Những phương án được thí điểm để 'cứu' sông Tô Lịch

Diễn đàn khoa học 09/06/2019 15:59

10 năm qua, nhiều kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch đã được triển khai, gần đây là thí điểm công nghệ Nhật Bản và chế phẩm Redoxy3C.

 

rednhap-7711-1559650360-4690-1560053609
Ô thử nghiệm chế phẩm Redoxy3C ở sông Tô Lịch. Ảnh: Tất Định

Thời gian qua, nhiều giải pháp làm sạch sông Tô Lịch đã được triển khai, trong đó hai giải pháp thí điểm là dùng công nghệ Nano - Bioreactor của Nhật Bản và chế phẩm Redoxy3C. Ngoài ra, công ty thoát nước Hà Nội cũng xây dựng phương án điều tiết nước từ hồ Tây qua hai cửa xả để cải thiện nguồn nước sông Tô Lịch.

Giữa tháng 5, Hà Nội bắt đầu thí điểm dùng công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch đoạn cuối sông Tô Lịch giáp với đường Hoàng Quốc Việt. Công nghệ này từng áp dụng thành công ở một hồ tại Hải Phòng.

Hai hộp thiết bị được công nhân đặt xuống lòng sông dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Nhật Bản. Các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước được giới thiệu sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.

Sau 3 ngày thử nghiệm, người dân sống trên bờ sông cho cho biết màu nước đã trong hơn. Sau 3 tuần, đơn vị vận hành thông tin, lượng khí Amoniac (NH3), Hydrosulfide (H2S) gây mùi hôi thối đã giảm nhanh chóng. Tại một số điểm đặt máy xử lý, độ dày của bùn giảm từ 15-20 cm.

Đại diện Công ty cổ phần cải thiện môi trường Nhật - Việt (đơn vị vận hành công nghệ Nano - Bioreactor) nói, sau 2 tháng xử lý, khi lượng bùn giảm hẳn thì nước sông sẽ trong trở lại. Các mẫu xét nghiệm đã được các cơ quan chức năng Việt Nam lấy để đối chứng. Thành phố Hà Nội hiện chưa công bố kinh phí thử nghiệm công nghệ này.

Công nghệ phun rải chế phẩm Redoxy3C đang được công ty Thoát nước Hà Nội thí điểm làm sạch 500 m2 sông Tô Lịch đoạn chảy qua phố Nguyễn Đình Hoàn (đầu nguồn) và cầu Khương Đình (cuối nguồn).

Trong ô thử nghiệm, nước liên tục sủi bọt, có màu đen không khác biệt so với bên ngoài, người dân cho biết mùi hôi thối đã giảm.

Redoxy3C khi hoạt động sẽ cung cấp oxy cho nước và hệ sinh thái dưới thủy vực. Khi đó, toàn bộ hệ thống vi sinh vật hiếu khí sẽ hoạt động, thúc đẩy quá trình tự xử lý nước.

Từ năm 2016 đến nay, Hà Nội đã sử dụng chế phẩm Redoxy3C xử lý nước cho 87 hồ trong nội thành. Theo công ty thoát nước Hà Nội, kết quả quan trắc cho thấy các hồ từ chỗ bị ô nhiễm đến nay chỉ tiêu oxy hòa tan tăng trung bình từ 2-3mg/l lên 8-9mg/l. Các chỉ tiêu pH, vi sinh vật, chất thải rắn lơ lửng trong nước đã giảm và đạt chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, cuối tháng 5/2019, trước nhiều lo ngại về tính minh bạch của việc sử dụng chế phẩm trên, lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra việc mua, đánh giá kết quả của chất Redoxy3C.

Ngày 19/4, lãnh đạo công ty thoát nước Hà Nội (Công ty) cũng cho biết, đơn vị đã đề xuất lãnh đạo UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.

Theo đó, hồ Tây đang ô nhiễm trong khi không có nước lưu thông, vì vậy cần phải cải tạo nguồn nước để phát triển hệ thuỷ sinh trong lòng hồ. Công ty đưa ra giải pháp bơm nước sông Hồng vào hồ Tây tạo lưu thông, đến khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của sông.

Dự kiến để bổ cập nước vào Hồ Tây, Công ty sẽ xây dựng trạm bơm chìm với công suất cấp nước 156.000 m3/ngày đêm. 

Theo ước tính của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, mỗi ngày 150.000 m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông Tô Lịch. Hạ lưu sông còn phải tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp ở Vĩnh Tuy, Mai Động, Văn Điển. Trong đó chứa các chất thải nguy hại như cyanure, thủy ngân, nước thải bệnh viện của thành phố.

10 năm qua, thủ đô nhiều lần lên kế hoạch khắc phục ô nhiễm sông Tô Lịch. Năm 2003, Hà Nội đã nạo vét và kè hai bên bờ sông. Từ năm 2011, thành phố đã nghiên cứu phương án bổ cập nước sông cho sông Tô Lịch từ sông Nhuệ.

Năm 2014, Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Công ty Thoát nước Hà Nội thả 38 cụm bè thủy sinh từ đoạn Hoàng Quốc Việt đến Nguyễn Trãi nhằm tạo cảnh quan và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch. Cuối năm 2015, thành phố giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội phối hợp với Hà Lan để nghiên cứu các giải pháp cải tạo sông Tô Lịch.

Tháng 3/2017, UBND Hà Nội tiếp nhận khoản tài trợ ODA không hoàn lại khoảng 700.000 USD để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch khu vực Vĩnh Ninh – Đại Áng. Trong đó, nổi bật là dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m3/ngày, đêm, được khởi công vào tháng 10/2016, bằng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.

Sông Tô Lịch từng là một nhánh nhỏ của sông Hồng, thông thủy với Hồ Tây. Năm 1889 người Pháp lấp một phần sông Tô Lịch để quy hoạch lại phố phường.

Sông Tô Lịch ngày nay có chiều dài khoảng 14km, bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Toàn tuyến sông có hơn 200 cửa xả nước thải.

Ý kiến của bạn

Bình luận