Quản lý nhà nước về khai thác đường bộ cao tốc cần mạnh mẽ hơn nữa

28/10/2016 06:42

Bài báo phân tích thực trạng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác đường cao tốc, từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này.

ThS. Nguyễn Phương Châm

Trường Đại học Giao thông vận tải

 Người phản biện:

TS. Nguyễn Cao Ý

PGS. TS. Đặng Thị Xuân Mai

TÓM TẮT: Bài báo phân tích thực trạng công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khai thác đường cao tốc, từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này.

TỪ KHÓA: Quản lý nhà nước, khai thác đường cao tốc.

Abstract: This paper analyzes the current status of the State management in the field of exploitation Expressway,and  proposed some solutions to improve the effectiveness of this work.

Keywords: The State management, expressway exploitation.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo quy hoạch xây dựng đường cao tốc đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2020 và định hướng đến 2030, cả nước có 31 tuyến đường bộ cao tốc với tổng chiều dài hơn 6.411km được xây dựng, đưa vào sử dụng. Ngày 3/02/2010, tuyến đường bộ cao tốc đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được Bộ GTVT cho thông xe, đưa vào sử dụng từ TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, với tổng chiều dài 61,9km, dành cho xe cơ giới với vận tốc thiết kế đạt 100km/giờ chạy hai chiều riêng biệt, nối TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ, với kinh phí đầu tư xây dựng gần 10 tỷ đồng.

Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác khoảng 746km đường cao tốc gồm 12 tuyến, tập trung ở phía Bắc: Đại lộ Thăng Long (30km); Liên Khương - Đà Lạt (19km); Pháp Vân - Cầu Giẽ (30km); Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km); đường vành đai 3 Hà Nội đoạn Phù Đổng - Mai Dịch (28km); Hà Nội - Lào Cai (264km); Hà Nội - Thái Nguyên (62km); Hà Nội - Hải Phòng (105km); Hà Nội - Bắc Giang (46km); TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (40km); TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (51km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (21km). Như vậy, hệ thống đường bộ cao tốc của nước ta đã dần dần hình thành. 6.411km đường bộ cao tốc đòi hỏi nguồn vốn rất lớn từ nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Mặt khác, công tác tổ chức xây dựng, kế hoạch điều hành triển khai các dự án đòi hỏi rất khoa học, công tác quản lý vận hành cần hiện đại, chuyên nghiệp. Tất cả đều gần như chưa có tiền lệ ở Việt Nam, đó là thách thức lớn. Đường bộ cao tốc mang trong mình những đặc điểm không giống như đường ô tô thông thường, do đó quản lý nhà nước về khai thác đường bộ cao tốc cần có sự thay đổi mạnh mẽ.

2. NỘI DUNG

2.1. Thực trạng quản lý nhà nước về khai thác đường bộ cao tốc ở nước ta hiện nay

Để đảm nhận chức năng quản lý nhà nước về đầu tư phát triển và kiêm cả về quản lý khai thác, kinh doanh đường bộ cao tốc ở Việt Nam, ngay từ năm 2004, Bộ GTVT đã thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Sau đó, tháng 7/2011, Bộ đã thành lập Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án Hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) như một hướng thí điểm mới về công tác quản lý đầu tư và khai thác đường bộ cao tốc. Nhưng về mặt bản chất thì VEC hay Cửu Long CIPM cũng đều là những doanh nghiệp nhà nước được Bộ GTVT giao nhiệm vụ đầu tư đường cao tốc chứ không thể đảm nhận vai trò quản lý nhà nước. Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng và khai thác hệ thống đường bộ cao tốc trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, Cục Quản lý Đường bộ cao tốc trực thuộc Tổng cục ĐBVN được thành lập theo Quyết định số 60/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/10/2013 với các nhiệm vụ:

- Chủ trì, tham mưu cho Tổng Cục trưởng xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, cơ chế, chính sách về đường bộ cao tốc;

- Tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hàng năm phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước;

- Chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về đường bộ cao tốc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường bộ cao tốc;

- Chủ trì, tham mưu cho Tổng Cục trưởng về huy động các nguồn vốn đầu tư, tổ chức quản lý các dự án đâu tư xây dựng, thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và các hình thức đầu tư PPP khác theo phân cấp, ủy quyền của Bộ GTVT;

- Tham mưu quản lý nhà nước về quản lý, khai thác hệ thống đường bộ cao tốc trong phạm vi cả nước;

- Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đường bộ cao tốc; xây dựng và duy trì phân hệ đường bộ cao tốc trong ngân hàng dữ liệu đường bộ; thực hiện hợp tác quốc tế GTVT đường bộ cao tốc theo phân công của Tổng Cục trưởng.

* Cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Đường bcao tc bao gồm:

- 01 cục trưởng và 4 phó cục trưởng

- Tổ An toàn giao thông

- Tổ Văn phòng - Tài chính

- Tổ Kế hoạch - Kỹ thuật

- Tổ Quản lý bảo trì

- Văn phòng Quản lý tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương

- Trung tâm ITS phía Nam

Tổng số cán bộ viên chức hiện nay của Cục là 23 người ( 20 trong biên chế và 3 hợp đồng).

