Phải tập trung tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư xây dựng

Tác giả: Thanh Huyền

saosaosaosaosao
21/04/2018 07:45

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng trong năm 2018.


 

DSC00315-01.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đấu thầu xây dựng.

 Sáng 20/4, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để nhận diện thật rõ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó giúp Chính phủ, các Bộ, ngành đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế.

Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát.

Hiện nay, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.

Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ.

 

DSC00318-01.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị.

 Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sự chồng chéo trong quản lý và các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng. Cùng với đó, tiến độ xử lý hồ sơ đầu tư xây dựng hiện vẫn bị kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý thủ tục tiếp theo cũng như tiến độ chung của dự án, công trình. Mặt khác, thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn nhiều khâu ách tắc.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ về những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm kịp thời xử lý để bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng phải tiếp thu ý kiến đóng góp và tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng, giải ngân vốn đầu tư công trung hạn, đặc biệt là năm 2018.

Phải tháo gỡ mọi khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực, với yêu cầu làm theo quy hoạch, bảo đảm an toàn lao động, an toàn công trình. Mặt khác, tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng đặc biệt nhắc nhở và chấn chính một số hiện tượng tiêu cực được phản ánh trong lĩnh vực đầu tư xây dựng như: thủ tục rườm rà, nhũng nhiễu, thiếu quy hoạch chi tiết; tinh thần trách nhiệm còn kém; chậm trễ trong quá trình xử lý hồ sơ, cũng như đầu tư xây dựng; chọn nhà thầu tùy tiện; gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư;….

Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao.

Mặt khác, cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng: Các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết thì kiên quyết loại bỏ hoặc lồng ghép trong các thủ tục khác….

Ý kiến của bạn

Bình luận