Phương pháp giúp trẻ hạnh phúc của người Đan Mạch

17/10/2019 17:27

Cha mẹ Đan Mạch quan niệm, hạnh phúc không bắt nguồn từ tiêu chuẩn giáo dục cao mà thể hiện ở khả năng đối phó với nghịch cảnh và cảm xúc xấu.

daotao
Mariana Rudan muốn con tập trung vào niềm vui hơn sự hoàn hảo. Ảnh: Mariana Rudan.

Mariana Rudan là nhà văn tự do người Australia, từng có chuyến tham quan Đan Mạch và môi trường giáo dục tiểu học của quốc gia này. Rudan chia sẻ về cách người Đan Mạch nuôi dưỡng trẻ niềm hạnh phúc.

Hai người con của tôi đang theo học một trường tiểu học có thành tích xuất sắc ở phía Bắc thành phố Sydney, Australia. Điều này đồng nghĩa với việc chúng phải chịu áp lực học tập vô cùng lớn.

Một tối nọ, như mọi khi, tôi hỏi các cháu hôm nay ở trường thế nào. Con gái tôi thừa nhận hôm nay cháu đã trải qua một tình huống xấu hổ, nhưng vô cùng đáng nhớ. Trong cuộc thi nhỏ trên lớp, con gái tôi may mắn là một trong hai đứa trẻ đi vào vòng chung kết nhưng cháu đã không giành chiến thắng.

Cháu cảm thấy vô cùng buồn bã và giận dữ với chính mình vì đã không đạt được như kỳ vọng. Tôi nhắc nhở con rằng thua là trải nghiệm hoàn toàn bình thường, không có gì đáng xấu hổ. Điều quan trọng là sau khi vấp ngã, chúng ta học được cái gì và sẽ thay đổi ra sao.

Câu chuyện của con gái khiến tôi không khỏi suy nghĩ. Tuần trước, cháu cũng kể với tôi về một người bạn cùng lớp có thành tích học tập vô cùng xuất sắc, nhưng luôn sợ hãi mình chưa đủ giỏi.

Tôi tự hỏi tại sao ngày càng nhiều trẻ em phải đối mặt với cảm xúc tiêu cực như vậy? Tôi biết nhiều trẻ tuổi vị thành niên, khi tâm sinh lý thay đổi thì việc nảy sinh cảm xúc tiêu cực là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, con gái tôi và các bạn của cháu mới học tiểu học đã chịu những căng thẳng không đáng có.

Tôi nỗ lực thay đổi lịch trình của các con, bảo vệ chúng khỏi thất bại hoặc khuyến khích sự lạc quan, nhưng cảm thấy chưa đủ. Những đứa trẻ còn cần nhiều điều hơn thế.

Năm 2017, tôi đã đến thăm Đan Mạch để tìm hiểu điều gì khiến trẻ em của họ hạnh phúc. Theo Chỉ số hạnh phúc thế giới, người dân Đan Mạch là một trong những người hạnh phúc nhất thế giới, thứ hạng này đã duy trì hơn bốn thập kỷ.

Tại Australia, khi một đứa trẻ nảy sinh cảm xúc tiêu cực, phản ứng điển hình của các em là giả vờ không có chuyện gì xảy ra hoặc cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài. Tuy nhiên, việc tự hóa giải vấn đề còn quan trọng hơn thế và đây là điều người Đan Mạch đã thực hiện vô cùng thành công.

Trong chương trình giáo dục tiểu học, Đan Mạch chú trọng phát triển toàn diện cho trẻ, cả về thể chất, học vấn và tinh thần. Trẻ em Đan Mạch được học các môn như Đồng cảm, Hòa nhập và Tư duy phát triển, những môn học không kém phần quan trọng như Toán hay Khoa học.

Trong các môn học này, các em sẽ ngồi thành vòng tròn, nắm tay nhau, chia sẻ câu chuyện, cảm xúc của mình với các bạn xung quanh. Ví dụ, nếu hôm nay một bạn trong lớp nghỉ ốm, cả lớp sẽ dành giờ học Đồng cảm để chia sẻ nỗi buồn khi thiếu bạn, lo lắng cho tình hình sức khỏe của bạn, nhấn mạnh tầm quan trọng của bạn trong lớp và hy vọng bạn sẽ sớm phục hồi. Nếu giờ Đồng cảm hôm đó không có chuyện gì đặc biệt, học sinh chỉ đơn giản ngồi nắm tay nhau và thư giãn.

