Phát triển tàu điện ngầm – Kinh nghiệm Quốc tế thực trạng và phương hướng phát triển tại Việt Nam

Diễn đàn khoa học 24/10/2012 10:38

1. Các quy định chung Theo quy định hiện hành, nội dung cơ bản của các quy định chung về tàu điện ngầm cụ thể như sau [16]: - Các tuyến tàu điện ngầm phải được xây dựng trên cơ sở sơ đồ phát triển tổng thể của tất cả các loại hình giao thông đô thị, sơ đồ phát triển đã được duyệt của tầu điện ngầm về hướng tuyến, độ dài, vị trí các nhà ga, trạm đầu mối, các nhà hành chính, các xưởng sản xuất, các kết nối với các đường của mạng đường sắt chung và phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị. - Các nhà ga phải được bố trí tại các trung tâm của vùng có nhiều hành khách, gần các nhà ga đường sắt, các bến ôtô buýt, các bến tầu thủy và các địa điểm tập trung đông người khác của thành phố. Khi giữa các nhà ga liền kề có khoảng cách từ 3.000 m trở lên, thì ở giữa đoạn đường này cần có lối thoát bổ sung cho hành khách từ đường hầm lên mặt đất hoặc vào một vùng bảo vệ tập thể hành khách. - Các tuyến tầu điện ngầm về nguyên tắc cần được đặt ngầm, nông hoặc sâu. Khi cắt ngang sông hồ, qua các khu


2. Phát triển tầu điện ngầm trên thế giới
Tầu điện ngầm là phương thức vận tải hành khách đường sắt đô thị với khối lượng lớn, tốc độ cao, sử dụng không gian ngầm đô thị. Trong giai đoạn 2010-2011, tàu điện ngầm ở một số đô thị lớn trên thế giới đã góp phần chuyên chở một khối lượng hành khách đi lại bằng tàu điện ngầm, được nêu ở bảng 1.
bằng tàu điện ngầm trên thế giới, 2010/2011 [8].
Các quốc gia phát triển, các quốc gia và khu vực láng giềng đã vượt trước Việt Nam khá xa về lĩnh vực xây dựng hệ thống tầu điện ngầm [4, 6, 9, 10, 14, 15]:
Singapore bắt đầu xây dựng tầu điện ngầm (MRT) vào năm 1993 với tuyến dài 67 km (trong đó có 20 km đi ngầm), tiếp tục phát triển tuyến Đông – Bắc 20 km đi ngầm (1998) và tuyến vành đai 34 km đi ngầm (2002).
Thái Lan xây dựng tuyến tầu điện ngầm đầu tiên Chaloem Ratchamongkhon tại Thủ đô Bangkok vào năm 1996 và đưa vào khai thác tháng 7/2004, dài 21,5 km với 18 ga. Tuyến này cũng là giai đoạn khởi đầu của dự án hệ thống đường sắt đô thị (MRT) dài 326 km, trong đó có 42 km đi ngầm.
Đài Loan đã đưa tuyến tầu điện ngầm (MRT) đầu tiên của thành phố Đài Bắc đi vào hoạt động từ năm 1996, hiện đang khai thác 10 tuyến dài 106 km với 96 ga, năng lực vận chuyển 1,66 triệu hành khách/ngày; đang xây dựng 60 km và 52 ga, sẽ xây dựng thêm 98 km để hoàn thiện hệ thống tầu điện ngầm 270 km với năng lực vận chuyển 3,6 triệu hành khách/ngày. Còn tại TP. Cao Hùng đã đưa vào hoạt động hệ thống tầu điện ngầm từ năm 2008 và hiện có 2 tuyến dài 42,7 km với 38 ga trong đó có 24 ga đi ngầm (hình 1 và 2).
