Phương tiện tải trọng gần 1.000 tấn lưu thông qua âu Rạch Chanh an toàn

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Thị trường 11/08/2019 17:17

Âu tàu Rạch Chanh được thiết kế với thiết bị công nghệ hiện đại với tổng chiều dài 140m, chiều rộng 19,5m, cửa đầu âu 14,6m, ngoài tác dụng ngăn mặn, thoát lũ cho nội đồng khu vực Long An và Đồng Tháp Mười còn có chức năng phục vụ cho các loại phương tiện thủy lưu thông kết nối khu vực TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh tứ giác Long Xuyên không phải qua kênh Chợ Gạo nhằm giảm áp lực ùn tắc trên tuyến này.

 

hình 2
Thời gian gần đây, các phương tiện có tải trọng gần 1.000 tấn lưu thông qua âu an toàn

Ông Ngô Thanh Liêm - Giám đốc Trung tâm Quản lý Điều hành âu tàu Rạch Chanh cho biết: “Từ khi đưa vào sử dụng cuối năm 2016, lượng phương tiện lưu thông qua âu tàu Rạch Chanh tăng liên tục. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019 có 13.904 phương tiện lưu thông qua âu an toàn (trong đó có 619 phương tiện trên 500 tấn). Đặc biệt từ tháng 4 và tháng 5 đã xuất hiện nhiều phương tiện chở cát, đá tải trọng gần 1.000 tấn lưu thông qua âu. Với năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, công tác vận hành thành thạo của CB, CNV cùng với sự phối hợp của người tham gia giao thông thủy đã không xảy ra tai nạn hay sự cố tai nạn tại khu vực âu tàu Rạch Chanh sau gần 3 năm đưa vào vận hành, khai thác”.

Tuy nhiên, lượng phương tiện lưu thông qua âu chưa nhiều do hành lang đường thủy quốc gia số 2 qua âu Rạch Chanh bắt đầu từ km0+000 tại ngã 3 Kênh Tẻ - sông Sài Gòn kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc tứ giác Long Xuyên thực hiện chưa đồng bộ. Trên Kênh Tẻ có cống ngăn triều Tân Thuận, Kênh Đôi có cống ngăn triều Phú Định đang thi công dở dang. Tại các khu vực này luồng rất hẹp và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thủy.

Anh Nguyễn Văn Toàn - chủ sà lan số hiệu TG 14565 cho biết: “Tuyến kênh Nguyễn Văn Tiếp kết nối âu Rạch Chanh và sông Tiền còn một vài vị trí khan cạn và cầu có tĩnh không thấp nên vào mùa lũ các phương tiện lớn lưu thông khá thuận lợi do mực nước dâng cao và độ sâu luồng chạy được đảm bảo. Tuy nhiên, lượng phương tiện có trọng tải lớn vẫn ít lưu thông do các cầu trên tuyến có tĩnh không khá thấp. Ngược lại vào mùa khô, tĩnh không cầu đảm bảo lưu thông nhưng luồng tuyến lại không đảm bảo mớn nước cho phương tiện lưu thông an toàn. Vì vậy, người điều khiển phương tiện sẽ lựa chọn tuyến qua kênh Chợ Gạo để lưu thông mặc dù chậm và xa hơn”.

Ngoài ra, trong quá trình vận hành còn gặp một số trục trặc liên quan đến sự không đồng bộ của các trang thiết bị lắp đặt và quá trình bảo hành bảo dưỡng không kịp thời. Trước thực trạng đó, đơn vị quản lý vận hành âu đã chủ động khắc phục nên âu luôn được duy trì hoạt động 24/24 giờ, các phương tiện hoàn toàn được miễn phí phục vụ qua âu. 

Những năm tiếp theo khi các dự án chống ngập của TP. Hồ Chí Minh hoàn thành, cùng với việc xử lý các vị trí khan cạn và cầu có tĩnh không thấp thì các nhà máy, cảng, bến thủy nội địa sẽ được xây dựng ngày càng nhiều trên tuyến hành lang số 2, lúc đó phương tiện lưu thông qua âu tàu sẽ tiếp tục gia tăng, phát huy hiệu quả của âu, giảm giá thành, thúc đẩy vận tải thủy khu vực phát triển. Khi đó, các phương tiện di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh thuộc tứ giác Long Xuyên và ngược lại trên tuyến hành lang đường thủy quốc gia số 2 sẽ rút ngắn được quãng đường gần 50km, giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí di chuyển

Ý kiến của bạn

Bình luận