Phương án tuyển sinh của trường Luật Hà Nội, Ngân hàng, Tài chính

01/04/2018 09:44

Ngoài xét tuyển dựa theo kết quả thi THPT quốc gia, ĐH Luật Hà Nội, HV Ngân hàng, HV Tài chính tuyển thẳng học sinh giỏi qua học bạ THPT.


DH-Luat-HN-3109-1522220535
Chỉ tiêu tuyển sinh của Đại học Luật Hà Nội năm 2018. Ảnh chụp màn hình.

Đại học Luật Hà Nội năm 2018 có 2.210 chỉ tiêu tuyển sinh cho bốn ngành đào tạo gồm: Luật, Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế, Ngôn ngữ Anh. Trường dành 85% chỉ tiêu để xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia.

Phần còn lại, trường xét tuyển (theo ngành) dựa trên kết quả học tập bậc THPT của thí sinh các trường THPT chuyên/năng khiếu quốc gia, trường THPT chuyên, năng khiếu cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các em phải có học lực loại giỏi trở lên cả 3 năm học, trong đó kết quả học tập lớp 12 của các môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển không dưới 8 điểm. 

4 tổ hợp xét tuyển được Đại học Luật Hà Nội sử dụng là: A (Toán - Lý - Hóa), A1 (Toán - Vật lý - tiếng Anh), C (Văn - Sử - Địa) và D1 (Toán - Văn - tiếng Anh). Trong đó, ngành Luật, Luật kinh tế có tuyển thí sinh của cả 4 tổ hợp này. Ngành Luật thương mại và Ngôn ngữ Anh đều dùng hai tổ hợp khối A1 và D1. 

Học viện Tài chính có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 4.200, trong đó ngành Tài chính ngân hàng và Kế Toán chiếm số lượng lớn nhất. 

Trường sử dụng 3 phương thức xét tuyển là dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2018, xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập THPT, tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục. Trong đó, xét tuyển thẳng bằng kết quả học tập chiếm không quá 50% tổng chỉ tiêu toàn trường.

Khi xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào kết quả học tập bậc THPT, Học viện Tài chính ưu tiên thí sinh đạt giải quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự thi khoa học kỹ thuật quốc tế và học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh, Ngữ văn. 

Thí sinh lớp chuyên Toán, Tin học, Vật lý, Hóa học, tiếng Anh, Ngữ văn của trường THPT năng khiếu/chuyên quốc gia, trường THPT năng khiếu/chuyên cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có thể đăng ký vào tất cả ngành của Học viện Tài chính, theo diện xét tuyển thẳng.

giao-vien-2392-1522222455
Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tài chính và Học viện Ngân hàng đều dành chỉ tiêu để xét tuyển thẳng học sinh giỏi dựa vào học bạ THPT. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.

Các em này cần đáp ứng một trong các điều kiện: có giải nhất, nhì, ba kỳ thi học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương về một trong các môn kể trên; hoặc có kết quả thi IELTS 5.5 điểm, TOEFL ITP 550 điểm, TOEFL iBT 55 điểm. Với những thí sinh này, trường ưu tiên xét tuyển theo tuần tự: có học lực loại giỏi trở lên cả 3 năm THPT, có học lực giỏi trở lên 2 năm THPT trong đó có năm lớp 12 (chi tiết đề án tuyển sinh).

Học viện Ngân hàng dành ít nhất 90% trong số hơn 4.200 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 để xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Trường sử dụng 6 tổ hợp là A (Toán - Lý - Hóa), A1 (Toán - Vật lý - tiếng Anh), D1 (Văn - Toán - tiếng Anh), D7 (Toán - Hóa học - tiếng Anh), D9 (Toán - Lịch sử - tiếng Anh) và C (Văn - Sử - Địa) để xét tuyển vào các mã ngành.

Chỉ tiêu xét tuyển thẳng, xét tuyển theo học bạ THPT của Học viện Ngân hàng là không quá 10%. Ngoài ra, trường có tuyển sinh hệ cao đẳng với thí sinh Việt Nam đã tốt nghiệp THPT có điểm trung bình chung từng năm của 3 năm THPT từ 5,5 trở lên. Học viện này có đào tạo chương trình chất lượng cao và cử nhân quốc tế

Ý kiến của bạn

Bình luận