Phương pháp quản lý đường sắt đô thị trên thế giới

Ứng dụng 29/05/2016 15:36

Hệ thống đường sắt đô thị (còn được gọi là metropolitan hoặc ngắn hơn là metro) là hệ thống giao thông trong một thành phố hoặc quốc gia đô thị, di chuyển với tốc độ cao trên những tuyền đường ray được xây phần lớn ở dưới lòng đất. So với hệ thống giao thông công cộng trên mặt đất như taxi, xe bus, hệ thống đường sắt đô thị có những ưu điểm vượt trội như tốc độ cao, duy trì nhiều chuyến trong ngày với lượng khách chuyên chở lớn, thuận tiện và thoải mái. Đặc biệt, giống như xe bus nhưng tàu điện ngầm lại hữu ích trong việc đi lại hơn và đảm bảo được chất lượng an toàn trong cuộc sống nhiều hơn.

di-tim-tau-dien-ngam-mau-sac-viet-nam

Hiện nay, đa số các thành phố lớn trên thế giới đều áp dụng đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông công cộng của mình. Do đặc điểm không gây ùn tắc như xe bus, taxi - các phương tiện cần sử dụng chung tuyến đường với các loại phương tiện khác, đường sắt đô thị hiện đang được chính phủ sử dụng như xương sống trong bản đồ quy hoạch hệ thống giao thông công cộng tại các thành phố có mật độ dân cư cao.

Về mặt quản lý vận hành, đường sắt đô thị có mức độ tự động hóa cao, phần lớn các hệ thống nhà ga đều không có người quản lý. Để sử dụng dịch vụ, hệ thống máy bán vé tự động sẽ nhận tiền của khách hàng, sau đó cấp thẻ vé có chứa thông tin chuyến đi. Khi đến cửa ra vào, khách hàng đưa vé vào máy soát vé, thanh chắn cửa sẽ tự động mở ra. Nếu đi vượt quá quãng đường ghi trên vé thì thanh chắn không mở và hành khách phải bù thêm lượng tiền còn thiếu mới ra được khỏi ga tàu. Ngoài ra, một số hệ thống đường sắt đô thị còn cung cấp vé sử dụng dài hạn cho khách hàng bằng phương pháp nạp tiền. Ưu điểm của loại vé này nằm ở khả năng sử dụng tích hợp với các phương tiện công cộng khác như xe bus, taxi.

Đường tàu đô thị thường được hiểu là đi ngầm dưới mặt đất, nhưng hiện nay hơn 60 đường tàu điện ngầm trên thế giới, chỉ có 10 đường là hoàn toàn trong mặt đất, còn lại là kết hợp giữa trên và dưới mặt đất. Ở nơi sầm uất thì phải làm dưới mặt đất, còn lại dùng cầu vượt hoặc đi trên mặt đất để giảm bớt khó khăn và giá thành thi công.

Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới khởi xướng việc xây dựng tàu điện ngầm, đoạn tàu điện ngầm đầu tiên chỉ dài 6km. Tại TP. New York (Mỹ), hệ thống đường sắt đô thị được khai triển từ năm 1894. Đến nay, tàu điện ngầm tại New York đã có 471km và 468 nhà ga, đạt năng lực vận chuyển 3 triệu khách/km/năm, vận tốc trung bình đạt 29km/h. Tại Moscow (Nga), đường sắt đô thị khai triển từ năm 1935. Đến nay, metro Moskva đã có 265km và 164 nhà ga, đạt năng lực vận chuyển 12,1 triệu hành khách/km/năm, vận tốc trung bình đạt 41km/h.

Về mặt thiết kế, một nhà nhà ga đường sắt đô thị tiêu chuẩn được chia thành 2 khu vực chính: Hệ thống tầng hầm phía trên với trang bị hệ thống bán vé tự động, hệ thống điều phối và cung cấp dịch vụ thẻ với 2 nhân viên túc trực liên tục trong thời gian hoạt động. Khu vực tầng trên còn được trang bị hệ thống máy rút tiền ATM, điện thoại công cộng, thang cuốn và thang máy dành cho người khuyết tật. Sân ga chờ tàu nằm ở tầng sâu hơn với lớp kính chịu lực ngăn cách với các đoàn tàu. Ngoài ra, hai bên ga tàu cũng được trang bị hệ thống cửa thoát hiểm, hệ thống thang máy, thang bộ, lối đi, cửa bán vé tại nhà ga được thiết kế phù hợp với lưu lượng hành khách đi tàu lúc giờ cao điểm, đảm bảo cho việc thoát nạn trong trường hợp có cháy một cách an toàn, nhanh chóng.

Tại khu vực châu Á, các quốc gia phát triển như Singapore, Nhật Bản, Malaysia đều đã áp dụng đường sắt đô thị vào hệ thống giao thông công cộng của mình. Tuy nhiên, thành công nhất lại là Hong Kong, với doanh thu vào năm 2015 lên tới 5,2 tỷ USD. Hệ thống tàu điện ngầm của Hong Kong hiện đang đạt nhiều kỷ lục về sự hoàn thành tiêu chuẩn trong hoạt động. Với lượng người sử dụng lên tới 5 triệu lượt/ ngày, các chuyến tàu của Hong Kong vẫn duy trì được mức đến bến đúng thời điểm lên tới 99,99%. Ngoài ra, mức giá cực rẻ của hãng (0,5 - 3 USD) cũng hoàn toàn đủ để bao quát mức phí hoạt động của toàn hệ thống.

Để có thể đạt được thành công lớn thế, Tập đoàn MRT - nhà quản lý hệ thống đường sắt đô thị Hong Kong (MRT) đã xây dựng một mối quan hệ vững chắc với chính phú Hồng Kong - vốn là cổ đông lớn của MTR. Qua đó, Chính phủ sẽ cung cấp đất đai không chịu phí cho MTR và MTR sẽ tiến hành phát triển các khu vực xung quanh trạm tàu. MTR tập trung vào việc xây dựng các trung tâm thương mại cạnh các trạm ga lớn. Tính đến thời điểm hiện nay, MTR đang sở hữu 13 trung tâm thương mại. Ngoài ra, các cửa tiệm kế bên trạm ga đều phải trả phí thuê địa điểm cho tập đoàn. Với phương thức trên, hệ thống đường sắt đô thị cũng góp phần vào việc thúc đẩy nển kinh tế dịch vụ.

Tại Singapore, MRT Singapore bao gồm 84 ga đang hoạt động, đưa tổng chiều dài toàn hệ thống đường sắt đô thị lên tới 130km. Hệ thống MRT Singapore hiện đang được quản lý bới tập đoàn SBS Transit và SMRT. Hiện 2 tập đoàn này cũng đang vận hành hệ thống taxi và xe bus lớn nhất Singapore. Tương tự với Hong Kong, xung quang các nhà ga lớn và trạm chung chuyển là các chuỗi cửa hàng, trung tâm thương mại lớn nhằm tạo gia tăng nhu cầu mua sắm và mang lại sự thuận tiện cho khách hàng sử dụng MRT. Do được quản lý chung bởi cùng tập đoàn, các điểm chờ xe bus và taxi cũng được đặt gần các nhà ga nhàm tạo ra một hệ thống giao thông công cộng xuyên suốt.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận