Quảng Ninh: “Tiên phong” trong thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông

Tác giả: Minh Lê

saosaosaosaosao
Thị trường 10/10/2018 14:01

Chỉ trong 4 năm huy động được nguồn vốn khổng lồ phát triển hạ tầng giao thông khang trang, hiện đại, Quảng Ninh đang nổi lên như một "điểm sáng" về thu hút nguồn lực tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

 

Sân bay Vân Đồn 10

Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn

Bí quyết “vàng”

Chỉ 3 năm trước, không ai nghĩ ở Quảng Ninh sẽ xuất hiện một sân bay quốc tế. Nhưng vào cuối quý II/2018 vừa qua, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn đã được đưa vào vận hành. Đây là sân bay đầu tiên trên cả nước được đầu tư bởi nguồn vốn tư nhân. Không chỉ Vân Đồn, diện mạo giao thông đất mỏ đang khởi sắc từng ngày.

Giai đoạn 2014 - 2015, Quảng Ninh đã khởi công nhiều dự án hạ tầng giao thông mang tính chiến lược như cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn... Trong đó, tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái được tỉnh tập trung cao nhất mọi nguồn lực để triển khai. Một Cảng Hành khách quốc tế Hòn Gai đẳng cấp với công năng lớn, hứa hẹn đem lại sự đổi thay cho ngành dịch vụ của thành phố biển. Cầu Bạch Đằng với công nghệ hiện đại, thẩm mỹ cao và là cây cầu lớn nhất miền Bắc được đưa vào sử dụng dịp Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9 vừa qua.

Trong thời gian ngắn, những dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng đã từng bước thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông địa phương. Điển hình như dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng vốn đầu tư gần 7.500 tỷ đồng là điểm nhấn quan trọng trong kết cấu hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, động lực để phát triển Vân Đồn trở thành khu hành chính - kinh tế đặc biệt.

Ngoài ra, còn có các dự án nghìn tỷ đồng khác gồm tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng với tổng vốn đầu tư trên 13.000 tỷ đồng; dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn. Đặc biệt, dự án nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương theo hình thức BOT với tổng kinh phí gần 14.000 tỷ đồng.

Trước đây, tuyến QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương chỉ có 02 làn xe nhỏ hẹp, không có dải phân cách. Sau hơn hai năm triển khai, đến nay dự án đã hoàn thành đưa vào vận hành. Tổng chiều dài tuyến QL18 được nâng cấp, cải tạo từ 02 làn xe lên 4 làn với chiều dài là 33,5km, chiều rộng mặt đường được mở rộng thành 20,5m và 5km thảm nhựa bổ sung, có dải phân cách cứng với 6 nút giao và 01 trạm thu phí. Dọc tuyến đường được đầu tư hạ ngầm hệ thống điện, viễn thông, làm vỉa hè, trồng cây xanh tạo nên hình ảnh đô thị mới xanh - sạch - đẹp.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc chia sẻ, với phương châm phát triển hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược cần tập trung, cách làm của tỉnh là vừa cải cách thủ tục hành chính vừa “mở toang cánh cửa” kêu gọi các doanh nghiệp lớn vào đầu tư dưới các hình thức đối tác công - tư. “Để tạo ra thay đổi mạnh mẽ về hạ tầng giao thông, Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt, trong đó đi đầu là chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách”, Bí thư Nguyễn Văn Đọc cho biết.

Sau 4 năm, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã huy động từ nguồn vốn tư nhân để đầu tư cho hạ tầng giao thông với số tiền xấp xỉ 50.000 tỷ đồng. Nếu so với con số hơn 195.000 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước mà Bộ GTVT huy động trong 5 năm 2011 - 2016, thì chỉ riêng Quảng Ninh huy động vốn BOT đã gần bằng 1/4.

Các dự án BOT, BT giao thông đã tạo điều kiện phát triển du lịch, giao lưu, giao thương hàng hóa, đồng thời góp phần đắc lực nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương, thu hút đầu tư và cải thiện đời sống của người dân. Điều đó giúp Quảng Ninh đạt được kết quả tăng trưởng “thần kỳ” về cả kinh tế, xã hội và du lịch.

Năm 2017, Quảng Ninh là tỉnh có thu ngân sách lớn thứ 5 cả nước với hơn 38.500 tỷ đồng. Hàng loạt nhà đầu tư lớn đã xuất hiện như Sun Group, Vingroup… với những dự án tầm cỡ tạo sự bứt phá mạnh mẽ chưa từng có của ngành Du lịch. Gần 10 triệu lượt khách đã đến Quảng Ninh năm 2017, tăng gần 20% so với năm 2016, riêng khách quốc tế là 4,3 triệu lượt. Tổng doanh thu từ khách du lịch đạt 17.800 tỷ đồng, tăng 34% so với năm trước.

"Điểm sáng" thu hút đầu tư tư nhân

cau_Bach_Dang_zing_6.
Cầu Bạch Đằng

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã phân tích, từ điển hình Quảng Ninh có thể thấy, Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 25% vốn, còn nhà đầu tư bỏ ra 75% là có thể hình thành những công trình vĩnh cửu, để đời cho con cháu như sân bay, cầu lớn, quốc lộ…

“Qua buổi làm việc ở Quảng Ninh, chúng tôi thấy mô hình này rất hay, đặc biệt là thực hiện hình thức đối tác công - tư như thế nào cho hiệu quả. Phần nào Nhà nước, phần nào nhà đầu tư làm, phân biệt rõ trách nhiệm…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.

Tại cuộc họp đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng hồi đầu năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Bây giờ không xã hội hóa thì nguồn lực đâu cho phát triển. Phải xã hội hóa để Nhà nước có lợi, nhà đầu tư có lợi, người dân có lợi mới được”.Với những thành công trên, “nút thắt” về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh cơ bản đã được tháo gỡ, đáp ứng nhu cầu hiện tại và tương lai gần. Để hoàn thiện hơn, Quảng Ninh vẫn tiếp tục kêu gọi các nguồn lực đầu tư vào hạ tầng giao thông, cả về cảng biển, đường sắt và đường bộ

Ý kiến của bạn

Bình luận