Ôi quỹ đen

Tác giả: Đặng Sỹ Mạnh

saosaosaosaosao
Bạn đọc 29/01/2020 09:13

“Quỹ đen”, “lương khô”... tạm hiểu là cách gọi cho một khoản kinh phí hoặc của cải vật chất được lập ra và chi dùng một cách bí mật của một tổ chức hoặc cá nhân.

 

Anh minh hoa

Trong bài viết này, xin được mạn đàm xung quanh câu chuyện lập, quản lý, chi dùng “quỹ đen” của những người đàn ông đã có gia đình, để tìm kiếm câu trả lời cho các câu hỏi:  Có nên lập quỹ đen không? Nếu lập thì nên lập từ khi nào? Bao nhiêu là đủ? Quản lý và chi dùng thế nào? …

Tôi cũng đã lập gia đình và thú thật là có trăn trở về các câu hỏi nêu trên. Không biết thì phải hỏi. Vậy nên tôi cũng đã đầu tư một khoảng thời gian khá dài để tiếp cận nhiều đối tượng, trong nước và cả người nước ngoài lấy vợ trong nước... Kết quả cũng thật thú vị, có một ngàn lẻ một câu chuyện. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết tôi xin kể hai câu chuyện đại diện cho hai trường phái.

Câu chuyện thứ nhất

(chuyện này khá dài dòng và không có yếu tố nước ngoài)  

Tôi quen anh cũng hơn 15 năm, tình thân như anh em. Anh làm ở một doanh nghiệp tầm cỡ, đã có vợ và hai con. Thỉnh thoảng cuối tuần, anh em thường tụ tập vài ve thư giãn. Trả lời thắc mắc của tôi về “quỹ đen”, anh chỉ nói: “Phải có. Lý do thì muôn vàn, nhưng theo anh đàn ông trụ cột, bao nhiêu việc trong nhà ngoài đường đều phải chi tiêu. Bạn đến nhà, vô lẽ vừa sai vợ làm đồ nhậu, vừa bắt vợ trả tiền bia hoài. Khách, quà bên nội, bên ngoại; giỗ chạp, Tết, lễ, cưới, hỏi, việc phải, việc trái... Công khai thì không nói, có nhiều thứ phát sinh, đột xuất. Không bao em út, nuôi bồ bịch gì nhưng cũng phải có một khoản nào đó để chủ động. Vô lẽ cứ thượng vàng hạ cám đều gửi hết cho “sư tử”? Để rồi khi cần lại ngồi chờ hoặc ngửa tay nịnh nọt “mèo con yêu dấu” ơi?”...

Câu chuyện cũng chỉ xoay quanh mấy việc bình thường như vậy, nhưng cho đến một hôm có một sự cố. Hôm đó, anh alô cho tôi với âm điệu vút cao. Vừa ngồi vào quán, anh đã phấn chấn: “Hôm nay phải làm quá quá tí ăn mừng”. Số là người anh cổ hủ của tôi lập “quỹ đen” mà không thẻ tiết kiệm hay ATM gì cả, lý do là không quen, lích kích, dễ lộ. Anh rất truyền thống và thủ công bằng cách cứ trung bình mỗi Tết anh sắm một hộp rượu ngoại loại bự. Khi có màu mè, lộc lá được bao nhiêu là đổi ra tờ mệnh giá to nhất, gấp lại. Anh lấy chai rượu lên, cho tiền xuống và đặt chai lại như cũ, rồi cho hộp vào tủ rượu. Thỉnh thoảng tối về, cả nhà thấy anh đem hộp rượu ra, ngắm nghía chán, lại cất vào, khóa cẩn thận, cứ tưởng anh mê ngắm rượu ngoại thật, chẳng ai nghĩ là anh đang… nhập quỹ.

 Ai ngờ hôm đó, anh đi công tác, có ông cậu bên vợ vào chơi. Khi cậu về cho gì cũng không lấy, chỉ thích mấy hộp rượu ngoại. Bà vợ thương cậu bèn hào phóng mở tủ cho luôn 3 hộp.

Khi anh về nhà, ăn tối xong định ra “ngắm rượu” thì bỗng tá hỏa. Hỏi thì chị vợ tỉnh bơ: “Thấy anh chỉ ngắm ngắm, nghía nghía chứ có uống đâu. Với lại anh đương chức thiếu gì, mấy khi cậu vào thăm mình?...”. Anh kể lúc đó tao tiếc toát mồ hôi, nhưng phải thật bản lĩnh, điềm tĩnh. Mất cũng đã mất rồi. Anh bảo vợ: “Không có gì, nghỉ ngơi vì mai anh lại phải đi công tác tiếp”.

Ngay 5 giờ sáng hôm sau, anh tức tốc gọi xe trực chỉ quê vợ. Gần một ngày đến được nhà cậu, vừa hỏi han chúc tụng, vừa quan sát. Ba hộp rượu thân quen đang nằm ở vị trí trang trọng trên tủ trà của phòng khách. Lạy trời! Anh vừa thầm khấn vái vừa nói to: “Cậu ơi, không mấy khi cháu ra, cậu cầm ít tiền ra chợ kiếm gì về cậu cháu mình lai rai hàn huyên chút”. “Cậu vừa ra khỏi cổng, tao liền nhanh chóng tiếp cận "đối tượng". Ôi, trời còn thương tình. Cho hết tiền vào túi xách mà tay vẫn còn run...”, anh nhớ lại.

