Phê duyệt Đề án tái cơ cấu vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020

Giao thông 24h 24/04/2015 06:25

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020.


Cảng Hà Nội

Cảng Hà Nội

Đề án này sẽ do Vụ Vận tải, Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các Vụ, Ban, Cục có liên quan tổ chức thực hiện, nhằm đạt được những mục tiêu:

Về công tác phát triển vận tải, mục tiêu của đề án là đến năm 2020 phải nâng sản lượng hàng hóa đường thủy nội địa từ 187 triệu tấn/năm lên 356 triệu tấn/năm; nâng thị phần vận tải từ 17,5 % lên 32,4 %; thị phần vận tải hành khách liên tỉnh đạt khoảng 0,17% khối lượng vận tải toàn ngành.

Bên cạnh đó, đề án phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng trọng tải phương tiện thủy nội địa chở hàng lên khoảng 26-30 triệu tấn, đồng thời tăng tổng số ghế phương tiện thủy nội địa chở khách lên khoảng 750.000 ghế.

Phát triển vận tải sông pha biển (VR-SB) cũng cần được chú trọng, với mục tiêu có trên 1000 phương tiện SB tham gia hoạt động tuyến sông pha biển vào năm 2020.

Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải thủy nội địa tại khu vực phía Bắc và phía Nam, đến năm 2020, số lượng phương tiện vận tải thủy các loại sẽ tăng bình quân hàng năm từ 1-3%, trong đó phía Bắc tập trung phát triển phương tiện thủy trọng tải 150-500 tấn, phía Nam tập trung phát triển phương tiện thủy 150-500 tấn và 500-1.000 tấn.

Về phát triển cảng, bến, tuyến vận tải, đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020 phải nâng số lượng cảng hàng hóa hoạt động từ 123 lên 160 cảng và tăng sản lượng hàng hóa thông qua từ 35,4 triệu tấn lên 92 triệu tấn.

Đến năm 2020, số lượng cảng hành khách hoạt động sẽ đạt 30 cảng, tăng sản lượng vận tải khách từ 16 triệu lượt khách/năm lên 30 triệu lượt khách/năm.

Mặt khác, đề án còn tập trung vào công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng cảng Phù Đổng thành cảng đầu mối khai thác container vận tải bằng đường thủy nội địa trên tuyến Quảng Ninh-Hải Phòng-Hà Nội, song song với việc cải tạo, nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy bao gồm: tuyến vùng hồ Sơn La, tuyến Vũng Tàu-Thị Vải-Sài Gòn-Mỹ Tho-Cần Thơ, tuyến sông Đồng Nai, tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn II, tuyến sông Hàm Luông, tuyến sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi đến cầu Bến Súc.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện phải đổi mới thể chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập của ngành vận tải đường thủy.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối và phát triển vận tải đa phương thức cũng như dịch vụ logistic.

Các đơn vị cần tích cực nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn, kích thích tái cơ cấu cổ phần hóa doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và thu hút đầu tư ngoài ngân sách.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tổ chức thực hiện phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra và thông tin tuyên truyền để ngành vận tải thủy phát triển theo đúng đề án đã đặt ra.

Minh Phương

Ý kiến của bạn

Bình luận