Phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải hiện đại để hội nhập

Tác giả: Cao Hà

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 24/09/2017 07:09

Thời gian qua, với mục tiêu không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế, ngành GTVT nói chung và Cục Hàng hải Việt Nam nói riêng đã quan tâm chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải, tạo điều kiện cho kinh tế hàng hải phát triển.

 

Dich-vu-van-tai-duong-bien-tu-Viet-Nam-di-Nhat-Ban
 

Chú trọng đầu tư xây dựng và bảo trì

Những năm vừa qua, kết cấu hạ tầng hàng hải không ngừng phát triển và từng bước hiện đại hóa. Để thực hiện được điều đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã xác định các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm cần đầu tư, kết hợp thực hiện bảo trì và sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm tăng cường năng lực vận tải biển; xác định rõ và huy động mọi nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải; ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới nhằm hạ giá thành đầu tư xây dựng công trình; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, chú trọng việc cho thuê khai thác cầu bến cảng biển quan trọng và bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải.

Với nỗ lực của toàn ngành Hàng hải, hiện nay cả nước đã có 259 bến cảng thuộc 44 cảng biển với 64.684 mét dài cầu cảng, tổng công suất thiết kế khoảng 500 triệu tấn hàng/năm. Hệ thống cảng biển Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa vận tải bằng đường biển, phục vụ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển và cả nước, tạo động lực thu hút, thúc đẩy các ngành kinh tế, công nghiệp liên quan cùng phát triển.

Trong những tháng đầu năm 2017, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước đạt 254,5 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, đạt 51% kế hoạch năm, trong đó hàng container đạt 6,87 triệu TEUs, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2016, đạt 46% so với kế hoạch năm 2017.

Không dừng lại ở đó, những tháng đầu năm 2017, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục nâng cao công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng, tập trung các giải pháp nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các chủ thể tham gia dự án. Kết quả là đã hoàn thành khối lượng lớn công việc của các dự án được giao quản lý. Các dự án, công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Về công tác bảo trì kết cấu hạ tầng, trong năm 2017, Cục thực hiện nạo vét duy tu 12 luồng hàng hải bằng nguồn vốn ngân sách với kinh phí giao 832 tỷ đồng và hiện đang chỉ đạo các tổng công ty hoàn tất thủ tục liên quan để triển khai thi công công trình. Đối với công tác nạo vét, duy tu, thiết lập luồng, khu neo đậu tránh trú bão theo hình thức xã hội hóa tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách nhà nước, Cục Hàng hải Việt Nam đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT với chủ trương trên và yêu cầu nhà đầu tư thực hiện ngay các yêu cầu của Bộ, hàng tháng tổng hợp, báo cáo Bộ GTVT về tình hình thực hiện.

Mặc dù đã có sự phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt nhưng kết cấu hạ tầng cảng biển vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, kết cấu hạ tầng công cộng kết nối với cảng biển (đường bộ, đường sắt vào cảng) vẫn chưa được đầu tư đồng bộ với hạ tầng cảng biển. Các cầu bến trong cùng một khu cảng chưa thể kết hợp cùng khai thác để nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị xếp dỡ. Hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ cảng biển như khu logistics, ICD, kho bãi hậu cần… chưa phát triển đồng bộ với tốc độ phát triển cảng biển. Sự không đồng bộ về quy mô làm ảnh hưởng rất lớn tới năng lực hoạt động và hiệu quả đầu tư của cảng. Đây cũng là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu hàng thừa cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải; cảng “treo” tại các bến Hiệp Phước, Phú Hữu (TP. Hồ Chí Minh); hoạt động cầm chừng tại các bến/khu bến thuộc đồng bằng sông Cửu Long, không phát huy được năng lực của khu bến Đình Vũ (Hải Phòng), Cái Lân (Quảng Ninh).

Lời giải cho bài toán vốn

Để có thể phát triển được kết cấu hạ tầng hàng hải hiện đại, đạt tiêu chuẩn hội nhập thì vốn là nhân tố hàng đầu. Chính vì vậy thời gian qua, để khắc phục những khó khăn về nguồn vốn cho đầu tư phát triển hạ tầng hàng hải - ngành kinh tế chiếm vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam, Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam đã không ngừng huy động, kêu gọi với nhiều giải pháp nhằm khơi thông nguồn vốn cho hạ tầng hàng hải.

Theo báo cáo của Bộ GTVT về danh mục các dự án hàng hải với số vốn rất lớn, trước bối cảnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước rất hạn chế đặt ra yêu cầu bức thiết phải huy động nguồn vốn khác nhau, bao gồm cả ODA, trái phiếu, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa.

Nhằm huy động tối đa các nguồn vốn từ xã hội đầu tư vào hạ tầng hàng hải, Bộ GTVT đã có chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển Ngành. Theo đó, từ năm 2015, toàn bộ các dự án cơ sở hạ tầng hàng hải sẽ do tư nhân đầu tư, Nhà nước chỉ đầu tư những dự án không hấp dẫn được nhà đầu tư tư nhân, khả năng thu hồi vốn thấp, những dự án có tính chất đảm bảo quốc phòng - an ninh. Theo đó, cảng Lạch Huyện sẽ là dự án hạ tầng cuối cùng mà Nhà nước đầu tư vào hàng hải.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, hiện nay nguồn vốn đầu tư vào hai mảng là cơ sở hạ tầng công cộng và cơ sở hạ tầng ngoài công cộng. Cơ sở hạ tầng công cộng hàng hải bao gồm luồng lạch, hoa tiêu… được duy tu và bảo trì theo nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó nguồn vốn được sử dụng từ phí đảm bảo hàng hải. Về vấn đề này, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, hiện nay phí đảm bảo hàng hải để nạo vét, duy tu và bảo trì cơ sở hạ tầng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của cơ sở hạ tầng công cộng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ngoài công cộng của ngành Hàng hải bao gồm cảng biển, khu neo đậu, bến phao… hiện nay được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa. Các doanh nghiệp tham gia rất tích cực và thực hiện có hiệu quả các dự án.

Trong thời gian tới, để có thể hóa giải những bài toán khó về vốn, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục kêu gọi nguồn vốn từ xã hội hóa. Theo đó, về duy tu, bảo trì, từ trước đến nay đều có nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế, tuy còn eo hẹp nhưng Cục Hàng hải Việt Nam đã cân đối để đáp ứng được nhu cầu trước mắt.

“Đứng trước bài toán khó khăn về nguồn vốn cho các dự án, Cục Hàng hải Việt Nam xác định phải rà soát để cân đối, có thể đề xuất công trình đầu tư mới trọng tâm trọng điểm, đảm bảo hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài và để tránh đầu tư dàn trải trong điều kiện ngân sách eo hẹp như hiện nay. Từ đó, Cục sẽ đề xuất để kiện toàn văn bản pháp luật để hoàn thiện cơ chế kêu gọi xã hội hóa thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án nạo vét duy tu, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia xã hội hóa, giảm gánh nặng cho ngân sách nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả, quyền lợi của Nhà nước, doanh nghiệp hài hòa”, Cục trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận