Những người Hàn Quốc được tuyển để sống gần Triều Tiên

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Xã hội 11/01/2018 07:45

Nhiều người dân được Seoul tuyển để sống ở "làng thống nhất" gần biên giới với Triều Tiên nhằm quảng bá sức mạnh của đất nước.

lang-han-quoc-1135-1515491485_shjg

Hầm trú bom cũ ở trung tâm làng Tongil Chon, Hàn Quốc. Ảnh: NBC News.

Hàn Quốc và Triều Tiên hôm qua đối thoại lần đầu sau hai năm tại khu phi quân sự DMZ, vùng biên giới được canh phòng gắt gao nhất thế giới. Ở đây, binh sĩ, pháo, tên lửa và nhiều loại vũ khí khác hiện diện dọc đường phân định.

Nhưng nằm sau các chốt kiểm tra ở vùng đệm cách đó chưa đầy 5 km, cuộc sống của người dân trong làng Tongil Chon, Hàn Quốc diễn ra thanh bình. Họ được đất nước chọn đến sống ở đây. Một số người cho biết sẽ không bao giờ rời đi, NBC News đưa tin.

Trong tiếng Hàn, Tongil Chon có nghĩa là làng thống nhất. Theo trưởng làng Lee Won Bae, ở thời điểm thành lập năm 1973, làng chỉ có 80 người gồm 40 dân thường và 40 binh sĩ. Dân số của làng hiện nay là 480 người, phần lớn là người già.

Ông Lee cho biết, ngày trước, người dân phải trải qua bài kiểm tra tư tưởng của giới chức nếu muốn được sống tại đây. Chỉ những người có lập trường kiên định trong việc bảo vệ quốc gia mới được phép lưu lại. Cả đàn ông và phụ nữ đều được đào tạo về vũ khí.

Với đặc điểm làng biên giới, trong nhiều thập niên, Tongil Chon cũng như nhiều làng khác trở thành công cụ để Seoul cạnh tranh với Bình Nhưỡng trong các chiến dịch phô trương sức mạnh kinh tế. Làng trông càng trù phú, đất nước càng hùng mạnh. Theo thời gian, sự khác biệt giàu - nghèo giữa hai quốc gia càng thể hiện rõ với Hàn Quốc giành thế áp đảo.

Bà Bang Nae Ok là một trong những cư dân của làng. Người phụ nữ 92 tuổi sinh ra ở phía bắc, đến tị nạn ở Hàn Quốc khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra. Bà quyết định ở lại Tongil Chon bởi đây là nơi bà có thể sống gần quê cha đất tổ nhất.

Dù làng nằm rất gần Triều Tiên, nhiều người vẫn coi đây là vùng đất an toàn. Nếu chiến tranh xảy ra, "bom sẽ không rơi xuống đây. Chúng sẽ bay trên đầu chúng tôi", một nông dân trồng lúa cười thích chí khi chia sẻ.

Theo phó hiệu trưởng Kim Hee-seok tại trường tiểu học địa phương, học sinh lẫn giáo viên ở làng đều thấy hạnh phúc. Trường có 45 học sinh, 15 em trong đó là trẻ trong làng. Số còn lại đến từ bên ngoài, được chọn từ danh sách trẻ đăng ký nhập học vì danh tiếng đào tạo tiếng Anh tốt của trường.

Phó hiệu trưởng Kim Hee-seok. Ảnh: NBC News.

Năm tháng trôi qua chứng kiến nhiều thăng trầm trong quan hệ Hàn Quốc - Triều Tiên, song ông Lee cho biết vẫn giữ niềm tự hào khi thực hiện trách nhiệm làng Tongil Chon được đất nước giao phó từ những ngày đầu.

"Ở tuyến đầu này, chỉ cần phía Triều Tiên có thể thấy chúng tôi đang sống thoải mái như khi chúng tôi cày cấy, đó đã là niềm tự hào của chúng tôi. Không còn gì khác", người đàn ông cả đời trồng lúa và đậu gần khu phi quân sự khẳng định.

Ý kiến của bạn

Bình luận