Những hạn chế và nguyên nhân trong công tác xuất khẩu thuyền viên

28/11/2016 06:30

Nhu cầu thuyền viên tại thị trường lao động thuyền viên thế giới là rất lớn và có chiều hướng gia tăng như các khu vực Đông Bắc Á, Singapore, châu Âu, Bắc Mỹ… Trong khi đó, hơn 20 năm qua, số lượng thuyền viên Việt Nam xuất khẩu chỉ dao động quanh con số 2.500 đến 3.000 người/năm, một tỷ lệ quá nhỏ bé so với dân số và tiềm năng vốn có.

ThS. Đào Quang Dân

PGS. TS. Đinh Xuân Mạnh

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam 

Người phản biện:

TS. Mai Bá Lĩnh

TÓM TẮT: Nhu cầu thuyền viên tại thị trường lao động thuyền viên thế giới là rất lớn và có chiều hướng gia tăng như các khu vực Đông Bắc Á, Singapore, châu Âu, Bắc Mỹ… Trong khi đó, hơn 20 năm qua, số lượng thuyền viên Việt Nam xuất khẩu chỉ dao động quanh con số 2.500 đến 3.000 người/năm, một tỷ lệ quá nhỏ bé so với dân số và tiềm năng vốn có.

Để phát triển số lượng thuyền viên Việt Nam xuất khẩu ngày càng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của các chủ tàu quốc tế, đưa Việt Nam trở thành nguồn cung ứng với số lượng lớn bền vững cho thị trường lao động thuyền viên quốc tế, cần phải có những nghiên cứu để tìm ra các giải pháp khoa học, đồng bộ phát triển nguồn nhân lực này, nhanh, bền vững về cả số lượng và chất lượng. Muốn làm được điều đó, trước hết phải tìm ra những hạn chế và nguyên nhân dẫn đến việc số lượng thuyền viên Việt Nam xuất khẩu hàng năm quá nhỏ. Với mục đích đó, bài báo sẽ phân tích tìm ra những hạn chế và nguyên nhân làm cho lượng thuyền viên xuất khẩu của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua rất nhỏ, trong khi nhu cầu của thị trường thuyền viên thế giới lại rất lớn.

TỪ KHÓA: Nguồn nhân lực thuyền viên, hạn chế, nguyên nhân.

Abstract: Despite of the increasing demand of seafarer markets in the worldparticular in Northern East Asia, Singapore, European countries…, Meanwhile the annual number of Vietnamese exported seafarers has just fluctuated around 2.500 - 3.000 per year over last 20 years. It is the modest amount compared to Vietnamese population and potential.

To develop the number of Vietnamese exported seafarers, to satisfy international shipowners’ requirement, to turn Vietnam into a large and stable source of exported seafarers for the international labour market, it is compelled to do research to find out scientificsimultaneous solutions for fast and stable developing of Vietnamese exported seafarers in quantity and quality. However, to make that happened, at first, we have to find out those limitations and those causes that lead too few quantiy of Vietnamese exported seafarers every year compared to Vietnam’s population and potential. With that purpose, this report will make a dissecting to find out those limitations and causes which have made the amount of Vietnamese exported seafarers during 20 years too modest, while the demand of the international labour market has been so great.

Keywords: Human resources of seafarers, limitations and causes.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Xuất khẩu lao động được Đảng và Nhà nước ta xác định có tầm quan trọng trong chính sách giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng mức sống của người dân. Xuất khẩu thuyền viên không những giải quyết việc làm, thu nhập cho thuyền viên, tăng thu ngoại tệ cho Nhà nước, mà còn góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên Việt Nam.

Châu Á, trong đó có khu vực ASEAN cung cấp số lượng lớn cho thị trường thuyền viên thế giới hiện tại và trong tương lai [1], [4]. Việt Nam và Philippines đều là thành viên của ASEAN, có nhiều nét tương đồng, như về dân số, tốc độ phát triển kinh tế xã hội, bình quân GDP trên đầu người… Tuy nhiên, trong khi Philippines đang đứng đầu thế giới về số lượng thuyền viên xuất khẩu, thì Việt Nam mặc dù với rất nhiều lợi thế so với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới như: Vị trí địa lý chiến lược quan trọng; thời kỳ dân số vàng sẽ còn kéo dài 20 năm nữa, trên tổng số hơn 91 triệu dân [3]; đội ngũ thuyền viên Việt Nam đều có mong muốn được làm việc trên những đội tàu lớn của các chủ tàu lớn, uy tín đến từ những quốc gia có ngành Hàng hải phát triển, nhưng trong suốt thời gian hơn 20 năm qua, số lượng thuyền viên xuất khẩu của Việt Nam chỉ dao động quanh con số 2.500 đến 3.000 người/năm. Vì sao lượng thuyền viên Việt Nam xuất khẩu lại ít như vậy? Đâu là những hạn chế và nguyên nhân?.