“Nâng ly, may quá anh nhỉ, nhưng giờ anh tính sao? Gửi ngân hàng hay đưa vợ?”. Anh chỉ cười ra vẻ bí hiểm và nói: “Ngân hàng làm gì, phải kê khai lích kích, rút lấy phiền hà, có gì đột xuất, mệnh hệ, rồi làm sao? Chú yên tâm, uống đi”.

Chuyện chỉ có vậy thì cũng có thể bình thường. Nhưng khoảng 7, 8 năm sau ngày uống bia ăn mừng đáng nhớ đó, một sự cố đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra với cuộc đời anh.

Khi anh đang trên đường đi công tác, xe ô tô của anh bị một xe tải tông vào. Anh vào viện cấp cứu với một tiên lượng rất xấu. Phải mất mấy ngày anh mới tỉnh lại. Thấy vẻ mặt thất thần của vợ, anh gặng hỏi thì chị mới nói, bác sỹ bảo cần phải chuyển ra bệnh viện Trung ương, nhưng cần một khoản tiền…

Anh nắm chặt tay vợ, thều thào: Em còn nhớ mấy chiếc mũ kêpi anh treo trên tường trong phòng thờ mà anh nói là kỷ niệm chiến trường xưa, không cho ai đụng vào không? Về lấy xuống ngay, tiền anh để trong đó. Một nửa lấy chữa bệnh cho anh, một nửa giữ lấy sau này lo cho con cái học hành. Chị vợ tái mét mặt, lắp ba lắp bắp: “Hôm anh bị tai nạn, thấy tình hình tồi tệ bi quan quá, sau khi thắp hương xong, bực bội, chán nản, em vơ hết mấy thứ đó vứt ra sau vườn nhà rồi. Mà nhiều không?”. Anh nghe nói vậy, nấc mất mấy tiếng mới giục vợ mau chạy về.

Lại một lần nữa, thật may mắn. Nhờ số tiền đó, chị đã lo lắng chữa chạy cho anh. Tuy nhiên, anh phải về nghỉ sớm vì lý do sức khỏe.

Tôi thỉnh thoảng lại vào thăm anh, giờ thì anh không thể “nâng lên, hạ xuống” và bắt tay như người bình thường được nữa mà chỉ nhấm nháp chút. Tôi lại hỏi câu chuyện cũ, anh ngậm ngùi: “Anh chẳng còn “quỹ đen” quỹ đỏ gì nữa chú ạ. Đã hết rồi. Nhưng hết tiền riêng chưa đau đâu chú, hết lòng tin mới đau. Bây giờ, cứ có việc gì cần tiền là vợ anh lại gặng: Ông nói thật đi, còn ở đâu nữa không? Không lẽ chỉ chừng đó? Không lẽ chỉ một chỗ đó?...

Câu chuyện thứ hai

(chuyện này ngắn gọn và có yếu tố nước ngoài)

Tôi có quen một bà chị lấy chồng người nước ngoài. Anh chị lập gia đình và định cư ở Việt Nam. Thấy anh khá xởi lởi, gần gũi, sau khi quen đủ độ thân, tôi bổn cũ soạn lại.

Giải thích một hồi, hết mỗi người 3 lon bia Hà Nội, anh mới thẩm thấu. Anh mở máy điện thoại, đưa tôi xem một bản ghi nhớ kèm theo tờ đăng ký kết hôn. Bản ghi nhớ có 8 điều với chữ ký của hai vợ chồng, trong đó vấn đề tôi đang quan tâm lại thuộc điều đầu tiên:

“Điều 1. Về thu nhập và các khoản chi tiêu chung, riêng của hai vợ chồng. 

1. Mỗi người có tài khoản riêng là đương nhiên, nhưng ngay sau khi ký giấy kết hôn phải lập một tài khoản chung dùng để chi tiêu cho gia đình, con cái. 

2. Hàng tháng, mỗi người phải chuyển vào tài khoản chung của gia đình bằng 2/3 thu nhập của mình. 

3. Trước ngày cuối tháng, hai vợ chồng phải dành một khoảng thời gian phù hợp để rà soát, xem xét lại chi tiêu, kể cả kiểm tra thu nhập chính của hai người. Nếu thiếu cần thống nhất điều chỉnh cho phù hợp.

4. Nếu một hoặc hai người thất nghiệp thì tạm thời không phải chuyển vào mà có thể lấy ra từ tài khoản chung để tìm việc. Khi có công việc ổn định phải nộp bù thích đáng…”.

Ôi, ngưỡng mộ anh chị quá! Thật văn minh, hiện đại, rõ ràng, sòng phẳng!. 

Không biết bạn có áp dụng được không? Riêng tôi, mới kể đến nửa câu chuyện trên, “Mèo con” của tôi đã quắc mắt gạt phắt, phũ phàng một tràng: “Anh dở hơi biết bơi à? Chia đôi giới tuyến à? Thèm ăn mơ à? Bày đặt học tây học tàu nữa. Nghe cho rõ đây: Là một, không riêng, nhớ chưa!”

Ôi, “quỹ đen”! Không lập thì biết làm sao? Lập thì không biết sao? Không lập thì sao biết? Không biết thì sao lập?...

Nói thật, tôi hoang mang quá!

Ý kiến của bạn

Bình luận