Quản lý vận tải hành khách đường bộ: Quảng Ninh áp dụng chế tài mạnh

Tác giả: PV

saosaosaosaosao
29/10/2019 14:34

Xe hợp đồng không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và tránh nhiều loại phí, thuế; doanh nghiệp xem nhẹ quản lý dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây bức xúc trong dư luận xã hội... Đó là những gì thấy được trong hoạt động vận tải khách đường bộ hiện nay đang tồn tại ở Quảng Ninh khi lượng xe khách giảm sâu, xe hợp đồng tăng gấp đôi sau chỉ 2 năm.


 

Quản lý vận tải hành khách đường bộ - QN áp dụng c

Xe hợp đồng phát triển quá "nóng"

Theo thống kê từ Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT Quảng Ninh), nếu năm 2017 trên địa bàn tỉnh có gần 700 phương tiện đăng ký hoạt động hành khách theo tuyến cố định, thì đến nay chỉ còn 538 xe. Trong khi đó, cũng năm 2017 toàn tỉnh có 650 xe đăng ký hoạt động hợp đồng, thì nay con số này đã tăng gấp đôi với tổng số 1.336 xe.

Nguyên nhân về sự phát triển “nóng” của xe hợp đồng là do xu thế phát triển kinh tế thị trường, loại hình vận tải đường bộ là xe Limousine ra đời đã thỏa mãn nhu cầu của hành khách. Xe được trang bị khá nhiều tiện ích, đón tận nơi, trả tận chỗ và trở thành lựa chọn được hành khách ưu tiên hàng đầu, cho dù mức phí có thể cao gấp 2-3 lần xe khách thông thường.

Tuy nhiên, đi cùng với những tiện ích, loại hình vận tải này lại đang hoạt động ngoài sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, trong số 1.336 xe hợp đồng đăng ký hoạt động tại Sở GTVT thì có đến 2/3 xe lại hoạt động như xe khách tuyến cố định, chạy vào giờ cố định, cung đường cố định... dưới dạng xe Limousine.

Do đăng ký kinh doanh dưới dạng xe hợp đồng dưới 10 chỗ ngồi, vì thế, loại xe này không chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, không tổ chức bán vé, không bị chi phối bởi các điều kiện kinh doanh vận tải và tránh né nhiều loại phí, thuế dịch vụ. Điều này đã gây áp lực lớn lên các tuyến đường khi số lượng phương tiện nhiều mà chỉ chở được lượng ít hành khách, khiến những doanh nghiệp vận tải khách thông thường bị thu hẹp thị phần, dẫn đến những cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thời, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở GTVT) cho biết: Xe Limousine thực chất là xe đăng ký kinh doanh hợp đồng, các xe này không được phép đón khách tùy tiện, chạy tuyến cố định như xe khách thông thường. Xe hợp đồng chỉ có thể hoạt động thông qua hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 1 hợp đồng vận chuyển khách. Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về; số lượng hành khách; giá trị hợp đồng...

Tuy nhiên, cũng theo ông Thời, xe hợp đồng hoạt động dưới dạng Limousine lại đang lách luật, gia tăng mạnh từ khi Nghị định 86/2014 của Chính phủ và Thông tư 63/2014 của Bộ GTVT ra đời, cho phép các xe hợp đồng dưới 10 chỗ không phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT trước khi thực hiện hợp đồng. Lợi dụng kẽ hở này, hàng loạt xe 16 chỗ thông thường sau khi được cải hoán thành 9-10 chỗ, gắn biển “xe hợp đồng” là như được “khoác áo tàng hình”, hoạt động tùy tiện, không chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này đã gây bất bình đẳng trong hoạt động vận tải với các xe chạy tuyến cố định, khiến loại hình xe này phải loay hoay tìm cách tồn tại.

