Phương án đưa tàu 18.000 TEUS vào cảng Cái Mép an toàn

Tác giả: Văn Quyết

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 21/12/2016 14:02

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh “Việc nghiên cứu đưa tàu 18.000 TEUS vào cảng CIMT rất cần thiết, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn”.

h1
Có 16 phương án được nghiên cứu đề xuất đưa tàu 18.000 TUES vào cảng CIMT .

Ngày 21/12 Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công chủ trì buổi làm việc về phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu 18.000 TEUS vào cảng Cái Mép (CIMT) tại Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển cho biết: “Có 16 phương án được nghiên cứu đề xuất đưa tàu 18.000 TUES vào cảng CIMT hoàn toàn đảm bảo theo yêu cầu. Tất cả các kịch bản đều có điều kiện thủy văn dựa trên thực tế áp dụng và điều kiện cụ thể tại cảng CIMT với gió Tây Nam và Đông cấp 5 đến cấp 6, dòng chảy lớn nhất tại khu vực cửa luồng là 2.5 knots và tại khu vực thủy lưu trước cảng là 1.5 knots với điều kiện ban đêm hay tầm nhìn xa bị hạn chế kết hợp các tình huống tránh va với tàu thủy nội địa trọng tải 300 tấn”.

Kết quả chạy mô phỏng của 16 kịch bản cho thấy việc điều động ra vào luồng và cập rời cảng CIMT là khả thi, kế hoạch điều động, sử dụng tàu lai phù hợp cùng với sự hỗ trợ của các bên liên quan và tàu hộ tống khi cần thiết. Bằng thực nghiệm trên mô phỏng, các biện pháp liên quan cùng thống nhất rằng trong điều kiện có tác động lớn của dòng và gió thì việc quay trở tàu trước vòng quay trở Gò Gia khoảng nữa thân tàu (200m) sẽ thuận lợi hơn và giảm đáng kể được tác động dạt ngang của tàu.

h2
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cảng - Kỹ thuật Biển báo cáo 16 phương án nghiên cứu đề xuất đưa tàu 18.000 TUES vào cảng CIMT.

Theo ông Tuấn các hoạt động cảnh báo thiết kế được kiểm tra ở cấp độ gió từ cấp 5 đến cấp 6 Beaufort tuy nhiên để đảm bảo kiểm soát an toàn hoạt động dẫn tàu, không nên dẫn tàu ra vào cập cầu trong điều kiện gió trên cấp 5. Hàng hải trên luồng nên duy trì tốc độ từ 10 – 12 knots để đảm bảo tính ăn lái của tàu. Đối với các tình huống khó nhất nên sử dụng 3 tàu lai ASD với sức kéo từ 55 – 70 tấn mỗi chiếc theo đề xuất là đủ để hỗ trợ tàu điều động tàu an toàn.

Ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu quan ngại: “Trong quá trình chạy thử chỉ cần bất cẩn của thuyền trưởng, hoa tiêu hoặc trường hợp một chân vịt không khởi động… là mất an toàn, gây tai nạn. Trong khi hiện nay lượng tàu từ TP.HCM, Đồng Nai lưu thông về Vũng Tàu rất nhiều, thời gian qua các vụ tai nạn chủ yếu do yếu tố con người nên cần phải đánh giá thực tế để có phương án tránh những rủi ro tai nạn không đáng có”.

h3
Theo ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu: để đưa tàu vào cảng phải tổ chức phân luồng giao thông, cân nhắc về công suất tàu lai dắt và chỉ cho tàu chạy vào ban ngày.

Theo ông Thức để đưa tàu vào cảng phải tổ chức phân luồng giao thông, cân nhắc về công suất tàu lai dắt và chỉ cho tàu chạy vào ban ngày. Trước những quan ngại của ông Thức, ông Tuấn lý giải: “Nếu tăng tàu lai dắt sẽ không có vấn đề, về sự cố tàu đã có 2 máy, 2 chân vịt nên độ an toàn tàu được đảm bảo”.

Tại buổi làm việc thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá cao các đơn vị đã thực hiện đúng yêu cầu chỉ đạo của Bộ GTVT trong việc nghiên cứu phương án đưa tàu 18.000 TEUS vào cảng CIMT. Lượng hàng hóa thông qua cảng còn rất thấp so với công suất thiết kế nên việc nghiên cứu đưa tàu 18.000 TEUS là cần thiết và rất cấp bách. Chủ tàu, thuyền trưởng phải nắm bắt được các thông số, luồng lạch, điều kiện khí hậu, thủy triều…các đơn vị chức năng phải có sự phối chặt chẽ với địa phương để cho tàu vào cảng an toàn và hiệu quả”.

h4
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh “Việc nghiên cứu đưa tàu 18.000 TEUS vào cảng CIMT rất cần thiết, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, đảm bảo an toàn”.

Thứ trưởng Công giao Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu phối hợp với Cảng vụ hàng hải TP.HCM và Đồng Nai thống nhất cho phân luồng điều tiết tạm thời và lịch tàu để thông báo cho các đơn vị nắm rõ thông tin và lựa chọn điều kiện thuận lợi nhất để đưa tàu vào cảng. Đồng thời xây dựng phương án để khi xảy ra sự cố để giải quyết nhanh chóng.

Ý kiến của bạn

Bình luận