Niêm yết giá vé máy bay thế nào là đúng luật, tăng cạnh tranh?

Doanh nghiệp 14/09/2019 16:10

Quy định về niêm yết giá vé nóng lên khi Vietnam Airlines kiến nghị yêu cầu các hãng hàng không thực hiện niêm yết giá vé đúng quy định, phải gồm thuế phí. Nhưng đúng quy định là thế nào?

 

20190831095601-1568294763407161936127
Nhiều hành khách sẽ phải trả cả chi phí suất ăn, hành lý... ngay cả khi họ không dùng với hãng hàng không niêm yết cộng gộp tất cả thuế phí trong giá vé - Ảnh: C.TRUNG

Vietnam Airlines cho rằng việc niêm yết giá không đồng nhất gi​​ữa các hãng như hiện nay dễ gây hiểu nhầm cho khách hàng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vấn đề quan trọng không kém là niêm yết thế nào để tăng cạnh tranh.

Thế nào là đúng luật?

Theo luật sư Cao Thị Hòa - Công ty Luật TNHH Garnet, nghị định số 177/2013 quy định giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có). Tuy nhiên, nghị định này các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể phải niêm yết giá gồm thuế, phí ở bước nào; cũng không quy định rõ về việc doanh nghiệp phải niêm yết một mức khi đã gộp (gross fare) các yếu tố cấu thành của hàng hóa, dịch vụ và thuế, phí… hay có thể niêm yết từng yếu tố cấu thành (net fare), sau đó mới cộng giá gốc với dịch vụ đi kèm và các loại thuế, phí.

Bà Hòa ví dụ: giá vé máy bay niêm yết trên website đặt vé trực tuyến của Vietjet thể hiện đầy đủ các yếu tố gồm: giá gốc của vé, tiền thuế, phí dịch vụ kèm theo, tiền suất ăn, tiền đưa đón sân bay, v.v... Trong khi đó, giá vé máy bay niêm yết trên website đặt vé trực tuyến của Vietnam Airlines chỉ niêm yết một mức giá đã gồm tất cả các khoản thuế, phí, suất ăn… mà không thể hiện rõ từng yếu tố cấu thành.

Với quy định của pháp luật hiện hành, luật sư Hòa cho rằng không có đủ căn cứ pháp lý để khẳng định phương thức nào là trái luật. Theo bà Hòa, là người tiêu dùng, niêm yết từng yếu tố cấu thành giá vé là công khai, đảm bảo tốt hơn quyền được biết của khách.

Hiện Vietjet, Bamboo Airway và cả Jetstar (đơn vị thành viên của Vietnam Airlines) đang áp dụng phương thức niêm yết chi tiết từng yếu tố cấu thành nên giá vé (net fare). Khách hàng nhận được đầy đủ thông tin về giá vé (dịch vụ vận chuyển) và tiền thuế, phí trước khi quyết định đặt mua.

Nhiều khách đang trả phí cả cái mình không dùng

Luật sư Hòa cho rằng phương thức niêm yết giá Net fare vừa không trái luật, vừa tăng thêm cơ hội cho khách hàng chọn các dịch vụ đi kèm, đặc biệt là khuyến khích cạnh tranh, cho người dân thấy giá vé thực sự mà hãng bay lấy của họ.

Ngược lại, đối với phương thức niêm yết giá gộp (gross fare) mà Vietnam Airlines đang áp dụng, khách hàng không thể biết được các yếu tố cấu thành nên giá vé. Thậm chí, khách hàng sẽ phải mặc nhiên thanh toán các khoản chi phí cho các dịch vụ mà họ không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng hết (ví dụ: định mức hành lý ký gửi 20kg, chi phí suất ăn cố định trên máy bay…). Đó là điều không hợp lý và không đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng. Niêm yết từng yếu tố cấu thành giá rõ ràng hướng đến tiêu chí tiết kiệm tối đa chi phí cho khách.

Anh Nguyễn Văn Năm, một cán bộ quản lý trong ngành hàng không, cũng cho rằng hiện vẫn còn những cách nghĩ khác nhau về niêm yết giá vé và mỗi hành khách thích một kiểu. Tuy nhiên, thực chất việc áp dụng phương thức niêm yết net fare, tách riêng chi phí suất ăn và giá cước hành lý sẽ giúp cho các khách hàng thuộc mọi đối tượng có thể cân nhắc lựa chọn phạm vi dịch vụ và mức chi trả phù hợp với thu nhập của mình.

Đặc biệt, khi khách hàng không mang theo nhiều hành lý gửi và không có nhu cầu sử dụng suất ăn trên máy bay, net fare giúp tiết kiệm được chi phí. Anh Năm cho rằng không phải ngẫu nhiên nhiều hãng hàng không trên thế giới chọn cách niêm yết net fare (như China Eastern Airlines, Eastarjet của Trung Quốc, Jeju Air của Hàn Quốc, HK Express của Hongkong…). VN khó có thể một mình một chợ khi bãi bỏ một thông lệ quốc tế.

Cũng theo luật sư Cao Thị Hòa, các điều ước quốc tế về hàng không hiện nay cũng mới chỉ quy định những nguyên tắc chung trong việc niêm yết giá vé máy bay chứ không có quy định ràng buộc cụ thể về phương thức niêm yết giá của các hãng hàng không. Chẳng hạn, quy định số 1008/2008 ngày 24/09/2008 của Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu quy định giá vé máy bay cuối cùng mà hành khách phải trả phải bao gồm phí và lệ phí. Ngoài ra, giá niêm yết cần ghi rõ giá vé, phí, thuế, phụ phí khác,… Hiệp định đa biên ASEAN về vận tải hàng không cũng chỉ quy định các hãng bay phải công khai đầy đủ thông tin về giá vé tới khách hàng.

Niêm yết giá vé từng phần thúc đẩy cạnh tranh

Theo một chuyên gia từng làm việc ở Bộ GTVT, tại VN, Vietjet, Bamboo Airway và Jetstar Pacific (do VNA sở hữu 68,85% vốn điều lệ) cùng niêm yết giá vé máy bay net fare. Nhìn lên người ta thấy ngay thời điểm hiện tại, một số hãng giá rẻ chỉ thực thu về có 500-900 ngàn đồng/vé tại nhiều thời điểm. Trong khi hãng tính giá gộp đang hưởng luôn số tiền phí gửi hành lý, tiền suất ăn với giá không rẻ so với ở mặt đất… nên khá cao. Trong khi nếu biết giá suất ăn trên trời, có thể nhiều "thượng đế" sẽ không chọn. Nhưng ngay cả khi không ăn, họ cũng phải trả tiền.

Việc niêm yết từng phần, theo vị chuyên gia trên, là thúc đẩy cạnh tranh. Vì vậy, cần xem lại việc Vietnam Airlines kiến nghị các hãng hàng không khác phải áp dụng phương thức gộp giống mình có phải vì quyền lợi tốt nhất cho khách hàng hay không.

Ý kiến của bạn

Bình luận