Phúc thẩm vụ án TMV Cát Tường: Bị cáo Tường kháng cáo

Đường dây nóng 11/09/2015 12:56

Sáng nay (11/9), Tòa án nhân dân tối cao mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án bác sĩ làm chết bệnh nhân rồi ném xác xuống sông Hồng phi tang xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động dư luận năm 2013.


thẩm mỹ cát tường
Dư luận mong chờ bản án nghiêm minh cho các bị cáo sau phiên toà phúc thẩm ngày hôm nay

Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường kháng cáo

Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 12/2014, TAND TP. Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Mạnh Tường (42 tuổi, nguyên bác sỹ bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc TMV Cát Tường) 19 năm tù về hai tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Tòng phạm của vụ án, bị cáo Đào Quang Khánh (20 tuổi, bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường) lãnh 33 tháng tù về hai tội Trộm cắp tài sản và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Ngoài ra, các bị cáo phải bồi thường cho gia đình nạn nhân tổng cộng 558 triệu đồng. Riêng bị cáo Tường phải cấp dưỡng nuôi 2 con của nạn nhân đến năm 18 tuổi.

Sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình nạn nhân và Khánh không kháng cáo. Chỉ có Nguyễn Mạnh Tường kháng cáo vì cho rằng, cáo trạng có nhiều nội dung không đúng, việc xét xử ông là chưa đúng tội danh làm cho tội chồng thêm tội và bản án đối với ông quá nặng. 

Bà Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) cũng cũng có đơn kháng cáo cho rằng chiếc ô tô Tường sử dụng chở thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền đi ném xuống sông là tài sản chung của hai vợ chồng. Việc TAND TP.Hà Nội quyết định tịch thu chiếc xe trên để sung công quỹ Nhà nước là không thỏa đáng. Bà Hằng kháng cáo đòi lại nửa chiếc xe ô tô.

Cáo trạng vụ án

Theo cáo trạng, trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đi xe máy đến thẩm mỹ viện Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ. Nhân viên thẩm mỹ viện đưa chị vào phòng thử HIV và thử phản ứng thuốc tê thấy bình thường.

Đến 12 giờ 30 phút, bác sĩ Tường yêu cầu nhân viên pha 5 lọ thuốc gây tê, thử phản ứng thấy bình thường nên đã tiêm thuốc gây tê để tiến hành ca mổ.

Khi ca mổ kết thúc, chị Huyền được đưa ra ngoài phòng chờ. Khoảng 30 phút sau, chị có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép nên bác sĩ Tường tiêm cho chị một mũi thuốc an thần loại Diafegam 10mg. Thấy chị Huyền bình thường, ông Tường đi lễ cùng bạn tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Đến khoảng 17 giờ 45 phút cùng ngày, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, không đo được huyết áp. Nhân viên thẩm mỹ viện đã gọi điện cho bác sĩ Tường và được chỉ định tiêm cho chị Huyền hai ống thuốc trợ tim loại Adrenalin 2ml và hai ống thuốc chống dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.

Sau đó, ông Tường quay về thẩm mỹ viện, gọi điện cho bác sĩ Nguyễn Quang Thành (bác sĩ khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai) đến để cùng Tường cấp cứu nạn nhân. Tuy nhiên việc này đã không đạt kết quả.

Sau khi chị Huyền tử vong, Tường điện thoại báo cho vợ là Nguyễn Thị Hằng và các nhân viên thẩm mỹ viện Cát Tường biết. Ông ta chỉ đạo nhân viên thu dọn đồ đạc gồm máy tính, camera, sổ sách, các dụng cụ y tế... mang đi phi tang.

Khoảng 23 giờ 30 phút, bác sỹ Tường cùng Đào Quang Khánh đem thi thể chị Huyền lên ôtô đưa đến Bệnh viện Bưu Điện. Thấy có nhiều người qua lại, hơn nữa thi thể nạn nhân đã bị cứng nên cả hai không dám mang xác nạn nhân vào gửi.

Khánh gợi ý bác sỹ Tường nên ném xác phi tang. Tường đồng ý và lái ôtô chở xác chị Huyền, trong khi Khánh chở chị Hằng đi theo sau. Trên đường đi, Hằng đã ngăn cản việc vứt xác nạn nhân nhưng cả ông Tường và Khánh đều không đồng ý.

Riêng Khánh bị xác định đã lợi dụng lúc mọi người không để ý, lấy trộm chiếc điện thoại iPhone của nạn nhân.

Ý kiến của bạn

Bình luận