Phòng chống lạm dụng rượu bia cần cả xã hội đồng thuận

Tác giả: Minh Đức

saosaosaosaosao
Ý kiến phản biện 29/05/2019 06:12

Trong thực tế, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không hề đơn giản. Vậy, làm thế nào để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện giao thông là trăn trở của các cấp quản lý, các chuyên gia và người dân.

 

_MG_3060
CSGT kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe

 Ở nước ta, trung bình mỗi năm TNGT làm chết trên 8.000 người và làm bị thương trên 14.000 người, thiệt hại tài sản hàng nghìn tỷ đồng, chưa kể đến hậu quả xã hội phải gánh chịu. Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến TNGT chính là do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia, thậm chí là say sỉn vẫn điều khiển phương tiện.

Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, có đến 40% các vụ TNGT liên quan đến người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia và khoảng 10% số người tử vong do TNGT đường bộ liên quan đến rượu bia. Đây là con số đáng báo động về tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông của người dân.

Có lẽ không ở đâu người dân có thể thoải mái mua đồ uống có cồn như ở nước ta. Trong một báo cáo công bố năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đánh giá mức tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam là cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Ước tính, trung bình mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore. Năm 2017, sản lượng bia chạm mốc 4 tỷ lít, tăng 10,4% so với năm 2016 và bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm. Sản lượng rượu nấu thủ công năm 2016 đạt 188 triệu lít, trong đó sản lượng rượu nấu thủ công sản xuất nhằm mục đích kinh doanh được cấp phép năm 2016 là 32 triệu lít. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỷ USD/năm, gần bằng 3% số thu ngân sách của cả nước, bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm. Nếu tính đầu người thì số lượng sử dụng không lớn, nhưng tính theo vùng thì con số thật khủng khiếp. Các nhà hàng, quán nhậu tại các đô thị mọc lên như nấm, tỉnh nào cũng có một nhà máy bia, chưa kể các lò bia “cỏ” và nhà nào cũng có thể nấu được rượu để phục vụ nhu cầu của người dùng.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định cấm hoàn toàn đối với người điều khiển ô tô và chỉ cho phép người điều khiển mô tô, xe gắn máy một lượng nhỏ cồn có trong khí thở. Đồng thời, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức phạt lên tới 18 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô sử dụng rượu bia. Đối với xe gắn máy chỉ cho phép một lượng rất nhỏ dưới 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, nếu trên ngưỡng này sẽ bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe 01 - 3 tháng. Tuy nhiên trong thực tế, người dân vẫn vi phạm, trước các quán bia, nhà hàng ô tô đỗ hàng dài, bãi đỗ xe máy không có chỗ để. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT mỏng không đủ điều kiện, trang thiết bị kỹ thuật để có thể kiểm tra trên một địa bàn rộng như các đô thị; máy đo nồng độ cồn mới chỉ trang bị đến CSGT cấp tỉnh (khoảng 3 máy/tỉnh) và vài huyện trọng điểm, nhiều máy đo lạc hậu, không đo được chỉ số nồng độ cồn theo yêu cầu hoặc phải thổi nhiều lần mới hiện chỉ số... Chính vì vậy, việc xử lý lái xe vi phạm nồng độ cồn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, vi phạm vẫn còn phổ biến.

_MG_3121
Lực lượng CSGT xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Hà Nội

 Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu ý kiến đóng góp trong dự thảo Luật Quảng cáo trình Quốc hội và tại các diễn đàn đều nhất quán cho rằng: Nếu chỉ để cho lực lượng CSGT xử phạt như hiện nay thì chỉ giải quyết phần ngọn và cũng chỉ là “ném đá ao bèo”. Mặt khác, chúng ta không đủ lực lượng, phương tiện, thiết bị để thực hiện và dường như ai cũng cho rằng việc ngăn chặn “nạn” lạm dụng đồ uống có cồn là của một vài ngành nào đó. Thực trạng hiện nay là vấn đề quảng cáo rượu bia tràn lan của các nhà sản xuất đã tác động đến thói quen sử dụng rượu bia của người dân. Lợi nhuận thì các nhà sản xuất hưởng còn gánh nặng và hậu quả thì xã hội gánh chịu. Tiền thu thuế của Nhà nước không thể chi trả đủ cho hoạt động khám chữa bệnh, giải quyết hậu quả từ bia rượu. Do đó, cần sớm thống nhất để trình Quốc hội thông qua Dự luật Phòng chống lạm dụng rượu bia và tạo được sự đồng thuận trong dư luận xã hội

Ý kiến của bạn

Bình luận