Những đứa trẻ thông minh nhất lớp sẽ được coi là trợ giảng của giáo viên. Các em có nhiệm vụ giúp đỡ các bạn khác chia sẻ khó khăn, tháo gỡ khúc mắc để cả lớp hiểu rõ nhau hơn.

Alexander và Sandahl, hai giáo viên tiểu học người Đan Mạch, cho tôi biết giáo viên ở quốc gia này được đào tạo để xem mỗi học sinh là một cá nhân có nhu cầu khác nhau. Họ vừa phải quản lý lớp học, vừa phải chăm lo cho mục tiêu của từng em. Mục tiêu này có thể là học tập hoặc vấn đề cá nhân.

Giáo viên sẽ quan sát, đánh giá điểm mạnh, yếu của từng em dựa theo mục tiêu để chia nhóm học tập phù hợp. Ví dụ trong lớp của con gái tôi, em học giỏi toán có thể ghép nhóm với con gái tôi, người học toán kém hơn để giúp nhau tiến bộ. Tương tự vậy, học sinh gặp khó khăn trong việc tương tác xã hội có thể tham gia nhóm với những em sôi nổi, hoạt bát để vượt qua trở ngại.

Broegard, giáo viên tại một trường tiểu học Đan Mạch, chia sẻ với tôi rằng phụ huynh biết sẽ có nhiều cách tốt hơn để con tiếp nhận kiến thức nhưng họ không làm như vậy. Họ cho rằng không có lý do gì để biến những đứa trẻ non nớt trở thành người cuồng Toán học, không có khả năng chịu áp lực từ cuộc sống bên ngoài.

Đối với cha mẹ Đan Mạch, hạnh phúc không bắt nguồn từ tiêu chuẩn giáo dục cao mà thể hiện ở khả năng đối phó với nghịch cảnh hoặc những cảm xúc tiêu cực. Đó là lý do tại sao môn Đồng cảm trở thành môn học bắt buộc và kỹ năng thấu hiểu phải được thực hành trong nhiều tình huống.

Bên cạnh trường học, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con cái. Người Đan Mạch dành nhiều thời gian ở bên con và đó là những khoảng thời gian thực sự chất lượng. Họ sẽ toàn tâm toàn ý ở bên cạnh lắng nghe, không điện thoại di động, không công việc.

Hạnh phúc của trẻ là được cha mẹ quan tâm và có thời gian vui vẻ bên cạnh cha mẹ. Vì vậy, hầu hết ngôi nhà ở Đan Mạch tôi từng tham quan đều có giá sách chứa đầy trò chơi cờ bàn như cờ cá ngựa, UNO, cờ tỷ phú... Những trò chơi này hạn chế tiếp xúc với Internet hay thiết bị công nghệ, yêu cầu người chơi ngồi quây quần bên nhau và dành toàn bộ chú ý cho đối phương. Điều này có hiệu quả cao trong việc gắn kết gia đình.

Chuyến tham quan Đan Mạch đã giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm đáng quý trong việc nuôi dạy con cái. Quốc gia này đã dạy tôi tập trung vào niềm vui hơn sự hoàn hảo, khuyến khích những lợi thế của cá nhân. Quan trọng nhất, tôi nhận ra tầm quan trọng của tinh thần đồng đội so với chiến thắng cá nhân.

Giờ đây, các con tôi không cảm thấy buồn bã, lo sợ dù không đứng đầu lớp hay giành chiến thắng trong các cuộc thi. Ngược lại, chúng vui vẻ và hạnh phúc vì có thể giúp đỡ các bạn cùng lớp. Trong thế giới mà trẻ em phải đối mặt với áp lực lớn như hiện nay, tôi tự hào với sự phát triển hạnh phúc của con cái mình.

Ý kiến của bạn

Bình luận