Ông Trump có thể đổ thêm dầu vào chảo lửa Trung Đông

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Chính trị 10/04/2018 16:08

Đòn không kích vào Syria của Mỹ nếu quá nhỏ sẽ không đủ sức răn đe, nhưng quá lớn lại gây nguy cơ đối đầu trực diện với Nga.

5-2588-1523333169_fmlf

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khẳng định sẽ ra quyết định về biện pháp đáp trả với Syria, nước bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học ở Đông Ghouta khiến 70 người chết, trong 24-48 giờ tới, sau khi họp bàn với các quan chức quân đội và chính quyền. Tuyên bố được ông Trump đưa ra một ngày sau khi sân bay T-4 của Syria bị không kích bằng một loạt tên lửa hành trình.

Syria và Nga cáo buộc Israel thực hiện vụ không kích nhằm tấn công cơ sở chiến lược của Iran trên chiến trường Syria. Giới phân tích nhận định rằng những diễn biến này đang biến Syria trở thành một đấu trường nơi các cường quốc ganh đua quyết liệt. Bất cứ động thái mạnh tay nào của Trump trong thời gian tới đều có thể đổ thêm dầu vào chảo lửa vốn đã rất nóng này, theo Washington Post.

Dù Trump cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải trả "giá đắt" vì cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng đòn không kích nếu Trump tung ra khó có thể làm xoay chuyển cục diện chiến trường và ngăn cản chiến thắng của quân đội chính phủ Syria trước phe nổi dậy, nhưng lại có thể khiến tình hình Trung Đông xấu đi.

"Hành động quân sự của Mỹ không thể thay đổi được quỹ đạo của chính phủ Assad và sẽ làm mọi thứ tồi tệ hơn", Emile Hokayem, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định. "Đó có thể là một cuộc không kích đơn lẻ để làm thỏa mãn cái tôi cá nhân, nhưng khi Mỹ không có chiến lược hay cái nhìn toàn diện về cuộc xung đột, hành động đó có thể làm leo thang xung đột mà không đạt được mục đích nào".

"Thời kỳ Mỹ có thể can thiệp quân sự vào Syria đã qua rồi", ông nói thêm.

Faysal Itani, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, cho rằng một cuộc không kích bằng tên lửa hành trình quy mô tương tự vụ tấn công tháng 4/2017 sẽ không giúp Mỹ tạo ra sự khác biệt nào trên chiến trường Syria.

Bởi vậy, Kelly Magsamen, cựu quan chức an ninh quốc gia dưới thời chính quyền Obama, dự đoán đòn tấn công mới của Mỹ vào Syria sẽ lớn hơn, mang tính trừng phạt và gây thiệt hại cao hơn.

Tuy nhiên, đòn trừng phạt quân sự của Mỹ lớn đến mức nào lại là cả một vấn đề. Hành động can thiệp quy mô lớn hơn có thể đẩy Mỹ vào thế đối đầu với Nga và Iran, hai quốc gia có sự hiện diện quân sự rất lớn ở Syria.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua cảnh báo bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào Syria dựa trên các cáo buộc "bịa đặt" sẽ phải hứng chịu "hậu quả thảm khốc". Với căng thẳng hiện nay giữa Washington và Moscow liên quan đến nhiều vấn đề khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể coi cuộc không kích của Mỹ như một cơ hội để tạo ra thế đối đầu và buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, theo chuyên gia phân tích chính trị người Nga Vladimir Frolov.

Khi xung đột quy mô lớn nổ ra, khoảng 2.000 đặc nhiệm Mỹ đóng ở đông bắc Syria rất dễ trở thành mục tiêu tấn công trả đũa của Nga và Syria. Iran cũng có thể chống lại lợi ích Mỹ ở nhiều địa điểm trong khu vực, chẳng hạn như tại Iraq, nơi Mỹ duy trì nhiều binh sĩ đồn trú.

Trong trường hợp Trump ra quyết định không kích Syria, điều này sẽ đi ngược lại với tuyên bố muốn rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này được Trump đưa ra hồi đầu tháng, đồng thời có thể khiến Mỹ lún sâu hơn vào cuộc xung đột, theo NYTimes.

Trong trường hợp Mỹ tung đòn không kích với Syria và sau đó lại xuất hiện cáo buộc Damascus sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, Trump sẽ bị dồn vào thế khó và chỉ còn lựa chọn duy nhất là tiếp tục gia tăng quy mô can thiệp quân sự.

Vòng luẩn quẩn các hành động đáp trả lẫn nhau giữa Mỹ và Syria có thể khiến chính quyền Trump trượt dài vào vũng lầy xung đột, buộc ông và các cố vấn phải giải thích với quốc hội và người dân về tính cần thiết của việc sử dụng vũ lực ở Syria, theo CNN.

Cả Nga và Syria đều bác bỏ cáo buộc cho rằng vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Đông Ghouta, đặc biệt là trong hoàn cảnh phe nổi dậy tại đây đã bị dồn vào thế đường cùng. Trong thực tế, lực lượng nổi dậy Jaish al-Islam hôm qua đã đồng ý rút khỏi Đông Ghouta sau nhiều tháng bị quân đội Syria vây hãm.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết sau khi quân nổi dậy rút đi, các bác sĩ Syria đã tới thị trấn Douma để kiểm tra và không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy khí độc đã được sử dụng để chống lại dân thường.

Những tuyên bố này cho thấy Nga đã sẵn sàng bảo vệ Syria trước các hành động leo thang quân sự của Mỹ dựa trên những cáo buộc về vũ khí hóa học mà Moscow coi là "vô căn cứ". Thậm chí hành động quân sự của Mỹ còn có thể giúp Nga có thêm lợi thế chiến lược trên chiến trường Syria.

"Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba có thể là mô hình mà ông Putin đang xem xét", Frolov nói. "Gây ra tình huống đối đầu quân sự, sau đó gọi cho Trump để bàn về một hội nghị thượng đỉnh nhằm hạ nhiệt căng thẳng".

"Nga muốn Mỹ rút khỏi Syria càng sớm càng tốt, thế nên nếu hai bên nổ ra xung đột và Trump phải nhượng bộ, Putin sẽ ghi điểm gấp đôi", chuyên gia này nói thêm.

Ý kiến của bạn

Bình luận