“Quái chiêu” hợp thức xe lậu và những thủ đoạn ‘quỵt tiền thuế’?

Doanh nghiệp 10/05/2015 07:45

Biến những siêu xe thành vô chủ rồi bị tịch thu và bán đấu giá, phải chăng đây là ‘chiêu bài’ mới nhằm hợp thức hóa xe bạc tỉ với giá rẻ?


Rất nhiều siêu xe tại Đà Nẵng cũng gặp tình trạng vô chủ như Hải Phòng.

Rất nhiều siêu xe tại Đà Nẵng cũng gặp tình trạng vô chủ như Hải Phòng.

Thời gian gần đây tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, cơ quan công an liên tục thu giữ nhiều siêu xe bạc tỉ nhưng… vô chủ. Theo luật định, những chiếc xe vô chủ này sẽ được bán đấu giá để sung công. Tuy nhiên, không ít ý kiến quan ngại, có thể đó là chiêu lách luật để trốn thuế, hợp thức xe gian bạc tỉ với giá “bèo bọt” của một loại tội phạm mới.

Siêu xe bỗng dưng… vô chủ?!

Trao đổi với PV, ngày 12/4 đại diện phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP.Hải Phòng cho biết, đơn vị này đang thụ lý điều tra vụ án kinh tế, tạm giữ 2 xe ô tô (thuộc dạng xe siêu sang – PV). Những chiếc xe đang tạm giữ này đều là dòng xe đắt tiền và nhãn hiệu danh tiếng như Mercedes, Audi. Hiện, Công an TP.Hải Phòng vẫn đang thông báo tìm chủ xe. Theo quy định của pháp luật, sau 30 ngày, kể từ khi thông báo, nếu không có người đến làm việc liên quan đến xe đó, cơ quan chức năng sẽ tiến hành xử lý.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Công an TP.Hải Phòng thu giữ siêu xe vô chủ dưới dạng như vậy. Trước đó, vào chiều 26/1, tổ công tác của đội 5, PC46 – Công an TP.Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra bãi xe trung tâm ô tô Hoàng Phúc, ở số 1 đường Hà Nội, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng phát hiện một xe ô tô mang nhãn hiệu Jaguar XJL đã qua sử dụng, không có biển kiểm soát. Trong thời gian kiểm tra, chủ trung tâm ô tô Hoàng Phúc là Dương Ngọc Phúc (SN 1982, ở tổ 24 Quán Sỏi, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, Hải Phòng) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của xe. Phúc cho biết, chiếc Jaguar XJL này được một người quen gửi vào bãi từ ngày 15/1, nhưng từ đó cho đến ngày 26/1 không quay lại lấy? Theo thông tin từ giới chơi xe đất Cảng, chiếc Jaguar XJL này tại Việt Nam có giá không dưới 7 tỉ đồng.

Không riêng Hải Phòng mà tại Đà Nẵng, trong năm 2014, các cơ quan chức năng cũng đã liên tục phát hiện và thu giữ hàng loạt xe siêu sang, đa chủng loại. Mới đây nhất, ngày 10/4/2014, PC46 (Công an TP.Đà Nẵng) cũng phát hiện xe sang nghi nhập lậu. Trước đó, qua công tác tăng cường quản lý xe có hồ sơ mang biển kiểm soát nước ngoài, ngoại giao lưu thông trên địa bàn, PC46 phát hiện một ô tô Lexus RX 330 loại 5 chỗ có dấu hiệu bất minh, nên tiến hành kiểm tra. Xe được sản xuất tại Nhật Bản năm 2005, người điều khiển không xuất trình được giấy tờ chứng minh sở hữu hợp pháp, nên cơ quan chức năng tiến hành tạm giữ ô tô.

Vào cuối năm 2013, phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cũng phát hiện, thu giữ 7 siêu xe mang nhãn hiệu Bentley, BMW, Lexus… trị giá khoảng 30 tỉ đồng. Qua kiểm tra, số xe này có nhiều biểu hiện nghi vấn nên được chuyển sang Cơ quan điều tra.

Một điều lạ là, các dòng xe siêu sang này sau khi về Việt Nam, bị cơ quan chức năng phát hiện, thì bỗng nhiên… vô chủ, các dòng biển số lắp tạm hầu hết là các loại biển giả, nguồn gốc không rõ ràng. Dư luận đang đặt câu hỏi, tại sao hàng loạt siêu xe có giá trị lên đến hàng chục tỉ đồng lại bỗng nhiên vô chủ như vậy? Liệu có một nhóm đối tượng, chuyên nghiên cứu rất kỹ các quy định của pháp luật về “đống tiền” này để lợi dụng, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, trốn thuế, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước và tạo ra một loại tội phạm mới trong thời hội nhập kinh tế.

Đến xe nhiều tỉ đồng được thanh lý với giá… đồng nát!

