Phố Hà Nội vắng như Tết trong ngày đầu hạn chế kinh doanh

Tác giả: Thành Nhân

saosaosaosaosao
Xã hội 27/03/2020 05:28

Phần lớn các hộ của hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đã đóng cửa, thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong cuộc chiến chống “giặc” covid-19.

1
Khu "phố Tây" Tạ Hiện vắng lặng khi các hộ kinh doanh đều thực hiện nghiêm lệnh đóng cửa của TP Hà Nội.

Sau khi UBND TP Hà Nội ra lệnh đóng cửa tất cả các hàng quán dịch vụ không thiết yếu: Karaoke, games, cà phê, gym, mat-xa... để tránh tập trung đông người phòng ngừa dịch Covid-19 vào ngày 25/3, các lực lượng chức năng đã triển khai công tác tuyên truyền nhắc nhở các chủ cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện theo các biện pháp chống dịch, bảo vệ cộng đồng.

Theo ghi nhận của Tạp chí GTVT, ngay từ sáng sớm ngày 26/3, đường phố Hà Nội đã vắng lặng bởi phần lớn các cửa hàng đã chấp hành theo chỉ đạo của thành phố, đặc biệt là các cửa hàng ăn, quán cafe, giải khát,…

Trên nhiều tuyến phố vốn là những khu vực kinh doanh sôi động tại TP Hà Nội, dường như lệnh cấm đã đi được thực thi ngay lập tức, thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng của các hộ kinh doanh, cũng như ý thức đối với cuộc chiến chống “giặc” covid-19 đang được cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện nghiêm túc.

2Các nhà hàng trên tòa nhà "hàm cá mập" là địa điểm ngắm cảnh đẹp hàng đầu tại Hà Nội ở đài phun nước hồ Hoàn Kiếm đều dừng hoạt động trong ngày đầu thực thi lệnh đóng cửa.

3Khu vực Nhà thờ lớn vắng vẻ trong ngày đầu thực thi lệnh đóng cửa.

4Tuyến phố Nhà thờ trong ngày đầu thực thi lệnh đóng cửa.

5Phố Đinh Liệt luôn sầm uất trong ngày thường nay đã vắng lặng.

6Tuyến "phố Tây" Lương Ngọc Quyến

7Các cửa hàng trên phố Tạ Hiện đều đóng cửa.

8Một hàng ăn tại khu chợ Đồng Xuân đóng cửa sớm vào khoảng hơn 7h tối.

IMG_20200326_102637Lực lượng Cảnh sát khu vực, dân phòng dùng loa phóng thanh tuyên truyền tình hình bệnh dịch covid-19 và yêu cầu các cửa hàng dừng hoạt động theo lệnh đóng cửa của UBND thành phố.

9Nhiều người vẫn duy trì thói quen hàng ngày, nên vẫn ngồi thư giãn ở bệ cửa "quán quen" dù quán đã đóng cửa.

10Hình ảnh tại một quán cafe được yêu thích tại Hà Nội.

11Dãy Kiot trên tuyến phố Lương Đình Của đều đóng cửa ngay trong ngày đầu triển khai lệnh đóng cửa của TP Hà Nội.

12"Tuyến phố thời trang" Chùa Bộc gần như đóng cửa toàn bộ trong ngày đầu triển khai lệnh đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

13Một quán nước trên phố Tân Mai vẫn cố "bám trụ" trong buổi chiều ngày đầu triển khai lệnh đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Tại một quán cafe tại phố Tây Sơn vẫn hoạt động, anh Lê T. – nhân viên văn phòng chia sẻ, mặc dù biết việc có mặt tại các quán xá là điều không nên làm vì đây là những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao. Tuy nhiên, việc uống cafe hàng ngày là một thói quen khó bỏ, nhất là với những người làm văn phòng và khi cơ quan vẫn làm việc.

Trong ngày đầu thực thi lệnh đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, lực lượng cảnh sát khu vực, dân phòng đã dùng loa phóng thanh tuần tra, tuyên truyền vận động từng cửa hàng, quán nước phải thực hiện việc đóng cửa ngay lập tức. Đến tối cùng ngày, công tác này vẫn diễn ra tại một số nơi vì vẫn tồn tại một số ít cửa hàng còn tâm lý “nấn ná” kinh doanh “nốt”.

Với vẻ mặt buồn bã, anh Nguyễn Văn Đ. – chủ cửa hàng bán cháo vịt trên đường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai giãi bày, cửa hàng của 2 vợ chồng anh chị mới mở được một tuần thì dịch tại Hà Nội bùng phát. Từ đó đến nay, việc kinh doanh rất bết bát do người dân không ăn hàng quán nhiều.

“Vì tiền nhà đã đóng trước nửa năm, dẫn tới tâm lý sốt ruột, lo lắng nên cố gắng bán được thêm chút nào hay chút ấy dù đã được nhắc nhở phải đóng cửa hàng. Nhưng từ 9h tối, các anh cảnh sát đã qua và yêu cầu phải đóng cửa ngay lập tức, nên chúng tôi đang dọn hàng để về quê. Toàn bộ thực phẩm đã mua để bán cũng phải mang về”, anh Đ. chia sẻ.

Trước đó, chiều ngày 25/3, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chính thức ra lệnh đóng cửa tất cả các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu đến ngày 5/4 gồm cả trong nội thành và ngoại thành. Các dịch vụ thiết yếu như hàng thuốc, siêu thị bán thực phẩm, hàng tạp hóa, xăng dầu,… vẫn được phép hoạt động.

Trên thực tế, những ngày qua, nhiều cửa hàng, quán ăn đã có sự xuất hiện của các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm covid-19, gây ra nguy cơ cao về sự lây nhiễm virus trong cộng đồng. Chính vì vậy, lệnh đóng cửa các cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu là giải pháp cấp bách có tính hiệu quả cao nhằm ngăn chặn tối đa các nguy cơ lây nhiễm ở nơi công cộng. Hơn hết, người dân cần nâng cao ý thức về dịch bệnh, phải hạn chế tối đa việc đi ra khỏi và sử dụng các dịch vụ không cần thiết.

Ý kiến của bạn

Bình luận