* Một số kết quả đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước về khai thác đường cao tốc:

- Xây dựng và ban hành các văn bản về công tác quản lý khai thác đường cao tốc:

+ Nghị định số 32/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/4/2014 về quản lý, khai thác và bảo trì đường cao tốc;

+ Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

+ Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

+ Thông tư số 08/2015/TT-BGTVT ngày 14/4/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về công tác cứu hộ và định mức chi phí cứu hộ trên đường cao tốc tới các cơ quan, đơn vị liên quan.

+ Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông trên đường bộ.

- Các công tác khác:

+ Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập về đường cao tốc.

+ Chỉ đạo với các chủ thể quản lý và đơn vị khai thác bảo trì khắc phục các tồn tại, mất ATGT trên các tuyến theo quyết định kiểm tra của Tổng cục và tiến hành kiểm tra các tuyến theo kế hoạch thường xuyên của Cục.

+ Hàng năm triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền ATGT, phổ biến pháp luật, chương trình tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu do chấn thương TNGT trên đường cao tốc khu vực phía Bắc và phía Nam.

* Những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về khai thác đường cao tốc:

- Hệ thống quy định, quy trình liên quan đến tổ chức khai thác đường cao tốc hiện tại vẫn chưa được hoàn thiện và ban hành chính thức. Các tiêu chuẩn bảo trì, định mức bảo dưỡng, sửa chữa đường cao tốc hiện tại chưa được ban hành, gây khó khăn cho đơn vị tổ chức quản lý khai thác.

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đảm bảo TTATGT trên đường cao tốc còn chưa hoàn thiện, chưa phân công phân cấp rõ ràng trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và các cấp trong công tác xây dựng, quản lý, bảo trì và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về TTATGT trên đường cao tốc.

- Các tuyến đường cao tốc sau khi xây dựng xong đưa vào khai thác chưa phát huy hết tính ưu việt do hệ thống đường kết nối với đường cao tốc chưa hoàn chỉnh gây khó khăn cho các phương tiện khi di chuyển đi vào đường cao tốc. Ngoài ra, sau khi có đường cao tốc, hệ thống đường địa phương không còn phù hợp, nhiều tuyến đường bị chia cắt bởi đường cao tốc, do đó cần phải có sự quy hoạch điều chỉnh lại hệ thống đường bộ địa phương, đảm bảo kết nối với hệ thống nút giao của đường cao tốc tạo điều kiện cho nhân dân, doanh nghiệp thuận lợi tham gia vào đường cao tốc, đồng thời giảm tình trạng đón, bắt, trả khách trên đường cao tốc.

- Hành lang pháp lý cho việc chuyển nhượng quyền khai thác các tuyến đường cao tốc còn chưa hoàn thiện dẫn đến hiệu quả không được như mong muốn.

2.2. Quản lý nhà nước về khai thác đường cao tốc cần sự đổi mới mạnh mẽ

Cho đến nay, dù mới được hình thành nhưng hệ thống đường cao tốc đã mang lại hiệu quả to lớn như: Giảm thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng tại nhiều vùng miền trên cả nước.  Đường cao tốc mang trong mình nhưng đặc điểm khác với đường ô tô thông thường, do vậy công tác quản lý nhà nước về khai thác đường cao tốc còn nhiều mới mẻ ở nước ta. Qua phân tích thực trạng ở trên, để công tác quản lý nhà nước về khai thác đường cao tốc mang lại hiệu quả cao, cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan nhà nước có liên quan đến công tác quản lý khai thác đường cao tốc, hoàn thiện quy mô cũng như cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý Đường cao tốc cho xứng tầm với nhiệm vụ được giao;

- Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, sửa đổi bổ sung một số quy tắc giao thông trên đường cao tốc trong luật giao thông đường bộ cho phù hợp;

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao ý thức cho người dân địa phương và người tham gia giao thông;

- Đầu tư xây dựng bổ sung hoàn chỉnh các hạng mục nhằm đồng bộ công trình đường cao tốc, đảm bảo vận hành thông suất và TTATGT;

- Xây dựng quy chế phối hợp làm việc giữa cơ quan quản lý đường cao tốc, chính quyền địa phương và lực lượng công an với các doanh nghiệp dự án trong công tác quản lý vận hành đảm bảo TTATGT, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nghiệm thu;

- Xây dựng đồng bộ hệ thống ITS trên các tuyến cao tốc trong đó có hệ thống thu phí không dừng;

- Thiết lập một hành lang pháp lý đầy đủ nhằm thu hút các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực chuyển nhượng quyền khai thác lợi ích đường cao tốc vốn được xem như một lời giải cho bài toán về nguồn vốn đầu tư.

3. KẾT LUẬN

Xây dựng và hoàn thiện mạng lưới đường cao tốc để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một tất yếu ở nước ta. Muốn mạng lưới đường cao tốc phát huy tối đa vai trò của mình thì không thể thiếu quản lý nhà nước. Muốn vậy, quản lý nhà nước trong một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ này cần thẳng thắn nhìn vào những nảy sinh, vướng mắc, những vấn đề còn tồn tại, từ đó đưa ra các giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng của công tác này.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nghị định 32/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc.

[2]. Hội thảo: “Quản lý, khai thác đường bộ cao tốc - Một số vấn đề đặt ra”, Hà Nội, tháng 6/2016.

[3]. http://www.baogiaothong.vn.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận