Ở đâu có bom đạn, ở đó có thanh niên xung phong

Tác giả: Nguyễn Hữu Sinh

saosaosaosaosao
27/07/2017 14:56

Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn ghi nhận những công lao to lớn của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), dành những tình cảm chân thành nhất để sẻ chia những đau thương, mất mát của họ cho Tổ quốc bình yên hôm nay.

DSCF4247
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thăm phòng truyền thống của Hội cựu TNXP Việt Nam

Lịch sử hào hùng

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, hàng nghìn đội TNXP với hơn nửa triệu đội viên TNXP đã hăng hái tình nguyện, xông pha vào trận địa bom đạn, phục vụ chiến đấu. Họ không quản ngại khó khăn, gian khổ tình nguyện lên rừng, xuống biển, bám trụ tại nơi hải đảo xa xôi để sản xuất, lập nghiệp và bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có đến hơn 50% là nữ tuổi từ 16 đến dưới 30 và có đến 70% TNXP phục vụ cho ngành GTVT.

Điểm nhấn trong các giai đoạn lịch sử hào hùng của TNXP là ở cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hơn lúc nào hết, cuộc chiến chống Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc là điển hình cho “thế trận lòng dân”, cho sự hy sinh kiên cường và lòng quả cảm của dân tộc ta nói chung và lực lượng TNXP nói riêng. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là duy trì mạch máu GTVT giữa hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam, đảm bảo cung ứng hàng hóa, vũ khí chiến đấu.

Với quyết tâm cao độ, khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa ta đi”, những tuyến đường huyết mạch cho dù có bị bắn phá, rải bom nhưng được sửa chữa kịp thời, đảm bảo giao thông thông suốt. Hòa cùng tiếng hát “Thà hy sinh cho đường lại nối đường/Để giao thông không bế tắc, để bớt đau thương cho hai miền”, lực lượng TNXP GTVT luôn khẩn trương san lấp hố bom cho xe qua, phục vụ chiến tuyến. Có thể nói trong khó khăn, thiếu thốn không thể làm nhụt chí, tinh thần của TNXP.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã chứng kiến biết bao giai đoạn đầy bi thương nhưng hết sức oai hùng. Từ cổ chí kim, mỗi thời kỳ lại có những đặc thù khác biệt nhau, nhưng tinh thần quả cảm, lòng kiên cường, sự mưu trí, sáng tạo để “chuyển bại thành thắng”, “lấy yếu đánh mạnh” là điểm mấu chốt mà chúng ta đã vận dụng. Trong đó, sự đóng góp của lực lượng TNXP không hề nhỏ.

Ghi nhận những thành tích, công lao to lớn đáng tự hào, lực lượng TNXP đã được Đảng, Nhà nước trao tặng các phần thưởng và danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 1978), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1997), danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (năm 1997); 53 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng (36 tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 17 tập thể Anh hùng Lao động); trên 100 cá nhân được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân và Anh hùng Lao động... Đồng thời, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có chính sách đối với lực lượng TNXP.

 

DSCF4298
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa thăm và tặng quà cho 200 cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Đinh Dậu 2017 tại Hội cựu TNXP Việt Nam

Cần giải quyết tốt chế độ chính sách

Trong những năm qua, dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm tới người có công, trong đó có lực lượng TNXP, tuy nhiên hiện nay vẫn còn 418 TNXP chưa được xem xét giải quyết chế độ liệt sỹ, 6.803 TNXP chưa được giải quyết chế độ thương binh; 11.140 TNXP và gần 500 con đẻ của TNXP chưa được giải quyết chế độ chất độc da cam; 54.520 TNXP chưa được giải quyết chế độ trợ cấp một lần; 1.124 TNXP chưa được hưởng trợ cấp thường xuyên; 35.046 chưa được hưởng bảo hiểm y tế; 4.601 TNXP chưa được giải quyết chế độ mai táng phí.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Cao Vãng - Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Việt Nam cho biết, hiện nay số lượng trường hợp chưa được giải quyết về chế độ chính sách còn khá lớn, nguyên nhân chính hầu hết là do những cựu TNXP này không còn giấy tờ gốc và khó có thể xác minh vì thời gian đã lâu. Điều nữa dẫn đến thực trạng này là do hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật ban hành không sát với thực tiễn. Cụ thể theo ông Vãng, Nghị định 31/NĐ-CP ngày 9/4/2013 quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng chưa thực sự sát với đối tượng là TNXP.