Xuất khẩu lao động ở Việt Nam (Việt Nam bắt đầu đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài) bắt đầu từ năm 1980 [2]. Nhưng đến ngày 02/02/1991 khi Công ty Hợp tác lao động nước ngoài được thành lập, nay là Công ty Cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài (INLACO-Hải Phòng) mới chính thức đánh dấu công tác xuất khẩu thuyền viên của Việt Nam. Không như nhiều lao động khác, thuyền viên xuất khẩu là những người có “nghề”. Tại Khoản 5, Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã nêu rõ: “Khuyến khích đưa nhiều người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài, đưa người lao động đi làm việc ở thị trường có thu nhập cao...”. Như vậy, việc đẩy mạnh, phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu là cần thiết và có tầm quan trọng.

2. NHỮNG HẠN CHẾ TRONG XUẤT KHẨU THUYỀN VIÊN CỦA VIỆT NAM

Thuyền viên Việt Nam về lý thuyết có khả năng đáp ứng yêu cầu của hầu như tất cả các chủ tàu trên thế giới, vì họ được đào tạo, huấn luyện và cấp “Giấy chứng nhận” theo tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên 1978 sửa đổi 2010 (STCW78/2010). Tuy nhiên, hiện nay trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, thuyền viên Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với nhiều “đối thủ” hơn. Mặt khác, thuyền viên xuất khẩu của Việt Nam kém lợi thế trong cạnh tranh do chất lượng còn thấp, chưa có thương hiệu. Chính những điều đó khiến cho trong suốt một thời gian dài số lượng thuyền viên xuất khẩu hàng năm của Việt Nam rất nhỏ, chưa tương xứng với tiền năng vốn có.

- Đội ngũ thuyền viên Việt Nam đã có những bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu, nhanh và bền vững:

+ Số lượng thuyền viên có thể xuất khẩu được còn hạn chế. Sự phân bố lực lượng thuyền viên xuất khẩu không đồng đều trong phạm vi cả nước. Thuyền viên xuất khẩu tập trung chủ yếu ở những tỉnh phía Bắc (từ Hà Tĩnh trở ra), nhất là các tỉnh duyên hải Bắc bộ;

+ Có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng trong chính đội ngũ thuyền viên, sự khác biệt không chỉ thể hiện ở trình độ chuyên môn được đào tạo mà còn thể hiện ở kỹ năng, ý thức và thái độ làm việc;

+ Chưa có sự ổn định về đội ngũ thuyền viên trong các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên;

+ Chất lượng thuyền viên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Thuyền viên chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho vị trí chức danh mà mình đảm nhận trên tàu.

- Công tác đào tạo, huấn luyện hàng hải hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của chủ tàu nước ngoài, chưa theo kịp trình độ của các nước trong khu vực, các nước tiên tiến và sự chuyển biến trong xu hướng hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.

+ Còn khoảng cách không nhỏ giữa những kiến thức do các cơ sở đào tạo, huấn luyện trang bị cho thuyền viên, với đòi hỏi của thực tế công việc trên các tàu biển nước ngoài;

- Công tác quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu còn nhiều hạn chế, bất cập, biểu hiện rõ nhất là:

+ Chưa có đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu chuyên trách, chủ yếu các cán bộ làm việc kiêm nhiệm, nên hiệu quả và hiệu lực quản lý thấp;

+ Thiếu đồng bộ trong quản lí, quy hoạch và phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu;

+ Chưa phát huy được vai trò của các doanh nghiệp thuyền viên trong phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu.

