Quốc hội giám sát tối cao việc quản lý vốn, tài sản

Chính trị 28/05/2018 15:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng nội dung giám sát về việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước "còn đơn giản", cần làm rõ hơn các quốc gia đã đầu tư và vướng mắc cụ thể.


vu-hong-thanh-1477280479958-16-7048-6305-152748300
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế. Ảnh: QH

Quốc hội dành trọn ngày làm việc hôm nay (28/5) để thảo luận tại hội trường việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hoá giai đoạn 2011-2016.

Báo cáo giám sát nội dung trên do ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế trình bày, cho hay, hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước mặc dù vẫn còn những mặt tồn tại, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; vẫn còn những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí, gây bức xúc trong dư luận, nhưng không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực của khối doanh nghiệp này trong thời gian qua.

Trong phần hạn chế, báo cáo nêu, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp nhà nước cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng); hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).

Lũy kế tính đến 31/12/2016, doanh nghiệp nhà nước đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (như bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (như giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án...

Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nhận xét, nội dung báo cáo nêu trên khi đề cập đến việc đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Nhà nước “còn đơn giản, chưa lột tả được bức tranh”. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ ngành, lĩnh vực nào lỗ, lãi, các quốc gia nào đã đầu tư, những vướng mắc cụ thể...

"Tôi kiến nghị Chính phủ cần tổng kết vấn đề này để rút kinh nghiệm thực chất hơn, đưa ra các giải pháp đối với những dự án kém hiệu quả theo hướng bán, chuyển nhượng; kịp thời giải quyết những vướng mắc đảm bảo không làm ảnh hưởng tới những dự án quan trọng mang tính chiến lược", ông Sơn nói.

Tranh luận về xác định giá trị đất đai của doanh nghiệp khi cổ phần hoá

Về cổ phần hóa doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Minh Sơn, xử lý đất đai và xác định giá trị đất là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình kiểm toán thời gian qua.

Dẫn báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, ông Sơn nói hầu hết các Tổng công ty, Tập đoàn khi cổ phần hóa giai đoạn 2011-2015 đều không tính được giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, vì vậy đã dẫn đến việc giá trúng trong phiên đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Ví dụ, công ty Khách sạn Kim Liên giá khởi điểm hơn 30.000 đồng, giá trúng là gần 300.000 đồng, Công ty Ong Trung ương giá khởi điểm 15.000 đồng, giá trúng hơn 160.000 đồng…

Giơ biển tranh luận, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco không đồng tình với nhận định trên. Theo ông Dũng, việc định giá doanh nghiệp không thể "chính xác 100%, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường".

"Đây là vấn đề trừu tượng và khó, không thể đúng hay sai mà chỉ là tương đối, chỉ có thể sát thị trường. Định giá doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào giá trị đất, mà giá trị đất là câu chuyện vị trí, vị trí và vị trí. Ở đây, nếu doanh nghiệp thuê tư vấn nước ngoài cũng không thể đưa ra được dữ liệu sát thực với thị trường", ông Dũng nói và nhấn mạnh, giá xác định đem ra đấu giá chỉ nên để tham khảo, là giá sàn khi đấu giá.

Cũng đề cập đến cổ phần hoá Khách sạn Kim Liên, ông Dũng phân tích, định giá vài chục nghìn nhưng khi đấu giá vài trăm nghìn; như vậy giá ban đầu không sát thị trường “nhưng không mất vốn là được”.

Theo ông Dũng, khâu then chốt ở đây là tổ chức đấu giá, do vậy Chính phủ phải tập trung giám sát, xây dựng quy trình đấu giá cổ phần doanh nghiệp khi đưa lên sàn, như thế mới giảm được thất thoát.

“Đang thanh tra đất vàng trên toàn quốc”

Giải trình trước Quốc hội nội dung trên, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, trong thời gian cổ phần hoá DNNN trước đây, nhất là trước khi có Nghị định 01/2017, phương án rà soát quỹ đất đai, sử dụng đất của các doanh nghiệp chưa được xem xét.

"Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc tính toán giá trị doanh nghiệp thì không tính được giá trị từ đất đai. Thực tế điều này không sai, vì khi giao đất cho DNNN, chủ yếu giao đất không thu tiền sử dụng hoặc thu tiền sử dụng hàng năm nên việc thu ngay tiền của doanh nghiệp vào giá trị là không thể”, ông nói.

Bộ Tài nguyên đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01/2017 (sửa đổi), quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hoá DNNN và tiến hành thanh tra, kiểm tra."Đây là nguyên nhân chính dẫn tới việc tính toán giá trị doanh nghiệp thì không tính được giá trị từ đất đai. Thực tế điều này không sai, vì khi giao đất cho DNNN, chủ yếu giao đất không thu tiền sử dụng hoặc thu tiền sử dụng hàng năm nên việc thu ngay tiền của doanh nghiệp vào giá trị là không thể”, ông nói.

“Cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra các dự án có đất vàng trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xem xét, xử lý theo quy định. Nếu làm tốt việc này, thất thoát nguồn lực đất đai trong xác định giá trị doanh nghiệp sẽ giảm thiểu, cải thiện về cơ bản”, ông Hà khẳng định.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung trên.

Ý kiến của bạn

Bình luận