Những gam màu sáng trên bức tranh giao thông Thủ đô

Tác giả: Minh quốc

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 05/02/2019 08:12

Bức tranh tổng thể giao thông Thủ đô Hà Nội năm 2018 có nhiều điểm sáng khi tình hình TTATGT được bảo đảm với nhiều chuyển biến tích cực. TNGT đường bộ, đường sắt giảm trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương). Theo số liệu thống kê, trong năm 2018 toàn Thành phố xảy ra 1.361 vụ, làm 549 người chết, 922 người bị thương; so với năm 2017 giảm 105 vụ (-7,1%), giảm 37 người chết (-6,3%) và giảm 204 người bị thương (-18,1%).

 

New Bitmap Image
Lễ ra quân Năm ATGT 2019 và đợt cao điểm bảo đảm TTATGT. Ảnh Vũ Thành

 Những tín hiệu tốt

Theo đánh giá, công tác quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT trên địa bàn Hà Nội năm 2018 tiếp tục được tăng cường. Các vi phạm về TTATGT, trật tự đô thị, vi phạm tại các điểm trông giữ phương tiện, vi phạm trong lĩnh vực vận tải… tiếp tục được xử lý nghiêm minh, kịp thời. Các lực lượng chức năng tổ chức giao thông phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết và các sự kiện chính trị quan trọng trên địa bàn Thủ đô.Theo đó, các lực lượng chức năng của Thành phố đã đặt trọng tâm vào công tác chỉ huy, hướng dẫn điều khiển giao thông trên 352 điểm giao thông phức tạp, bảo đảm giao thông thông suốt, giảm số điểm, số giờ UTGT trên các tuyến phố nội đô.

Cụ thể hóa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức bảo đảm ATGT đường sắt, Phòng CSGT Hà Nội đã tổ chức 12 cụm loa tuyên truyền tại các giao lộ đường sắt..., nhờ đó đã giảm cả 3 tiêu chí về TNGT đường sắt.

Thông qua hệ thống camera quan sát giao thông, Phòng CSGT đã xử lý hơn 6.000 trường hợp vi phạm, gửi hơn 10.000 thông báo cho người vi phạm, trích xuất hàng trăm lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra TNGT và góp phần phát hiện nhiều đối tượng tội phạm. Những giải pháp đồng bộ kể trên đã góp phần kéo giảm TNGT, UTGT, bảo đảm TTATGT toàn Thành phố.

Cùng với đó, các lực lượng TTGT, thanh niên tình nguyện, các tổ chức đoàn thể và các địa phương đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường tuần tra kiểm soát, điều tiết giao thông, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, bảo đảm đường thông hè thoáng…

Tuy nhiên, trong khi công tác bảo đảm TTATGT tại nội đô được bảo đảm ổn định thì tại các vùng ngoại thành, số vụ TNGT và số người thương vong chưa giảm. Nguyên nhân số vụ TNGT tập trung ở ngoại thành là do ý thức chấp hành luật pháp về giao thông của một bộ phận người dân còn yếu như: Nhiều phương tiện vượt đèn đỏ, sang đường không bật đèn tín hiệu, đi sai làn đường, chở quá số người quy định…

Đặc biệt, những tháng cuối năm khi lưu lượng giao thông gia tăng, nhu cầu đi lại lớn thì công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về TTATGT; xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT; xử phạt nguội qua hệ thống camera giám sát giao thông... càng được tăng cường.

Quyết liệt và đồng bộ các giải pháp

Trao đổi với PV, Thượng tá Đinh Thanh Thảo - Phó Trưởng phòng CSGT (Công an TP. Hà Nội) cho biết, để công tác đảm bảo TTATGT đạt hiệu quả cao cần có nhiều biện pháp tổng hợp. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý sai phạm và tiếp tục theo hướng tổ chức giao thông một cách hợp lý, khoa học.

“Theo kế hoạch, từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, quân số của CSGT Thủ đô luôn sẵn sàng tăng cường 100% lực lượng đảm bảo tổ chức, hướng dẫn giao thông tại hơn 300 nút giao thông trọng điểm toàn Thành phố. Cùng với sự hỗ trợ của khoảng 400 camera giám sát giao thông được gắn khắp các ngả đường sẽ kịp thời phát hiện các “điểm đen” ùn tắc để sẵn sàng phương án xử lý; tập trung vào công tác đưa công nhân và người lao động tại cửa ngõ Thủ đô về nghỉ Tết; bảo vệ các điểm bắn pháo hoa toàn Thành phố; tổ chức các lực lượng chống đua xe sau giao thừa; bố trí lực lượng phục vụ nhân dân mùa lễ hội; ngày mùng 5 Tết Âm lịch tổ chức ra quân đón nhân dân về Thủ đô làm việc trở lại...“, Thượng tá Thảo cho biết thêm.

Dự báo dịp cuối năm, lượng khách tại các bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm đi các tỉnh sẽ rất đông, gây áp lực lớn lên giao thông Thủ đô. Để bảo đảm tốt nhất ATGT tại các khu vực này, lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thành lập các tổ “đặc nhiệm” phối hợp với lực lượng CSGT vừa tuần tra hóa trang, vừa tuần tra công khai, tập trung tại các vị trí quanh khu vực bến xe, gần các trung tâm, nhà chờ xe buýt nơi tập trung đông người, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Ông Trần Nhật Quang - Chánh TTGT (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, nhằm đảm bảo TTATGT trong thời gian trước, trong và sau Tết, ngoài việc đảm bảo TTATGT tại các cửa ngõ vào trung tâm thành phố, khu vực các bến xe, Thanh tra Sở sẽ bố trí các tổ công tác sử dụng loa lắp trên xe ô tô công vụ thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở các phương tiện xe ô tô khách đi chậm trên các tuyến đường xe khách hoạt động thuộc địa bàn quản lý để đảm bảo TTATGT. Đồng thời, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vận tải hành khách vi phạm như: Chạy sai hành trình vận tải; dừng, đỗ, đón, trả khách sai quy định tại khu vực bến xe và các tuyến đường phụ cận bến xe.

Mặc dù công tác bảo đảm TTATGT còn nhiều khó khăn do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao, hạ tầng giao thông tại nhiều tuyến đường chưa bảo đảm… song các lực lượng chức năng TP. Hà Nội luôn thể hiện rõ quyết tâm, hoàn thành mục tiêu kiềm chế giảm từ 5 - 10% TNGT đường bộ, đường sắt trên cả 3 tiêu chí so với năm 2018; giảm tối thiểu 5% TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến đường sắt, đường thủy nội địa, xe ô tô kinh doanh vận tải; hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc mới và không để xảy ra UTGT kéo dài trên 30 phút; thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng và hoàn thành việc cải tạo, sửa chữa, lắp đặt mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 27 nút giao thông thuộc danh mục chương trình mục tiêu giảm UTGT và 30 danh mục cải tạo, sửa chữa đảm bảo ATGT năm 2019

Ý kiến của bạn

Bình luận