3. NGUYÊN NHÂN CỦA NHỮNG HẠN CHẾ TRONG XUẤT KHẨU THUYỀN VIÊN VIỆT NAM

3.1. Nguyên nhân từ phía các cơ quan quản lý nhà nước

- Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có đường lối chính sách về chiếc lược phát triển quy hoạch vận tải biển Việt Nam, dịch vụ vận tải, phát triển nguồn nhân lực thuyền viên, nhưng các bộ, ban, ngành còn hạn chế trong việc triển khai cụ thể hóa những chủ trương đường lối chính sách đó thành các văn bản dưới luật, tạo động lực cho phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu; chưa có mục tiêu cho công tác xuất khẩu thuyền viên ở cấp quản lý nhà nước đến các cơ sở đào tạo và huấn luyện hàng hải và cũng chính do chưa có mục tiêu, nên các cơ sở đào tạo và huấn luyện hàng hải chưa tiến hành triển khai công tác phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu một cách chủ động và tích cực.

- Chưa có được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan Trung ương, cơ quan quản lý về việc tạo ra nguồn lực lao động cho công tác xuất khẩu thuyền viên.

- Bộ máy quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu chưa đủ mạnh, chưa có bộ phận chuyên trách về công tác phát triển nguồn nhân lực này.

 - Đã có định hướng chung cho công tác đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng thuyền viên, tuy nhiên định hướng cụ thể cho đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng thuyền viên xuất khẩu vẫn chưa có.

- Chưa kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện chưa tốt các văn bản hướng dẫn về chủ trương liên kết đào tạo, bồi dưỡng nhân lực thuyền viên xuất khẩu.

- Chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu, để có cơ sở vững chắc quản lý, phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu. Do thiếu hệ thống cơ sở dữ liệu, nên chưa xây dựng được chiến lược phát triển thuyền viên xuất khẩu với những lộ trình cụ thể. Từ việc chưa xây dựng được chiến lược phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu, nên công tác quy hoạch và quản lý phát triển nguồn nhân lực này gặp nhiều khó khăn.

3.2. Nguyên nhân từ phía các cơ sở đào tạo, huấn luyện hàng hải

Công tác đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng còn nhiều bất cập, nhu cầu đào tạo, huấn luyện thuyền viên xuất khẩu là rất lớn, song hệ thống các cơ sở đào tạo thuyền viên còn chưa đáp ứng được yêu cầu chủ tàu nước ngoài.

- Nguyên nhân chính dẫn đến số lượng thuyền viên xuất khẩu hạn chế, cũng là thách thức lớn nhất trong công tác phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu, đó là chất lượng thuyền viên của Việt Nam còn thấp, tính chuyên nghiệp không cao, dẫn đến năng lực cạnh kém. Công tác đào tạo, huấn luyện hàng hải hiện nay chưa phù hợp, chất lượng đào tạo còn hạn chế, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu của các chủ tàu, chưa theo kịp trình độ của các nước trong khu vực, các nước tiên tiến trên thế giới và sự chuyển biến trong xu hướng phát triển của ngành Hàng hải, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa. Chất lượng đào tạo tại các cơ sở hàng hải là không đồng đều, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như: Chất lượng sinh viên nhập học là khá khác biệt; cơ sở vật chất không đồng bộ; đội ngũ giảng dạy còn nhiều chênh lệch; công tác quản lý sinh viên có sự khác biệt rất lớn giữa các cơ sở; tính liên thông giữa các cấp học bậc học của chương trình và giáo trình đào tạo hàng hải… dẫn đến tình trạng rất bất cập cho công tác huấn luyện sinh viên sau khi tốt nghiệp trở thành thuyền viên. Chính vì thế, các trung tâm huấn luyện thuyền viên luôn phải huấn luyện một đội ngũ học viên không đều đồng về nhiều mặt. Đồng nghĩa với việc này là chất lượng huấn luyện thuyền viên sẽ không đạt được những điều mà những người giảng dạy, các nhà quản lý cũng như các chủ tàu mong muốn. Hơn nữa, ngành Vận tải biển với xu hướng công nghệ mới, như công nghệ định vị, các tiêu chuẩn về an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường biển ngày một cao hơn, đòi hỏi thuyền viên phải có trình độ và kỹ năng ngày một cao hơn [5]. Cạnh tranh thị trường vận tải biển sẽ diễn ra gay gắt hơn, với nhiều “đối thủ” hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn.

- Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng.

- Chất lượng và năng lực đào tạo huấn luyện thuyền viên giữa các cơ sở có một khoảng cách nhất định.   

- Cơ sở vật chất kỹ thuật của nhiều cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên còn nghèo nàn, hạn chế, chắp vá; chỉ có phòng học lý thuyết là chủ yếu, có rất ít các phòng thực hành chuyên biệt, các phòng mô phỏng hiện đại, tàu huấn luyện - một trong những cơ sở quan trọng để thực hành các kỹ năng nghề cần thiết.

- Năng lực đào tạo của một số cơ sở đào tạo, huấn luyện thuyền viên còn hạn chế. Lực lượng giáo viên cơ hữu của một số cơ sở đào tạo, huấn luyện hàng hải ít, không những vậy, số giáo viên tuổi đã cao chiếm tỷ lệ tương đối lớn, số giáo viên còn lại thì lại quá trẻ; chất lượng của đội ngũ giảng viên, giáo viên không đồng đều, phương pháp giảng dạy còn dùng nhiều đến biện pháp dạy chay, nặng về lý thuyết và những vấn đề hàn lâm.

- Chưa có chương trình, giáo trình thống nhất phục vụ cho giảng dạy ở tất cả các cấp độ, một số cơ sở lại giảng dạy theo những chương trình, giáo trình không phải là tốt nhất, đạt tiêu chuẩn quốc tế, mà đơn giản là họ chỉ có thể tiếp cận và sử dụng những chương trình, giáo trình đó.

- Còn khoảng cách không nhỏ giữa những kiến thức do các cơ sở đào tạo, huấn luyện hàng hải trang bị cho người học với đòi hỏi thực tế của các công việc trên tàu biển, nhất là các đội tàu biển được sở hữu quản lý bởi chủ tàu nước ngoài.

- Chưa lấy sự chấp nhận (thỏa mãn) của khách hàng, đặc biệt khách hàng là những chủ tàu nước ngoài làm thước đo chất lượng đào tạo. Sau khi học viên đã được cấp “Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn“, thì cần đảm bảo rằng, năng lực của họ phải tương xứng, đồng thời thỏa mãn yêu cầu của chủ tàu.

3.3. Nguyên nhân từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên

- Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên hoạt động xuất khẩu với hình thức môi giới tự do. Các doanh nghiệp tự đi gom thuyền viên, tuy nhiên số lượng (chưa nói đến chất lượng) không được nhiều, trong khi đó mỗi một đơn hàng của chủ tàu nước ngoài thường có yêu cầu lớn về số lượng (nhiều thuyền bộ), do đặc thù khác biệt so với Việt Nam (ở Việt Nam, có rất nhiều chủ tàu chỉ có sở hữu duy nhất 1 tàu).

- Các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên, các trung tâm cung ứng thuyền viên chưa phát huy được vai trò, các doanh nghiệp chưa tham gia tích cực vào công tác giáo dục đào tạo và huấn luyện thuyền viên. Các doanh nghiệp thuyền viên, họ đang rất cần những thuyền viên có chất lượng tốt để cung ứng cho đối tác là các chủ tàu hay người khai thác tàu nước ngoài, họ có thể kí được những hợp đồng cung ứng thuyền viên cho các đối tác nước ngoài với số lượng lớn, nhưng các doanh nghiệp lại không tuyển dụng được đủ lực lượng lao động này. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển thuyền viên xuất khẩu chủ yếu phó mặc cho các cơ sở đào tạo hàng hải. Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên, chưa có chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho mình kể cả trong dài hạn và ngắn hạn; sự phối kết hợp của các chủ thể phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu còn yếu.

- Các bên liên quan đến chuỗi hoạt động xuất khẩu thuyền viên, bao gồm cơ sở đào tạo hàng hải, các trung tâm huấn luyện thuyền viên và các doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên chưa tìm được tiếng nói chung và chưa phát huy vai trò của mình.

- Có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên, nhất là những doanh nghiệp nhỏ lẻ, chỉ chú trọng đến lợi nhuận nhỏ trước mắt, mà chưa có định hướng lâu dài. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính, vì sao Việt Nam có rất ít doanh nghiệp xuất khẩu được số lượng lớn thuyền viên.

- Thiếu sự đầu tư để đào tạo, đào tạo lại thuyền viên cho mục đích xuất khẩu.

3.4. Nguyên nhân từ phía thuyền viên Việt Nam

- Lực lượng thuyền viên Việt Nam có trình độ văn hoá và chuyên môn không đồng đều, hạn chế về nhiều mặt, nhất là về ngoại ngữ, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, tỷ lệ thuyền viên sử dụng thành thạo ngoại ngữ còn rất thấp. Thiếu các kỹ năng phụ liên quan đến công việc như kiến thức về tâm lí, kỹ năng giao tiếp, khả năng xử lí tình huống...

- Ý thức và sự hiểu biết về nghề nghiệp cũng như môi trường làm việc còn kém. Bản thân còn hạn chế, nhưng không có ý thức tìm hiểu, học hỏi, phấn đấu.

- Số người học đã xác định được mục tiêu, cố gắng phấn đấu học tập và đã thỏa mãn được yêu cầu của chủ tàu nước ngoài, trong đó có những người âm thầm tự học để mong muốn được đi xuất khẩu, nhưng việc đến với doanh nghiệp xuất khẩu thuyền viên còn gặp nhiều trở ngại. Khi đã có định hướng của các cấp quản lý, người học có mục tiêu phấn đấu và xác định được mục tiêu thì việc thỏa mãn yêu cầu của các chủ tàu nước ngoài là không khó.

- Thiếu sự gắn bó giữa thuyền viên với doanh nghiệp. Tỷ lệ thuyền viên chuyển từ doanh nghiệp hay trung tâm này đến doanh nghiệp hay trung tâm khác hoặc chuyển ra khỏi ngành có xu hướng tăng hoặc khó kiểm soát, khiến cho biến động thuyền viên diễn ra thường xuyên, dẫn đến việc quản lý thêm phần khó khăn, vì tư tưởng không ổn định của thuyền viên.

- Chất lượng của thuyền viên Việt Nam còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Chưa đem lại niềm tin chiến lược cho các chủ tàu nước ngoài.

- Nhiều thuyền viên còn mang nặng tư tưởng đi làm kiếm tiền trước mắt mà không chú ý đến đầu tư cho ngành nghề lâu dài. Họ rất quan tâm và mong muốn có thu nhập cao, được lựa chọn tàu và tuyến chạy tàu, nhưng lại không chịu chú ý nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kiến thức pháp luật, những yêu cầu đòi hỏi của chủ tàu đối với từng chức danh và tập quán của nước mà tàu ghé đến, trong khi thị trường hàng hải quốc tế ngày càng đòi hỏi khắt khe về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường [5].

- Hiện nay tại Việt Nam, vẫn chưa có hiệp hội thuyền viên xuất khẩu, chính vì vậy chưa có tiếng nói của hiệp hội trong các hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thuyền viên xuất khẩu.

4. KẾT LUẬN

Việc phân tích, đánh giá thực trạng đội ngũ thuyền viên xuất khẩu chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân dẫn đến việc Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua xuất khẩu lượng thuyền viên rất nhỏ, là một trong những cơ sở khoa học và thực tiễn để nghiên cứu, đề xuất và thực thi các giải pháp khoa học, đồng bộ, cụ thể và mang tính đột phá, nhằm phát triển nguồn nhân lực thuyền viên Việt Nam xuất khẩu ngày càng lớn mạnh và bền vững, đáp ứng yêu cầu của các chủ tàu quốc tế.

Bài báo đã tập trung vào việc phân tích, nêu ra những hạn chế và nguyên nhân trong công tác xuất khẩu thuyền viên của Việt Nam trong suốt một thời gian dài, dẫn đến lượng thuyền viên Việt Nam xuất khẩu quá ít. o

Tài liệu tham khảo

[1]. Japan Internatinal Transport Institute and The Nippon Foundation (May 2010), Future Global Supply and Demand for Seafarers and Possible Measures to Facilitate Stakeholders to Secure a Quantity of Quality Seafarers.

[2]. Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước.

[3]. Nguồn: Tổng cục Thống kê Việt Nam.

[4]. https://www.bimco.org/.

[5]. Lloyd’s Register, QinetiQ and University of Southampton, August 2015, Global Marine Technology Trends 2030, First Printed.

Ý kiến của bạn

Bình luận