Phụ nữ lái xe gây tai nạn: Định kiến không giúp cải thiện tình hình

Bạn đọc 29/12/2018 08:47

Truyền thông lái xe an toàn hầu như đều hướng tới đàn ông, phải chăng phụ nữ có thể lái xe không cần học hay truyền thông lái xe là hành động của đàn ông.


 

48422848_2172422309468578_264265382058000384_n(1)
Hiện trường vụ nữ tài xế Lexus gây tai nạn liên hoàn khiến 6 xe máy, 3 ô tô hư hỏng nặng và 6 người bị thương nhập viện ngày 18/12

Vụ tai nạn do một phụ nữ cầm lái trên đường Trích Sài, Hà Nội đâm hàng loạt xe máy khiến 6 gười bị thường chưa kịp lắng xuống thì mới đây tại Bắc Giang cũng xảy ra một vụ TNGT khi một phụ nữ điều khiển đã lao thẳng xuống hồ.

Trước đó, vụ TNGT xảy ra tại ngã tư Hàng Xanh, TP. HCM do một phụ nữ cầm lái cũng khiến 1 người chết, nhiều người bị thương.

Việc liên xảy ra nhiều vụ TNGT do phụ nữ điều khiển phương tiện khiến dư luận càng thêm định kiến với việc phụ nữ điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Sự thực có phải như vậy? Nhiều người tham gia giao thông bày tỏ ý kiến:

“Tôi thấy người phụ nữ và đàn ông lái xe trên đường là bình đẳng. Phụ nữ việc xử lý tình huống trên đường, nhất là đường phố đông đúc thì người ta bị động. Bây giờ câu chuyện là phải tăng cường thêm thực hành cho người ta, để người ta chủ động hơn trong các tình huống”.

“Phụ nữ học lái xe họ cũng học bài bản, chỉn chu, người ta lái cẩn thận hơn nam giới, đó là điều tôi dám khẳng định như thế, nhưng do phụ nữ lái xe ít hơn nam giới nên xử lý tình huống khi tham gia giao thông không bằng các anh lái xe nên việc xảy ra đấy là điều không mong muốn. Sự kỳ thị mỗi khi xảy ra TNGT mà người phụ nữ lái xe thì tôi nghĩ rằng cần nhìn nhận lại bản chất vấn đề”.

“Phụ nữ lái xe chiếm tỷ lệ ít hơn so với đàn ông nên khi phụ nữ để xảy ra tai nạn thì mạng xã hội cảm thấy đặc biệt hơn so với đàn ông gây tai nạn nên người ta bày tỏ thái độ ném đá. Như thế là không công bằng đối với người phụ nữ”.

Số liêu thống kê cũng chỉ rõ, số vụ tai nạn do nữ giới điều khiển cũng chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nam giới. Theo thống kê của Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội, trong số hơn 1.334 vụ TNGT xảy ra trên địa bàn Hà Nội năm 2018, số vụ tai nạn do nam giới điều khiển là 1.173 vụ, nữ giới là 161 vụ.

Tuy nhiên, trung khi phụ nữ gây tai nạn người ta thường bị dư luận xã hội đánh giá là thiếu kỹ năng cơ bản rất cần thiết hoặc có những trường hợp khi điều khiển phương tiện mang theo những phụ trợ ảnh hưởng đến quá trình thao tác, điều khiển phương tiện, điều khiển chân phanh, chân ga dẫn đến những vụ TNGT liên hoàn hoặc những vụ TNGT hy hữu:

“Chúng ta phải đánh gía rất khách quan, đó là việc có những người phụ nữ lái xe rất giỏi, góc độ trải nghiệm thực tế, thời gian lái xe thực tế so với am giới có thể ít hơn và việc kỹ năng xử lý tình huống yếu hơn so với nam giới... thì sự so sánh nó vẫn còn chưa thực sự thỏa đáng”.

Cả nam giới và nữ giới điều khiển phương tiện cần tuân thủ các quy tắc của Luật giao thông đường bộ khi tham gia giao thông

Còn trên phạm vi cả nước, số liệu thống kê của Cục CSGT, Bộ Công an cũng cho thấy, trong tổng số hơn 20 nghìn vụ TNGT xảy ra năm 2017, có tới 98% số vụ tai nạn có người tử vong là do nam giới gây ra. Phụ nữ chỉ chiếm 1,59%. Từ thực tế này, một số ý kiến cho rằng, nam giới hay nữ giới điều khiển phương tiện đều cần tuân thủ các quy tắc của Luật giao thông đường bộ để việc tham gia giao thông được an toàn.

Về điều này, PGS Phạm Mạnh Hà, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết:

“Tại sao phụ nữ hay bị ném đá hơn khi xảy ra TNGT xuất phát từ câu chuyện những đặc quyền của nam giới, từ trước đến nay nam giới vẫn được coi là thường làm những việc quan trọng, công việc khó, trong khi lái xe luôn được coi là công việc khó. Khi phụ nữ hòa nhập, họ cũng điều khiển phương tiện là đặc tính đàn ông có vẻ bị kém cỏi đi nên khi có sự việc xảy ra họ dễ dàng đổ lỗi, chụp mũ vào đối tượng là người phụ nữ”.