Tại Moskva (Liên Xô cũ) tuyến tầu điện ngầm đầu tiên đã được xây dựng năm 1931 và khai thác năm 1935 với 13 ga. Hệ thống tầu điện ngầm của Moskva hiện có 12 tuyến, dài 293,1 km, 177 nhà ga (trong đó có 14 ga nổi, còn lại là ga ngầm), ga sâu nhất ở cao độ -84 m, khoảng cách các ga trung bình 1,8-2,5 km. Năm 2008 hệ thống này đã chuyên chở 2,573 tỷ lượt hành khách.
Tại Tôkyô (Nhật) hệ thống tầu điện ngầm có 14 tuyến, dài 293,1 km, với 282 ga. Dưới nhà ga đường sắt Tôkyô là một tổ hợp công trình ngầm 5 tầng, liên kết 5 tuyến đường sắt ngoài thành phố, 1 tuyến vành đai và 3 tuyến đi ngầm, với lượng hành khách qua ga trung bình 2 triệu lượt người/ngày.
Năm 1965, giai đoạn 1 của dự án tàu điện ngầm Bắc Kinh dài 54 km đã được khởi công xây dựng và đi vào hoạt động năm 1970. Từ năm 1998 có 21 dự án đường sắt nội đô ở Trung Quốc đã được khởi công, dài 500 km, vốn đầu tư khoảng 170 tỷ nhân dân tệ. Chi phí trung bình đối với tàu điện ngầm là 400-500 triệu nhân dân tệ/1km, còn đối với đường sắt trên cao là 150-250 triệu nhân dân tệ/1km.
Ở Paris (Pháp) hệ thống tầu điện ngầm có 16 tuyến (hình 3), dài 211 km, với 365 ga, đáp ứng 40% nhu cầu đi lại của người dân; Năm 1863, tại Luân Đôn (Anh) đã đưa tuyến tàu điện ngầm đầu tiên vào hoạt động, hệ thống tầu điện ngầm dài 417,5 km, 247 ga. Còn ở New York (Mỹ) hệ thống tàu điện ngầm dài 384,9 km, với 484 ga.
Trong quá trình hình thành hệ thống tàu điện ngầm ở các nước trên thế giới đã tạo ra 3 kiểu hệ thống tàu điện ngầm như sau [12]:
1) Hệ thống liên kết lan tỏa.
2) Hệ thống phân tuyến lan tỏa.
3) Hệ thống hỗn hợp.
3. Phát triển tàu điện ngầm tại Thủ đô Hà Nội
Hệ thống đường sắt đô thị đi ngầm và đi trên cao đã được đề cập từ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được phê duyệt năm 1998 (tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), sau đó đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg. Theo đó đường sắt đô thị của Thủ đô bao gồm 6 tuyến [3]: Tuyến 1: Ngọc Hồi – Như Quỳnh (38,7 km); Tuyến 2: Nội Bài – Thượng Đình (35,2 km); Tuyến 2A: Cát Linh – Hà Đông (14 km); Tuyến 3: Nhổn – Hoàng Mai (21 km); Tuyến 4: Tuyến vòng, nối các tuyến 1, 2, 3 và 5 (53 km); và Tuyến 5: Nam Tây Hồ – Hòa Lạc (34,5 km). Đến năm 2020 sẽ có khoảng 35 km Metro đi ngầm trong tổng số gần 200 km đường sắt đô thị (hình 3).

