chính phủ Singapore đã công bố kế hoạch cải tổ chi tiết hệ thống giao thông đường bộ đầy tham vọng, với mục tiêu nâng hệ thống giao thông đường bộ của đảo quốc sư tử lên tầm cỡ hiện đại nhất thế giới trong vòng từ 10 - 15 năm. Kế hoạch cải tổ bao gồm thiết lập lại hệ thống tính phí taxi, hệ thống thu phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing). 

Chính phủ sẽ đảm nhiệm cấp vốn xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu cho hệ thống giao thông công cộng (bao gồm bến xe, bến tàu, hệ thống đường hầm và đường sắt). Các công ty vận hành và người sử dụng sẽ chịu trách nhiệm chi trả chi phí vận hành dựa trên phí sử dụng cơ sở hạ tầng và phí mua vé đi lại cùng với cam kết đảm bảo phải thu hồi được chi phí xây dựng ban đầu trong vòng 30 năm nhằm đảm bảo nguồn vốn dự trữ để kịp thời bảo trì, thay mới hệ thống cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp chi phí thay thế cơ sở hạ tầng cao hơn so với chi phí ban đầu, các công ty vận hành chỉ cần bỏ ra số tiền tương đương với chi phí xây dựng của hệ thống cơ sở hạ tầng ban đầu, phần chênh lệch sẽ được Chính phủ Singapore chi trả nhằm đảm bảo trách nhiệm của các bên.

Hệ thống thu phí đường bộ điện tử  ERP (Electronics Road Pricing) được đưa vào hoạt động trong khu vực trung tâm thành phố để giảm lưu lượng xe lưu thông qua các khu vực này vào giờ cao điểm. Các chủ xe sẽ phải tự trang bị máy tính phí sử dụng thẻ nạp tiền trả trước EZlink - vốn cũng được sử dụng để trả phí đi xe buýt, MRT, thanh toán tiền điện nước, mua sắm siêu thị... Với hệ thống thu phí trên, Cục Giao thông Đường bộ (Land Transport Authority) thu về 50 triệu USD/năm, giúp duy trì chi phí hoạt động bảo trì hệ thống giao thông đường bộ và làm nguồn vốn cho các công trình tương lai. Hệ thống ERP cũng giúp cho các nhà quản lý điều tiết được mật độ giao thông trên các tuyến đường nhằm hạn chế tắc đường cục bộ và gia tăng tuổi thọ của các tuyến đường.

Sau khi ERP được áp dụng vào hệ thống giao thông, số lượng xe tham gia giao thông vào giờ cao điểm đã giảm đi 25.000 phương tiện, tốc độ lưu thông trung bình vào giờ cao điểm cũng được cải thiện thêm 20% và lượng xe đi vào đường tính phí cũng giảm tới 13%. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý giao thông cũng ghi nhận về sự gia tăng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng giờ cao điểm và tốc độ trung bình của các phương tiện trong thành phố vẫn được giữ nguyên bất chấp mật độ giao thông gia tăng hàng năm do mật độ dân số.

Bên cạnh việc đầu tư có hiệu quả kinh tế vào hệ thống giao thông công cộng, Chính phủ Singapore cũng áp dụng các phương pháp tính phí mới đối với các phương tiện giao thông cá nhân bao gồm phí sử dụng đường bộ, sử dụng hệ thống đỗ xe bằng các thiết bị thu phí điện tử được gắn bắt buộc trên các phương tiện cá nhân

Ý kiến của bạn

Bình luận