Ô nhiễm tại Mỹ "bắt nguồn từ Châu Á”

Diễn đàn khoa học 07/03/2017 06:41

Sự ô nhiễm ở một số bang phía Tây nước Mỹ ngày nay lại đến từ chính "cái rốn" phát thải Châu Á

1630706

Ô nhiễm luôn là vấn đề toàn cầu nhưng trong nhiều trường hợp ô nhiễm lại đến từ những nguyên nhân khá đặc biệt, như "ô nhiễm từ xa".

Theo một nghiên cứu từ các nhà khoa học thuộc Cục quản lý Đại dương và Khí quyển kết hợp với Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, khói bụi tại nhiều tiểu bang miền tây nước Mỹ hiện nay được phát hiện có nguồn gốc từ các nước Châu Á tràn qua đại dương. Trong đó, đa số khói bụi ô nhiễm (chiếm tới 65%) đến từ Trung Quốc và Ấn Độ, số còn lại đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á.

Trang USAToday cho biết, khói ô nhiễm đem theo rất nhiều chất độc hại nổi bật như Oxit Nitơ. Các Oxit Nitơ sau khi bị oxy hóa dưới ánh sáng Mặt Trời tạo ra khí ozon (O3). Khí này gây nên nhiều tác hại như chảy nước mắt và mẩn ngứa da, đặc biệt là những căn bệnh liên quan tới đường thở như hen suyễn, viêm phổi, thậm chí là ung thư phổi…và thiệt hại cây trồng rất lớn.

Nghiên cứu đã tìm hiểu mức độ ozon ở tầng mặt đất trong giai đoạn từ năm 1980 tới 2014. Mục đích chính của nghiên cứu nhằm xác định xu hướng và mức độ ô nhiễm ở các thành phố, vùng nông thôn, và các công viên quốc gia tại Mỹ.

Nhà khoa học Meiyun Lin dẫn đầu nghiên cứu khẳng định, sự gia tăng lượng khí thải từ khu vực Châu Á đang là nguyên nhân chính gia tăng lượng khí ozon mặt đất vào mùa xuân và mùa hè tại miền tây nước Mỹ trong nhiều thập kỷ gần đây.

Mặc cho nước Mỹ đang nỗ lực cắt giảm ô nhiễm Oxit Nitơ nhưng khói bụi ô nhiễm từ Châu Á một lần nữa khiến nồng độ chất hóa học nguy hiểm này trong bầu không khí tăng cao. Được biết, lượng khí Oxit Nitơ phát thải vào trong không khí tại các nước Châu Á đã tăng gấp ba lần trong vòng gần 30 năm qua.

Tuy nhiên nhà nghiên cứu khẳng định, Trung Quốc đang tiếp tục cắt giảm lượng phát thải Oxit Nitơ, và đây là tín hiệu rất quan trọng cho toàn nhân loại trong nhiều thập kỷ tới.

Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Mỹ đã được đăng tải trên tạp chí Vật lý và Hóa học khí quyển hôm 1/3 vừa qua.

Ý kiến của bạn

Bình luận