Từ góc độ dạy lái xe, ông Nguyễn Trung Anh - một giáo viên dạy lái xe lâu năm tại Hà Nội cũng cho rằng, trong quá trình học, không có sự phân biệt nam hay nữ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, học viên nam có thể thực hành ngay, nhưng cũng dễ chủ quan và quên ngay bài tập thực hành. Trong khi với phụ nữ, dù có thực hành chậm hơn, nhưng khi đã thực hiện được, hầu hết các trường hợp đều ghi nhớ và thực hiện dược trong các lần sau:

“Người ta xử lý không nhanh được như mấy ông nam, do đó người ta lại không nảy sinh tính chủ quan. Trong quá trình dạy thì người nữ thường người ta mới người ta thường phanh gấp một chút, nhưng để mà nói là xe điên hay các thứ thì nam còn bị nhiều hơn”.

Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, khi được đào tạo bài bản như nhau, việc nam giới hay phụ nữ điều khiển phương tiện đều có mức độ an toàn như nhau. Thậm chí, thống kê còn chỉ rõ, sau 3 năm cấp bằng lái, những người có tâm lý chủ quan thường dễ xảy ra tai nạn hơn cả người mới lấy bằng.

Các số liệu thống kê đều chỉ rõ, tỷ lệ tai nạn do nam giới điều khiển cao hơn rất nhiều so với nữ giới. Điều đó cho thấy, không phải cứ phụ nữ điều khiển phương tiện thì nguy cơ xảy ra TNGT cao hơn so với nam giới. Quan trọng nhất, dù nam gới hay nữ giới điều khiển phương tiện, quan trọng nhất là việc tuân thủ các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Nhà báo Phạm Trung Tuyến - Phó Giám đốc Kênh VOVGT bình luận:

“Bán xăng cho phụ nữ là tội ác” là câu nói rất thường xuất hiện mỗi khi xảy ra một vụ TNGT mà thủ phạm là phụ nữ. Dù đó là kiểu nói quy nạp, có yếu tố hài hước, châm biếm, song không thể phủ nhận một phần ý niệm về sự kỳ thị đối với việc phụ nữ lái xe.

Nền công nghiệp sản xuất ô tô trên thế giới hiện nay đã khiến cho trải nghiệm lái xe trở nên dễ dàng và đơn giản. Nhưng việc điều khiển ô tô dễ dàng chưa đủ để xóa đi định kiến rằng phụ nữ lái xe kém hơn đàn ông. Đặc biệt là khi có rất nhiều thói quen của phụ nữ không phù hợp với việc đảm bảo sự an toàn khi lái xe.

Có những phụ nữ không thể từ bỏ việc đi giày cao gót, kể cả khi họ lái xe.

Có những phụ nữ không kìm chế được việc thường xuyên phải soi gương để kiểm tra dung nhanh khi họ đang lái xe.

Có những phụ nữ không thể chần chừ việc kiểm tra và trả lời tin nhắn kể cả khi đang lái xe.

Và những phụ nữ sau khi uống rượu vẫn không sẵn sàng bỏ xe để trở về nhà trong đêm khuya.

Những vụ tai nạn ô tô thảm khốc do phụ nữ gây ra thường kết hợp 2 yếu tố: Say rượu và đi giày cao gót.

Những vụ việc chây ì, đóng cửa cố thủ trong xe sau khi gây tai họa thường là phụ nữ.

Vì thế, dù tỷ lệ tai nạn ô tô do phụ nữ gây ra là rất nhỏ so với đàn ông, nhưng tỷ lệ phụ nữ lái xe so với đàn ông cũng rất nhỏ. Thêm vào đó, những vụ tai nạn do phụ nữ gây ra đều có những tình tiết phản cảm từ yếu tố giới. Tuy nhiên truyền thông về lái xe an toàn cho phụ nữ chưa bao giờ được coi trọng.

Nếu như mọi khóa học lái xe đều có khuyến cáo về trang phục giày dép phù hợp khi lái xe. Song chưa bao giờ có một thông điệp truyền thông về việc không nên sử dụng già cao gót khi lái xe.

Rất nhiều cẩm nang lái xe an toàn được in ấn, phát hành, nhưng chưa có bất cứ cẩm nang lái xe an toàn dành cho phụ nữ được xuất bản. Trong khi, cơ chế tâm lý, khả năng tương tác thói quen sống, với thói quen lái xe cho phụ nữ hoàn toàn khác đàn ông.

Có thể, phụ nữ lái xe hoàn toàn không kém so với đàn ông. Song một điều dễ nhận thấy trong thực tế là những yếu tố đặc biệt của phụ nữ tác động tới việc lái xe thì hầu như không được đề cập một cách rõ ràng. Truyền thông về lái xe an toàn hầu như đều hướng tới đàn ông, phải chăng phụ nữ có thể lái xe không cần học, hoặc truyền thông mặc định lái xe là hành động của đàn ông?

Ý kiến của bạn

Bình luận