Các dự án đường sắt đô thị đang được thực hiện theo quy hoạch là [2]:
- Tuyến 1: Yên Viên – Ngọc Hồi, 27 km đi trên cao (giai đoạn 1: 15 km, giai đoạn 2: 12 km), do Bộ GTVT thực hiện.
- Tuyến 2: Nam Thăng Long – Thượng Đình (Dự án 1: Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo 11,5 km, với 3 km đi trên cao và 8,5 km đi ngầm. Dự án 2: Trần Hưng Đạo – Thượng Đình 5,7 km đi ngầm), 17,2 km (với 14,2 km đi ngầm), do TP. Hà Nội thực hiện.
- Tuyến 2A: Cát Linh – Hà Đông, 13 km đi trên cao, do Bộ GTVT thực hiện.
- Tuyến 3: Nhổn – Ga Hà Nội, 12,5 km (với 8,5 km đi trên cao và 4 km đi ngầm), do TP. Hà Nội thực hiện.
Sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 15 về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội (2008), Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) đang nghiên cứu Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050.
Mạng lưới đường bộ của Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 16.132 km; chỉ tiêu mật độ đường trong các khu vực của thành phố còn thấp so với yêu cầu (xem bảng 2).
Mạng lưới đường sắt của Hà Nội chỉ phục vụ giao thông đối ngoại và có 5 tuyến hướng tâm. Hà Nội chưa có tuyến đường sắt đô thị đưa vào khai thác, một số tuyến đường sắt đô thị đang trong giai đoạn thi công (tuyến 2A) và thiết kế kỹ thuật (tuyến 1, 2, 3).
Nhu cầu đi lại hàng ngày tại Thủ đô Hà Nội là 17,2 triệu chuyến đi, so với năm 2005 tổng lưu lượng nhu cầu đi lại sau 5 năm đã tăng 1,8 lần (2010). Hệ số đi lại bình quân là 2,73 chuyến đi/người/ngày (2012) và có sự khác biệt giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Nhu cầu vận tải của Hà Nội là rất lớn, đặc biệt trên một số trục chính hướng tâm và các vành đai liên kết, dự báo lên tới 300.000 ~ 500.000 chuyến đi/ngày vào năm 2030 [5].
Từ kết quả dự báo nhu cầu vận tải, trên quan điểm kế thừa quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội đã được duyệt trước đây, cập nhật hoàn thiện hệ thống mạng trong điều kiện mới (mở rộng địa giới hành chính Thủ đô…), Tổng công ty TEDI đã đề xuất quy hoạch 8 tuyến đường sắt đô thị (hình 4).
Trong phạm vi mở rộng 1 lần kích thước hầm theo phương đứng và một nửa kích thước hầm theo phương ngang sẽ không cho phép xây dựng kết cấu mới. Ở ngoài phạm vi này với góc mở rộng khoảng 45 độ là vùng hạn chế xây dựng (hình 5). Điều kiện này sẽ dẫn đến những điểm đặc thù trong quy hoạch, quản lý quy hoạch và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng khi thực hiện các dự án đi ngầm.
Hình 5: Phạm vi bảo vệ hầm và hạn chế xây dựng công trình lân cận [5].
4. Phát triển tàu điện ngầm tại TP. Hồ Chí Minh
Quy hoạch phát triển GTVT TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22/01/2007, mạng lưới giao thông vận tải đa phương thức đang trong quá trình quy hoạch, trong đó gồm có hệ thống đường sắt đô thị (UMRT), đường sắt vận tải nhẹ (LRT) và đường sắt đơn ray (monorail). Tuyến 1 và tuyến 2 đang trong giai đoạn thực hiện. Các tuyến UMRT đều có đoạn đi ngầm ở nội thành và đi trên cao ở ngoại thành [1]. Theo đó, về quy hoạch đường sắt đô thị có 7 tuyến UMRT (bảng 3) và 3 tuyến đường sắt nhẹ (1 tuyến LRT và 2 tuyến monorail) cụ thể như sau [7]:
Tuyến 1: Bến Thành – Suối Tiên (19,7 km với 2,6 km đi ngầm và 17,1 km đi trên cao); Tuyến 2: Thủ Thiêm – Bến xe Tây Ninh (19,2 km; Giai đoạn 1: Bến Thành – Tham Lương 11,322 km). Tuyến 3A: Bến Thành – Tân Kiên (12,14 km); Tuyến 3B: Ngã Sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước (11,5 km); Tuyến 4: Bến Cát – Nguyễn Văn Linh (24 km); Tuyến 5: Cầu Sài Gòn – Bến xe Cần Giuộc mới (23,39 km); Tuyến 6: Bà Quẹo – Vòng xoay Phú Lâm (khoảng 10 km).
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành – Suối Tiên là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu khởi công xây dựng, được UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt thực hiện tháng 4/2007. Dự án tuyến 1 bao gồm các gói thầu [1]:
1. Gói thầu 1 (Xây dựng Đoạn ngầm): Xây dựng 3 nhà ga ngầm (gồm các nhà ga Bến Thành, nhà ga Nhà hát thành phố và nhà ga Ba Son) với các đoạn hầm khiên đào và hầm đào hở dùng cho đường ray đơn chạy song song với tổng chiều dài là 2,2km.
2. Gói thầu 2 (Xây dựng Đoạn trên cao và Depot): Xây dựng 11 nhà ga trên cao, các cầu cạn và cầu đặc biệt, các công trình xây dựng/kiến trúc trong khu depot và hệ thống đường ray đôi với tổng chiều dài đoạn tuyến là 17,5km.
3. Gói thầu 3 (Hệ thống đường sắt chính): Mua sắm và lắp đặt đầu máy toa xe, công trình đường ray, hệ thống thông tin/tín hiệu, hệ thống cấp phát điện, hệ thống thu phí tự động và các cửa chắn ke ga cho toàn tuyến dài 20,5km, bao gồm cả việc thực hiện công tác bảo dưỡng trong 5 năm.