Trên thực tế, việc các đối tượng móc ngoặc trốn thuế nhằm hợp thức hóa xe gian đã được cơ quan công an vạch mặt. Dư luận chắc hẳn không quên được cái tên Công mô-tô (tức Huỳnh Văn Xuân, Giám đốc công ty Thành Công, TP.HCM), một thời nổi tiếng khi gắn với người đẹp chân dài. Với thủ đoạn móc ngoặc và đưa hối lộ cán bộ quản lý thị trường huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, Công mô- tô đã hợp thức hóa thành công 85 xe mô-tô phân khối lớn giá thị trường là hàng chục tỉ đồng nhưng y mua lại với giá… đồng nát. Theo đó, tổng số tiền mà Công mô-tô đã bỏ ra để mua lại 85 chiếc xe phân khối lớn chỉ với 291 triệu đồng. Trong khi đó giá trị thật của những chiếc xe này lên đến khoảng 20 tỉ đồng. Với hành vi vi phạm pháp luật trên, hiện Công mô-tô và đồng bọn đang bị tạm giam chờ ngày xét xử trước pháp luật.

Trước đó, với thủ đoạn tương tự như Công mô-tô, vào thời điểm cuối năm 2009, đầu 2010, 13 cán bộ thuộc các ngành công an, kiểm sát, tài chính, nguyên Chủ tịch UBND huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã giúp hợp thức hóa nguồn gốc cho 50 chiếc xe mô-tô phân khối lớn nhập lậu cho hai đối tượng Thắng và Bình ở… “dưới xuôi” lên. Trong đó, ngoài ba chiếc xe Honda Spacy 125cm3 nhập nguyên chiếc thì 47 chiếc xe còn lại đều là xe phân khối lớn được các hãng danh tiếng sản xuất như Boss Hoss, Harley Davidson, Honda, Can-Am, Yamaha, Suzuki, Dnepr, Buell… có giá bán trên thị trường từ vài nghìn lên đến hàng chục nghìn USD, nhưng lại được thanh lý chỉ vài triệu đồng/xe. Trong số này có “siêu” mô tô Boss Hoss 8.200cm3 thuộc dạng đặc biệt nhất thế giới. Chiếc xe này chạy bằng động cơ ô tô V8 do hãng Chevrolet sản xuất. Giá mà nhà sản xuất công bố, Boss Hoss 8.200cm3 sau khi xuất xưởng từ 80.000 đến 120.000 USD (tương đương 1,8 – 2,4 tỉ đồng)… Tài liệu từ cơ quan công an thể hiện, năm 2014, trong hơn 1.000 ô tô nhập về Việt Nam theo diện Việt kiều hồi hương, có trên 200 chiếc là xe siêu sang như Bentley, Phantom, Mercedes, Rolls-Royce… Riêng 200 siêu xe nhập theo kiểu này, tính ra trốn hơn 1.000 tỉ đồng tiền thuế. Cơ quan công an đã khởi tố 7 vụ án hình sự.

Kết nối nhiều kênh, chúng tôi cũng gặp được Đức “nát”, một nhân vật được giới xe lậu “tôn” là bậc thầy của các mánh lách luật. Đức “nát” là công an kinh tế bị sa thải. Theo giới siêu xe lậu, nếu được Đức “nát” hướng dẫn, kiểu gì cũng thu bạc tỉ nhưng % “lót tay” cũng kha khá. Đức hướng dẫn chủ mối có đối tượng muốn chuyển siêu xe về Việt Nam, tìm người quen, họ hàng địa chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa càng tốt. Kết nối với họ, sau đó lấy lý do muốn hồi hương… Đức “nát” cho rằng, địa chỉ người thân Việt kiều càng xa đô thị, xa trung tâm, chính quyền, công an nơi đó chưa quen với hoạt động này nên dễ bề thực hiện hành vi “thao túng” hơn. Chẳng thế mà, trong lần đi Yên Bái công tác vào cuối năm 2014, chúng tôi phát hiện ra 2 xe sang vô chủ ở sân công an tỉnh. Hỏi ra mới biết, đối tượng “ở bển” gửi đến địa chỉ một người dân tộc Mông ở huyện miền núi. Trong hồ sơ quản lý của cơ quan công an, người dân tộc Mông được ai đó gửi tặng xe, chẳng có người thân nào ở nước ngoài. Thậm chí, người thân trong ba đời của người này đều có địa chỉ ở trong huyện, xã.

Đem chuyện này hỏi giới xe lậu, Đức “nát”, chúng tôi nhận được thông tin khá thú vị. Đức cười mà rằng: “Thể nào họ – tức cơ quan chức năng – cũng phải trình lên cơ quan cấp trên làm các thủ tục thanh lý. Thế là trúng kế của giới xe lậu rồi. Còn, không nhập được nguyên chiếc, tháo rời từng bộ phận ra, cho nó là “sắt vụn”, về nước lắp ráp rồi tính cách hợp lý hoá giấy tờ từ xe tai nạn…”.

Xảy ra bảo kê buôn lậu, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm

Ngày 13/4/2015, làm việc với ban Chỉ đạo 138 của TP. Hải Phòng, cục Hải quan Hải Phòng về công tác phòng chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nơi nào tội phạm hoành hành, lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm”. Theo báo cáo của lực lượng Hải quan, năm 2014, cục Hải quan Hải Phòng phát hiện xử lý trên 5.000 vụ vi phạm, trong đó chuyển cơ quan cảnh sát điều tra, khởi tố 3 vụ. Quý I năm 2015 đã phát hiện, xử lý trên 2.000 vụ vi phạm, chuyển Cơ quan điều tra, khởi tố 1 vụ.

Theo Người đưa tin

Ý kiến của bạn

Bình luận