Xe khách tuyến cố định là loại hình giao thông hoạt động hiệu quả nhiều năm nay, kết nối tốt nhất, giá thành rẻ nhất đối với các cung đường xa, lại phải vào bến đón khách, chạy theo lộ trình và tuân thủ đầy đủ các loại thuế, phí trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đây cũng chính là lý do vì sao đến nay số lượng phương tiện vận tải hành khách hoạt động tuyến cố định giảm sâu, các doanh nghiệp vận tải hành khách tuyến cố định không còn mấy mặn mà. Thay vì liên tục đổi mới, trang sắm, nâng cao chất lượng dịch vụ như trước đây, thì nay đã hạn chế đầu tư và rút dần đầu xe. Chính sự cạnh tranh gay gắt này đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, mất ATGT khi xe khách tìm mọi cách để có được khách kể cả phóng nhanh, vượt ẩu và tranh giành...

Chủ động siết chặt quản lý

Trước vấn đề tồn tại này, được biết Sở GTVT đã từng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, điều chỉnh Thông tư 63/2014 yêu cầu các xe hợp đồng phải đăng ký danh sách hành khách và điểm đón, trả với Sở GTVT địa phương. Tuy nhiên đến nay, đề nghị này vẫn chưa được xem tới và có phúc đáp.

Trước yêu cầu cần siết chặt quản lý vận tải, tăng cường đảm bảo ATGT trong hoạt động vận tải, ngày 1/3/2019 UBND tỉnh đã có Quyết định số 777/QĐ-UBND về việc thành lập đoàn liên ngành, thực hiện kiểm tra quy định pháp luật về trật tự ATGT trong kinh doanh vận tải. Theo đó, đoàn công tác đã xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra, rà soát các thủ tục pháp lý về điều kiện kinh doanh vận tải, điều kiện đối với lái xe, người điều hành vận tải và phương tiện hoạt động để có biện pháp xử lý.

Song song với đó, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan như Công ty CP Quản lý bến xe Quảng Ninh thực hiện niêm yết công khai biểu đồ hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe để đơn vị vận tải được biết, cập nhật biểu đồ, lịch xuất bến, xe vận chuyển trên các tuyến khi có thay đổi. Thanh tra Sở GTVT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về kinh doanh vận tải, giám sát phương tiện thông qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Thêm nữa, tiếp tục tuyên truyền, đôn đốc lái xe chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ và các quy định trong hoạt động vận tải; khuyến khích doanh nghiệp vận tải tuyến cố định tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, phương tiện, chuyển hướng sang hoạt động trên tuyến cao tốc mới, nhằm rút ngắn thời gian, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hành khách. Yêu cầu doanh nghiệp tổ chức các hình thức trung chuyển, gom khách tại các điểm lẻ đến điểm đầu mối của xe khách; giám sát chặt chẽ công tác đăng kiểm sau khi hoán cải, cấp phép hoạt động phải được kiểm soát thông qua các thủ tục có quy định chặt chẽ về điều kiện kinh doanh...

Từ thông tin, quảng cáo trên mạng xã hội và các nguồn thông tin khác dưới hình thức chào mời hành khách sử dụng dịch vụ, Sở GTVT sẽ phối hợp cùng cơ quan thuế tiến hành kiểm tra điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở đăng ký xe hợp đồng. Định kỳ hằng tháng, Sở GTVT sẽ gửi danh sách các phương tiện, doanh nghiệp kinh doanh vận tải để Cục Thuế đối chiếu, xác minh việc kê khai thuế của các đơn vị, đảm bảo việc tuân thủ đúng pháp luật và có biện pháp xử lý nghiêm với các sai phạm.

Với những giải pháp tích cực này, hy vọng rằng hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh thời gian tới sẽ được chấn chỉnh, góp phần nâng cao chất lượng đi lại, đảm bảo ATGT cho nhân dân, tạo dựng hình ảnh, thương hiệu cho giao thông Quảng Ninh văn minh - lịch sự.

Ý kiến của bạn

Bình luận