Phát hiện mới có làm chậm hành trình chinh phục sao Hỏa?

Ứng dụng 24/04/2016 04:58

Các nhà khoa học cho rằng chuyến đi tới sao Hỏa nguy hiểm hơn chúng ta tưởng.

 

33671ad800000578-0-a-group-of-mice-was-flown-into-
 

Theo kế hoạch của NASA, loài người đang gấp rút chuẩn bị những gì cần thiết để phục vụ cho hành trình chinh phục sao Hỏa - dự kiến sẽ thành công vào năm 2040.

Hành trình này chắc chắn sẽ rất nguy hiểm, vì ngay cả việc sinh sống trong môi trường vô trọng lực đã có những tác hại nhất định lên cơ thể. Tuy nhiên, kế hoạch chinh phục sao Hỏa có thể sẽ phải kéo dài hơn một chút, khi mới đây các nhà khoa học đã phát hiện ra một tác hại khác do du hành vũ trụ đem lại.

Theo thí nghiệm của các nhà khoa học thuộc ĐH Colorado (Mỹ), những con chuột trở về sau 2 tuần sinh sống ngoài vũ trụ đang có những dấu hiệu tổn thương gan. "Chúng ta chưa có nghiên cứu nào cung cấp đủ thông tin về tác hại của việc du hành vũ trụ đến gan" - giáo sư Karen Jonscher - chủ nhiệm nghiên cứu cho biết.

Trước đó, những nhà du hành vũ trụ sau khi trở về thường mắc chứng tiểu đường, nhưng thường hồi phục rất nhanh. Nhưng với phát hiện mới này, các khoa học gia cho rằng đó có thể là trở ngại cho hành trình khám phá sao Hỏa của chúng ta.

Vì sao? Vì quá trình tổn thương gan ở chuột cũng gần tương tự như ở người. Và chúng mới chỉ ở vũ trụ có 13,5 ngày. Trong khi đó, hành trình đến sao Hỏa dự kiến phải mất ít nhất 1 năm.

Cụ thể hơn, nhóm nghiên cứu của giáo sư Jonscher nhận ra rằng du hành vũ trụ khiến lượng mỡ trong gan chuột tăng lên. Thông thường, phải mất hàng năm trời với một chế độ ăn "tàn phá cơ thể", chuột mới bị gan nhiễm mỡ.

Theo Jonscher: "Nếu chuột bị xơ gan và nhiễm mỡ chỉ trong 13,5 ngày, thì điều gì sẽ xảy đến với con người trong 1 năm? Đây là câu hỏi chưa thể trả lời ngay được".

Các nghiên cứu sâu hơn sẽ cần được thực hiện để trả lời câu hỏi này. Nhưng ban đầu, Jonscher cho rằng có thể căng thẳng trong hành trình đã khiến gan của chuột bị tổn thương.

Ý kiến của bạn

Bình luận