Liên quan đến Dự án đường sắt đô thị Tuyến 1 Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã khảo sát sơ bộ Dự án Nhà ga trung tâm Bến Thành giai đoạn 2011-2012.
Trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án các vấn đề sau đây cần phải nghiên cứu để nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác hệ thống đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (hình 6) nói chung, hệ thống tàu điện ngầm nói riêng, như sau (TEDI và TEDI South):
1. Chưa có sự liên kết trong toàn bộ hệ thống giữa các tuyến;
2. Việc trung chuyển hành khách giữa các tuyến tại ga chưa thuận lợi;
3. Việc điều phối vận hành hệ thống giữa các tuyến chưa thể thực hiện được;
4. Chưa tổ chức cứu hộ cứu nạn chung trong hệ thống;
5. Chưa tận dụng khai thác chung các hệ thống thiết bị, depot;
6. Chưa có sự kết nối giữa công trình ngầm hiện hữu với các tuyến tầu điện ngầm;
7. Chưa có một quy trình, quy định thống nhất cho các công tác lập dự án, thi công, bàn giao sử dụng đối với không gian ngầm đô thị;
8. Thiếu cơ sở dữ liệu được quản lý thống nhất về công trình ngầm hiện hữu.
Rõ ràng là phát triển tàu điện ngầm sẽ góp phần hiện đại hóa hệ thống vận tải hành khách công cộng đô thị, làm giảm sự ùn tắc giao thông trong đô thị. Với những kinh nghiệm phát triển tầu điện ngầm của các nước đi trước và những thực tiễn xây dựng hệ thống tầu điện ngầm của Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sẽ là những bài học bổ ích cho việc quy hoạch không gian ngầm và hệ thống tầu điện ngầm ở các đô thị lớn của Việt Nam mà trước hết là: Các đô thị loại I trực thuộc Trung ương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
    Tài liệu tham khảo:
[1]. Hoàng Như Cương, Tatsuya MASUZAWA, Shunji ITO – Kinh nghiệm thực hiện dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh tuyến 1 và Dự án nhà ga trung tâm Bến Thành – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[2]. TS. Lưu Xuân Hùng – Phát triển không gian ngầm đối với phát triển đô thị bền vững – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[3]. TS. Lưu Xuân Hùng – Sử dụng không gian ngầm đô thị: Giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị bền vững – Hội thảo Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị, Hà Nội, 7/2009.
[4]. GS. TS. Nguyễn Mạnh Kiểm, PGS. TS. Đoàn Thế Tường – Vấn đề khai thác hợp lý và bền vững không gian ngầm đô thị phục vụ xây dựng tàu điện ngầm ở nước ta – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[5]. TS. Đỗ Thành Lập – Hệ thống giao thông ngầm trong tổng thể quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[6]. PGS. TS. Nguyễn Hồng Tiến – Quy hoạch xây dựng công trình ngầm đô thị – NXB Xây dựng, 2011.
[7]. Hà Ngọc Trường – Hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh và mối quan hệ với quy hoạch không gian ngầm thành phố – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[8]. Oliver Vion – Underground Space for Sustainable Development – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[9]. Zhang Zitai – New Metro System in Shenzhen China – Hội thảo Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị, Hà Nội, 7/2009.
[10]. Zhang Zitai – Status and Countermeasures of China Urban Rail Transit – Hội thảo Quản lý và đầu tư xây dựng công trình ngầm đô thị, Hà Nội, 7/2009.
[11]. Liên danh tư vấn PPJ – Thuyết minh Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 – Hà Nội, 2011.
[12]. TEDI South – Phương án kết nối mạng các tuyến METRO nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác hệ thống đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[13]. TEDI South – Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 – TP. Hồ Chí Minh, 2006.
[14]. Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn – Nghiên cứu hướng dẫn thiết kế quy hoạch không gian ngầm lồng ghép trong đồ án quy hoạch đô thị – Đề tài nghiên cứu khoa học mã số TC04-08; Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Trúc Anh, 2012.
[15]. Moh and Assosiates (MAA) Group – Taiwan’s Experiences of Under-ground Engineering Construction and Development – Hội thảo Quy hoạch và quản lý phát triển không gian ngầm đô thị, TP. Hồ Chí Minh, 28/7/2012.
[16]. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2009/BXD – Công trình ngầm đô thị – Phần 1. Tàu điện ngầm – NXB Xây dựng, 2009.
[17]. Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008 – Quy hoạch Xây dựng – NXB Xây dựng, 2008.

PGS. TS. Lưu Đức Hải
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng,
Tổng hội Xây dựng Việt Nam

Ý kiến của bạn

Bình luận