Những dòng sông nhựa từ châu Á đang phá hủy đại dương như thế nào?

Tác giả: cafebiz

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 12/11/2018 15:36

Các nước thành viên ASEAN là một trong những nguồn ô nhiễm nhựa lớn nhất trên thế giới.

photo-1-15419845877801066545116-crop-1541984674450


Hơn ½ chất thải nhựa ở đại dương đến từ 5 quốc gia châu Á: Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc, theo báo cáo năm 2017 của Ocean Conservancy và Trung tâm Kinh doanh và Môi trường McKinsey.

Mỗi năm 8 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương và tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Một báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới ước tính rằng sẽ có nhiều nhựa hơn cá trong đại dương (tính theo trọng lượng) vào năm 2050, trừ khi chúng ta thay đổi hành vi của mình.

 Những dòng sông nhựa

Phần lớn nguyên nhân ô nhiễm xuất phát từ các con sông mang rác thải nhựa chưa được xử lý ra đại dương. Một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học tới từ Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz cho thấy 90% rác thải nhựa ở đại dương có nguồn gốc từ 10 con sông, 8 trong số đó thuộc châu Á.

Các tuyến đường thủy chính của khu vực này có hệ thống quản lý rác thải chất lượng kém hoặc đôi khi không tồn tại. Chất thải không được thu gom bị đổ ra sông và sau đó chảy ra biển.

 Dù các nỗ lực dọn dẹp rất đáng được hoan nghênh, nhặt rác thải trôi dạt vào bờ biển chỉ đang giải quyết hậu quả chứ không phải nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Để chống lại sự gia tăng ô nhiễm đại dương, chúng ta cần phải thay đổi vai trò trung tâm của nhựa trong đời sống hằng ngày.

Chính phủ trên khắp châu Á đang nhận thức được chi phí sinh thái và tài chính quá lớn của các con sông và đại dương bị ô nhiễm. Trung Quốc, quốc gia sản xuất rác thải nhựa lớn nhất thế giới, đã bắt đầu giải quyết vấn đề này. Ngoài cấm nhập khẩu rác, Trung Quốc cam kết sẽ đạt tỷ lệ tái chế 35% ở 46 thành phố vào năm 2020.

Ấn Độ muốn loại bỏ hoàn toàn tất cả nhựa sử dụng một lần trong nước vào năm 2022, và đã áp dụng ngay lập tức lệnh cấm này ở Delhi. Các quốc gia khác như Bangladesh đã cấm sử dụng túi nilong, dù chất lượng quá trình thực thi không đồng đều.

Giải quyết tận gốc vấn đề

photo-1-15419846058481897898670


Buộc tội người tiêu dùng vì sử dụng quá nhiều rác thải nhựa giống như việc đổ lỗi cho các chủ xe vì tình trạng tắc nghẽn giao thông. Nếu sản xuất giảm thì có ít nhựa để con người sử dụng hơn. Chính sách của chính phủ có thể hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa của người tiêu dùng cũng như điều chỉnh hành vi của các nhà sản xuất. Ví dụ, áp đặt thuế và giới hạn về số lượng và loại nhựa được sản xuất có thể là một số cách hiệu quả để giảm thiểu sản phẩm từ nhựa.

 Một cách tiếp cận tiềm năng khác của chính phủ là tạo động lực để các nhà sản xuất phát triển các giải pháp thay thế cho chất liệu nhựa không phân hủy sinh học. Các quy định về xây dựng và quy hoạch đô thị cũng có thể khuyến khích sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường.

Tăng tỷ lệ tái chế và giảm lượng nhựa sử dụng hằng ngày là những bước đi tích cực đầu tiên, nhưng chính sách của chính phủ mới là yếu tố giúp cho quá trình loại bỏ rác thải nhựa trở nên thực sự hiệu quả.

photo-1-1541984617188681333202


Ví dụ, chính phủ có thể nâng cao nhận thức của cộng đồng về những vấn đề mà rác thải nhựa gây ra và cung cấp các giải pháp thay thế vứt rác thải ra sông bằng các hệ thống thu gom và quản lý chất thải khả thi.

Tất nhiên, xây dựng và cấp vốn cho hệ thống thu gom rác thải hiệu quả không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Các dự án dựa vào cộng đồng ở một số nơi như Malaysia, cũng như các mối quan hệ hợp tác giữa nhà nước và tư nhân đã được thành công nhất định.

Một giải pháp được đưa ra là các chính phủ trả phí tái chế cho các công ty tư nhân để họ thu gom rác thải nhựa, đồng thời ban hành các ưu đãi cho hoạt động chuyển đổi lượng rác thải này thành hàng hóa tái sử dụng để bán.

Xây dựng một tương lai bền vững

 Đổi mới đóng vai trò trung tâm trong quá trình tạo ra các vật liệu thay thế cho nhựa, phát triển các giải pháp dựa trên nền kinh tế tuần hoàn, cũng như tìm kiếm mục đích sử dụng khác cho lượng chất thải khổng lồ đang tồn tại.

Các công ty tư nhân đã phát triển các lựa chọn thay thế cho bao bì nhựa, có thể phân hủy nhanh chóng. Một công ty của Anh đã đưa ý tưởng này lên một tầm cao mới: sản xuất ra bao bì có thể ăn được. Tương tự, một công ty startup ở Indonesia đã sản xuất bao bì thực phẩm bằng rong biển cũng có thể ăn được. Hàng loạt các sáng kiến quy mô nhỏ được ra đời mỗi năm, một số có thể được mở rộng để đáp ứng nhu cầu trên diện rộng.

Các dự án khác nhắm tới khai thác nguồn phế liệu nhựa dồi dào, giá rẻ. Ở những vùng nông thôn ở Ấn Độ, công nhân đã xây dựng hơn 34.000 km đường từ chất thải nhựa. Nhựa có thể chịu được nhiệt độ cao của quốc gia này, nên mỗi cây số tiết kiệm được 8% chi phí so với đường thông thường.

Các dự án xây dựng đường xá này tạo việc làm cho người dân địa phương. Họ được trả tiền để nhặt rác thải nhựa từ đại dương và trên đất liền. Một số doanh nghiệp tư nhân nghiền rác thải nhựa với quy mô nhỏ cũng mọc lên như nấm ở địa phương.

Khi dân số và quá trình công nghiệp hóa tiếp tục tăng trưởng trên khắp châu Á, nhu cầu tiêu dùng gia tăng gây áp lực lớn lên hệ sinh thái mong manh của châu lục này. Tìm ra các giải pháp để giảm rác thải nhựa, quản lý nó một cách có trách nhiệm và khuyến khích tạo ra các lựa chọn thay thế khả thi sẽ là chìa khóa cho tương lai bền vững của châu Á.

Ý kiến của bạn

Bình luận