Những phụ nữ bị quấy rối trên xe công cộng

Đường dây nóng 17/09/2019 14:41

Wanda bị quấy rối lần đầu khi học đại học. 10 năm sau, cô vẫn nhớ như in ký ức tồi tệ về chuyến xe buýt ở Bắc Kinh đó.

 

Untitled
Một phụ nữ Trung Quốc đứng trong toa tàu điện ngầm ưu tiên cho phụ nữ ở Thâm Quyến. Ảnh: SCMP.

Mùa hè 10 năm trước, Wanda, nay 31 tuổi, bị một gã khoảng 40 tuổi quấy rối trên xe buýt. Khi đó cô đang mặc bộ đồng phục thể dục, xe không đông. Gã kia tới gần chỗ cô đứng và bắt đầu ép sát thân dưới vào người cô. Wanda sững sờ, sợ hãi, không biết phải làm gì. Ngay sau đó, xe buýt rẽ, gã kia bị lệch người sang một bên và Wanda nhanh chóng di chuyển.

"Sau đó, suốt một thời gian dài, cứ nhìn thấy bất kỳ người đàn ông nào là tôi lại cảm thấy như đó là kẻ biến thái", cô nói.

Từ đó, Wanda luôn cảnh giác nơi công cộng. Năm ngoái, cô buộc phải dùng túi chặn một gã ngồi cạnh trên tàu điện ngầm, khi y cố gắng sờ vào chân cô.

Nhiều phụ nữ cũng có trải nghiệm giống Wanda. Những nỗ lực giải quyết nạn quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng ở Trung Quốc chưa hiệu quả. Một số nhà ủng hộ nữ quyền cho rằng những biện pháp này còn nhiều hạn chế.

Tại hai thành phố lớn của Trung Quốc là Thâm Quyến và Quảng Châu, chính quyền thử nghiệm chính sách toa tàu ưu tiên cho phụ nữ năm 2017. Các toa ở vị trí đầu và cuối tàu, phục vụ trong giờ cao điểm, trang trí bằng miếng dán màu hồng đề chữ "toa ưu tiên phụ nữ" bằng tiếng Trung và tiếng Anh ở cửa sổ.

Tuy nhiên, các nhà chức trách không nói cụ thể là những toa tàu này nhằm mục đích ngăn chặn nạn quấy rối tình dục, mà chỉ nói nhằm "dành sự quan tâm và tôn trọng hơn cho phụ nữ", giống ở châu Âu và Nhật Bản. Thâm Quyến đang xem xét sửa quy định, chỉ cho phép phụ nữ, trẻ vị thành niên và người khuyết tật sử dụng toa tàu ưu tiên và chỉ dùng trong giờ cao điểm. Những hành khách không đáp ứng những tiêu chí này có thể bị nhân viên đường sắt mời sang toa khác.

Nhưng trong thực tế, những tiêu chí này hiếm khi được thi hành. Đàn ông vẫn lên toa ưu tiên. Các nhà bảo vệ nữ quyền cho rằng đây là một hình thức phân biệt chứ không phải nỗ lực giải quyết tận gốc vấn đề.

Một lý do khiến thí điểm toa tàu ưu tiên thất bại là quy mô sử dụng phương tiện giao thông công cộng mỗi ngày. Theo thống kê của chính quyền, mỗi ngày có 5 triệu lượt khách di chuyển bằng tàu điện ngầm ở Thâm Quyến và 8 triệu lượt ở Quảng Châu.

"Khi mới ra mắt, nhân viên đường sắt nhiệt liệt ủng hộ phụ nữ sử dụng nó", Zhang Ying, một giáo viên dạy piano ở Quảng Châu nói.

Nhân viên sẽ nói qua loa phát thanh, mời phụ nữ lên toa ưu tiên. Nhưng bây giờ, mọi người chỉ coi nó như toa tàu bình thường. Zhang hiếm khi sử dụng toa ưu tiên bởi nó rất bất tiện, cô sẽ phải đi bộ về phía cuối hoặc phía đầu đoàn tàu.

"Logic đằng sau kế hoạch này sai lầm ngay từ đầu", Xiao Meili, một nhà ủng hộ nữ quyền tại Quảng Châu nhận xét. "Khi nhận thấy những nguy hiểm mà mình phải đối mặt nơi công cộng, phụ nữ đã kêu gọi chính quyền tạo điều kiện cho họ nhưng các nhà chức trách chỉ muốn vẽ ra một góc nhỏ để nhốt họ vào đó".

Dù toa tàu ưu tiên thoạt nghe có vẻ thiện chí, nhưng Xiao cho rằng nó hạn chế không gian của phụ nữ.

"Đa số những kẻ quấy rối tình dục và hiếp dâm đều là nam giới, tại sao không đưa những kẻ này vào một không gian hạn chế?" cô nói.

Trong khảo sát năm 2017 thực hiện với 443 người tại Thâm Quyến, 42% phụ nữ cho biết từng bị quấy rối trên phương tiện giao thông công cộng, còn nam giới là 6%. Đa số những người được phỏng vấn không hài lòng với phản ứng của cảnh sát và 65% nghĩ lực lượng này nên có trách nhiệm nhất định trong việc xử lý quấy rối tình dục nơi công cộng.

Xiao và những người khác nhiều lần viết thư kiến nghị chính quyền xử lý nạn quấy rối trên phương tiện giao thông công cộng. Năm 2016, nhóm nữ quyền của Xiao đã nhận được 5.650 USD đóng góp, chỉ đủ để mua một vị trí quảng cáo. Trong hai năm, họ cố gắng đặt các biển quảng cáo chống quấy rối tình dục trong hệ thống tàu điện ngầm ở Quảng Châu và Thâm Quyến, nhưng nhiều lần bị các nhà chức trách ngăn chặn với lý do gây hoang mang dư luận.

Nhưng vào năm 2018, nhóm của Xiao phát hiện những quảng cáo tương tự được đặt trên tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô. Một số biển do các tổ chức đặt, một số do các nhà chức trách địa phương. Một quảng cáo ở Thành Đô do đơn vị quản lý đường sắt đề chữ: "Ở đây không có chỗ cho bàn tay quấy rối", còn quảng cáo ở Bắc Kinh viết "Hãy ngăn chặn quấy rối tình dục".

Xiao vui vì thấy những thay đổi này, nhưng gọi chính sách hiện hành về toa ưu tiên ở Thâm Quyến là ví dụ về "sự lười biếng" của các nhà chức trách. Theo cô, trên cửa sổ các toa ưu tiên cần nhiều hơn là những miếng dán quảng cáo màu hồng. Các nhà hoạch định chính sách cần suy nghĩ về cơ chế thực tế để ngăn chặn quấy rối và cách xử lý khi bắt được thủ phạm.

"Phụ nữ không cần chăm sóc đặc biệt như thể họ là phái yếu", Xiao nói. "Họ cần sự an toàn mà họ xứng đáng có và quyền được đi lại thuận tiện".

Ý kiến của bạn

Bình luận