Nữ sinh Thụy Điển 16 tuổi được đề cử giải Nobel Hòa bình

15/03/2019 16:42

Người tiên phong cho các cuộc biểu tình chống ảnh hưởng biến đổi khí hậu ở 105 quốc gia được đề cử bởi ba nghị sĩ Na Uy.

nu-sinh-Thuy-Dien-duoc-de-cu-g-5263-6399-155261904
Greta Thunberg đã tạo ra phong trào chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Ảnh: Reuters

The Guardian ngày 14/3 thông tin, Greta Thunberg (16 tuổi), nhà hoạt động khí hậu Thụy Điển, người sáng lập phong trào Youth Strike for Climate đã được ba nhà lập pháp Na Uy đề cử cho giải Nobel Hòa Bình 2019.

Greta Thunberg bắt đầu cuộc biểu tình đơn độc tại Thụy Điển vào tháng 8 năm ngoái. Khi đó, em đã bỏ học và ra ngồi bên ngoài trụ sở Quốc hội trong nhiều ngày, cầm trên tay tấm bảng có dòng chữ "Đình công trường học vì khí hậu".

Chỉ sau nửa năm, hành động của em đã truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên trên toàn cầu. Cuộc đình công trên diện rộng dự kiến diễn ra vào thứ sáu ngày 15/3 tại 1.659 thị trấn và thành phố ở 105 quốc gia, với sự tham gia của hàng trăm nghìn người trẻ tuổi.

Freddy André Øvstegård, một trong ba nghị sĩ Na Uy đề cử nữ sinh 16 tuổi cho giải thưởng danh giá giải thích: "Chúng tôi đề cử Greta Thunberg bởi nếu con người không làm gì để ngăn chặn biến đổi khí hậu, nó sẽ trở thành nguyên nhân của chiến tranh, xung đột và tị nạn. Greta Thunberg đã phát động một phong trào quần chúng mà tôi đánh giá là đóng góp rất lớn cho hòa bình".

Trên Twitter cá nhân ngày 14/3, Thunberg viết: "Tôi rất vinh dự và biết ơn về đề cử này. Ngày mai chúng ta sẽ đình công trường học vì tương lai của chúng ta".

Trước đó, nữ sinh gây ấn tượng về khả năng lãnh đạo phong trào khi trực tiếp phát biểu tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cuối năm 2018 diễn ra ở Ba Lan.

Trong khi một số người phản đối các cuộc đình công trường học, Thủ tướng Đức Angela Merkel và chính trị gia Leo Varadkar ở Ireland nằm trong nhóm ủng hộ hành động của Greta Thunberg. 

Anne Hidalgo, thị trưởng Paris và chủ tịch của C40 - nhóm thành phố dẫn đầu về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng đánh giá cao phong trào của nữ sinh Thụy Điển. Theo ông, Thunberg hoàn toàn chính xác khi nói rằng hành động của chúng ta ngày hôm nay sẽ quyết định tương lai của tất cả.

Ông gửi thông điệp đến các công dân trẻ tuổi: "Là người lớn và nhà lãnh đạo chính trị, chúng tôi có trách nhiệm học hỏi từ các bạn và mang đến một tương lai mà các bạn mong muốn". 

nu-sinh-Thuy-Dien-duoc-de-cu-g-8544-9740-155261904
Greta Thunberg và tấm biển viết tay nổi tiếng. Ảnh: EPA

Theo quy định, chính trị gia các nước và một số giáo sư đại học có thể đề cử ứng viên cho giải Nobel Hòa bình, sẽ được trao thưởng vào tháng 12. Có 301 ứng cử viên cho giải thưởng năm 2019, gồm 223 cá nhân và 78 tổ chức.

Năm 2014, giải thưởng được trao cho Malala Yousafzai, nữ sinh người Pakistan. Khi đó, Malala mới 17 tuổi và trở thành người đạt giải Nobel trẻ tuổi nhất trong lịch sử. Do đấu tranh vì quyền đi học của trẻ em, đặc biệt là nữ giới, cô bị Taliban ám sát bất thành vào năm 2012 và trở thành biểu tượng toàn cầu.

Ý kiến của bạn

Bình luận