Phòng CSGT Đà Nẵng: 'Kẹt xe do quá nhiều đèn tín hiệu'

Ý kiến phản biện 17/11/2015 08:58

CSGT Đà Nẵng cho rằng nguyên nhân của nạn kẹt xe do số lượng phương tiện tăng nhanh, chốt đèn tín hiệu đặt quá gần nhau.

Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đà Nẵng, cho biết thành phố hiện có hơn 47.000 ôtô (riêng năm 2015 tăng thêm 10.000), cùng với khoảng 700.000 môtô, trong khi hạ tầng giao thông không đổi, hệ quả là hiện có 12 điểm kẹt xe thường xuyên.

Cảnh sát giao thông
Cảnh sát giao thông Đà Nẵng đang xuống đường điều tiết giao thông. Ảnh: Nguyễn Đông

Dẫn chứng tuyến Trần Phú, đại tá Ngọc cho biết thử nghiệm điều chỉnh tín hiệu sang đèn vàng để cảnh sát trực tiếp chỉ huy giao thông vào giờ cao điểm đã thu được kết quả khả quan.Theo ông Ngọc, ngoài số lượng phương tiện tăng nhanh, nguyên nhân khác dẫn đến kẹt xe chính là do bố trí đèn tín hiệu không hợp lý, quá nhiều chốt đèn đỏ đặt gần nhau trên một tuyến đường.

Theo đó, 4 chốt đèn được điều chỉnh gồm các ngã tư đường Trần Phú giao với Phan Đình Phùng, Trần Quốc Toản, Thái Phiên, Lê Hồng Phong. Các chốt đèn này nằm quá gần nhau hoặc gần những chốt đèn khác, khoảng cách từ 100 đến 200 m. Khi chuyển đèn tín hiệu, có cảnh sát đứng điều tiết, giao thông trên đường này không còn ùn tắc, tuy tốc độ lưu thông còn chậm.

Tình trạng tương tự cũng xuất hiện các trên tuyến đường khác như Lê Duẩn đoạn từ Ngô Gia Tự đến Trần Phú chỉ dài chừng 800 m nhưng có đến 7 chốt đèn tín hiệu giao thông; đại lộ Nguyễn Văn Linh đoạn giao Hàm Nghi và giao Đỗ Quang chỉ 100 m nhưng được bố trí 2 chốt...

"Tôi đứng chờ mãi mới đến đèn xanh, nhưng vừa nổ máy xe đi được một đoạn lại phải đứng chờ đèn đỏ. Trời nắng gắt hay mưa lớn dễ khiến người tham gia giao thông như chúng tôi thiếu kiềm chế. Một người vượt đèn đỏ thì lại có người khác vượt theo, làm rối loạn cả ngã tư đường", anh Hậu, người thường xuyên đi lại tại khu vực trung tâm Đà Nẵng, nói.

Cảnh sát giao thông Đà Nẵng1
Hôm 5/11, do đèn tín hiệu ở nút giao thông Ông Ích Khiêm - Lê Duẩn bị hỏng, hàng nghìn người ở Đà Nẵng bị kẹt cứng, chen chân dưới trời mưa. Ảnh: Nguyễn Đông.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông Đà Nẵng, không đồng tình với ý kiến của lãnh đạo Cảnh sát giao thông thành phố. Ông Trung cho rằng phía Cảnh sát giao thông nói theo "phán đoán", bởi các chốt đèn này đã sử dụng từ lâu (dự án do Tây Ban Nha hỗ trợ), thời gian gần đây khi cầu sông Hàn cấm ôtô vào giờ cao điểm, các phương tiện đổ dồn về đường Trần Phú dẫn đến ùn tắc.

"Ý thức người tham gia giao thông là quan trọng nhất. Nếu ý thức người tham gia giao thông tốt thì với cơ sở hạ tầng hiện nay của Đà Nẵng là đảm bảo yêu cầu, chứ chưa đến mức độ ùn tắc kéo dài như vậy", người đứng đầu Sở Giao thông lý giải.

Đề cập việc cảnh sát bước đầu giải được bài toán ùn tắc trên tuyến Trần Phú, ông Trung khẳng định: "Có lực lượng cảnh sát tại các nút này thì người tham gia giao thông luôn luôn thực hiện đúng luật, lúc đó làm sao có tắc nghẽn được. Rõ ràng khi cảnh sát ở hiện trường, tình hình giao thông thông suốt, đi rất trật tự", ông Trung khẳng định.

Ông Phan Đức Hải, Phó chủ tịch thường trực Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng cho rằng, ý thức của người tham gia giao thông chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến ùn tắc. "Ở nội thành Đà Nẵng đường phố nhỏ, trong khi nút giao thông, chốt đèn tín hiệu nhiều nên ùn tắc vào giờ cao điểm", ông Hải nói.

Theo ông, thực tế đã chứng minh tại nhiều nút nhờ có tín hiệu đèn mà việc đi lại của người dân được thông suốt hơn. Còn nhiều giao lộ lớn, như vòng xuyến đường Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Văn Linh, và Nguyễn Văn Linh - Điện Biên Phủ - Lê Độ không có đèn tín hiệu, dẫn đến nạn kẹt xe.

"Khi có công an thì ý thức người tham gia giao thông có khác, trật tự hơn. Do đó không còn cách nào khác là cảnh sát giao thông phải có mặt để điều tiết, phân luồng lại tại các nút giao thông để giải quyết kẹt xe", ông Hải nêu giải pháp và nhận định tuy kẹt xe ở Đà Nẵng mới chỉ tập trung vào giờ cao điểm, nhưng cũng đáng lo ngại nếu không điều tiết.

Chuyên gia quy hoạch đô thị này nhận định, Đà Nẵng cho phép ôtô đậu ngay trên lòng đường khiến các trục chính bị thu hẹp, gián tiếp gân ra ùn tắc. "Việc cấm xe đỗ trên đường theo giờ mới là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, thành phố phải quy hoạch các bãi đỗ xe công cộng, nếu không sẽ kẹt xe nặng như TP HCM hay Hà Nội", ông nhấn mạnh.

Sinh thời, Chủ tịch HĐND Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, đã yêu cầu các ngành chức năng cân nhắc, bố trí lại đèn đỏ. "Đèn xanh đèn đỏ hồi thì thiếu, giờ dư quá. Chỗ nào cũng đèn xanh đèn đỏ, túi bụi", ông nói. Đề tài này cũng được nhiều đại biểu HĐND Đà Nẵng phản ánh tại kỳ họp thứ 5 (khóa 8) tháng 12/2012.

Tại hội nghị với ngành công an đầu tháng 11, tân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh phàn nàn nhiều điểm kẹt xe cả nửa tiếng nhưng không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông. Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã huy động cả bộ phận hành chính xuống đường cùng công an các quận, huyện điều tiết giao thông. 

Mỗi năm Đà Nẵng có trên 9.000 trường hợp người tham gia giao thông đi không đúng làn đường, gần 4.000 trường hợp vượt đèn đỏ, hơn 2.000 trường hợp đi ngược chiều. Thành phố có 7 hãng taxi với hàng nghìn đầu xe hợp đồng thuê bãi đỗ ở bệnh viện, cây xăng, nhưng hầu hết đều đậu xe trên đường.

Ý kiến của bạn

Bình luận