Trong đó, hiện nay số trường hợp TNXP nhiễm chất độc da cam chưa được giải quyết chế độ chính sách lên đến 68% cũng vì vướng mắc khi thực hiện theo Nghị định 31.

Cũng theo ông Vãng, hầu hết những trường hợp TNXP làm nhiệm vụ ở cuối tỉnh Quảng Bình, đầu Quảng Trị và giáp nước bạn Lào. Do đó, khi Nghị định 31 chỉ rõ những người được hưởng chế độ chính sách phải làm nhiệm vụ trong khu vực Mỹ rải chất độc hóa học, được tính từ Quảng Trị trở vào và bên nước Lào thì trường hợp của họ không được giải quyết.

“Chất độc hóa học tuy được rải từ Quảng Trị trở vào nhưng nó lan tỏa, do đó các anh em làm nhiệm vụ tại khu vực cuối Quảng Bình và khu vực giáp ranh với Lào đều bị nhiễm và ảnh hưởng tới con cái sau này, tuy nhiên theo quy định họ lại không đủ điều kiện để đưa vào diện chính sách. Do đó, con số này tồn đọng rất lớn”, ông Vãng chia sẻ.

Những vấn đề tồn tại liên quan đến chế độ trợ cấp 1 lần, bảo hiểm y tế, mai táng không vướng mắc gì ở các văn bản quy phạm pháp luật mà do tình hình thực hiện ở địa phương. Theo ông Vãng, hiện nay các địa phương đều rơi vào tình trạng triển khai chậm, chế độ thủ tục vô cùng máy móc, gây phiền hà không ít cho các cựu TNXP.

Trước những tồn tại này, Phó Chủ tịch Hội TNXP Việt Nam đề nghị sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định 31, Thông tư 28 sao cho sát với tình hình thực tế hiện nay của lực lượng cựu TNXP. Hội đã kiến nghị nhiều lần với các cơ quan liên quan, nhưng để sửa đổi và thay đổi văn bản thì cần một thời gian dài.

“Chúng ta nên áp dụng cơ chế giải quyết thực tế, có trách nhiệm. UBND xã, phường có thể thành lập hội đồng xác định người thật, việc thật cùng với lập các thủ tục giám định, từ đó lập hồ sơ giải quyết để tránh khai man, lợi dụng chính sách”, ông Vãng đề nghị.

Trong thời gian cơ chế chính sách còn nhiều vướng mắc, chưa giải quyết được chế độ, nhiều trường hợp cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn đều được Hội cựu TNXP Việt Nam hỗ trợ, đặc biệt nhất là trường hợp của các nữ cựu TNXP. Trong số hơn 50% TNXP là nữ, hiện nay có đến 5.600 trường hợp là người già neo đơn không nơi nương tựa, bởi hầu hết khi chấm dứt chiến tranh, họ không lập gia đình. Trong số các trường hợp này, chỉ có ít trường hợp được hỗ trợ hàng tháng với mức 540.000 đồng. Hiện nay, Hội cựu TNXP vẫn đang vận động các nhà tài trợ, cơ quan, cá nhân tham gia quỹ “Nghĩa tình đồng đội” để giúp đỡ.

Có thể thấy rằng, những thanh niên năm xưa đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình cống hiến cho đất nước, cho dân tộc. Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn trân trọng những công lao to lớn của lực lương TNXP, luôn dành cho họ những tình cảm quý mến nhất để giảm bớt những đau thương, mất mát trong chiến tranh. Tính đến thời điểm này, việc thực hiện Quyết định số 40/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với TNXP đã cơ bản hoàn thành, tuy nhiên việc thực hiện vẫn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do nhiều yếu tố khách quan. Chính vì vậy, các đơn vị liên quan cần tập trung hơn nữa trong việc giải quyết chế độ chính sách cho cựu TNXP để không còn những hoàn cảnh éo le, không còn những trường hợp neo đơn không nơi nương tựa

Ý kiến của bạn

Bình luận