Nhọc nhằn nghề lái tàu: "Cuộc chiến" trong buồng lái

Xã hội 10/11/2016 16:29

Sự không đồng bộ về hạ tầng của cả đường sắt lẫn đường bộ là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT đường sắt hiện nay.

 

Nhọc nhằn nghề lái tàu
Cung đường sắt Bắc -Nam từ ga Phủ Lý về ga Hà Nội là cung đường khiến cho các lái tàu căng thẳng nhất.

Sau vụ tai nạn nghiêm trọng giữa tàu hỏa và xe hu vực đường ngang dân sinh tại Thường Tín, Hà Nội vừa qua làm 6 người chết, 1 người bị thương một lần nữa cho thấy đa số các vụ tai nạn giao thông đường sắt là do ý thức của người tham gia giao thông quá kém, không tuân thủ những quy định về an toàn giao thông khi băng qua đường sắt. Bên cạnh đó còn là sự không đồng bộ về hạ tầng của cả đường sắt lẫn đường bộ hiện nay.

Ám ảnh nghề lái tàu

Lâu nay, với cánh lái tàu Thống Nhất Bắc – Nam thì đoạn đường sắt từ Ga Phủ Lý về Ga Hà Nội luôn thực sự là khó khăn cho người lái tàu, vì có quá nhiều đường ngang dân sinh, đặc biệt là tình trạng những người dân băng ngang qua đường sắt.

Anh Đào Nguyên Ngọc, lái tàu Thống Nhất thuộc Xí nghiệp đầu máy xe lửa Hà Nội từng đâm vào ôtô đi ăn hỏi làm 9 người chết tại địa phận huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội tháng 11 năn 2009 cho biết, khi nghe tin tàu SE2 đâm phải ôtô sáng sớm hôm đó, những hình ảnh về vụ tai nạn giao thông năm trước lại hiện về trong anh.

Mấy năm sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy, đến giờ anh Ngọc vẫn luôn bị ám ảnh bởi ánh nhìn cuối cùng của những thanh niên bê tráp, người già và cả trẻ con. Do căng thẳng, suy nghĩ nhiều, anh phải xin nghỉ một thời gian và phải mấy tháng sau anh mới ổn định lại tinh thần để tiếp tục chạy tàu.

Anh Đào Nguyên Ngọc kể lại: “Thật ra chỉ muốn quên nỗi ám ảnh ấy đi, không muốn nhớ lại. Lúc ấy, khi phát hiện ra thì tôi đã hãm phanh khẩn cấp, nhưng do khoảng cách quá gần, ta luy đường sắt và đường bộ thì cao mà lái xe thì cố tình vượt nên dù có biết là tai nạn cũng không thể nào kịp nữa…”.

“Đoạn đường đó cho phép tàu chạy tốc độ 80 km nhưng hôm đó đoạn này tôi chỉ chạy có 60 km thôi, chứ hôm đó mà chạy đúng tốc độ thì không biết hậu qủa sẽ đi đến đâu nữa…”, anh Ngọc nhớ lại.

Giờ với anh, mỗi khi bước chân vào buồng lái tàu chỉ mong muốn: “được bình an trên mỗi chuyến tàu, mong mỗi người tham gia giao thông nên có ý thức, trước khi qua đường sắt cần quan sát thật kỹ để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người…”

2 Nhọc nhằn nghề lái tàu
Trong nhiều trường hợp bất khả kháng lái tàu biết là sẽ đâm nhưng cũng bất lực vì khoảng cách quá gần.

Anh Lưu Quang Khải cũng thuộc Xí nghiệp Đầu máy xe lửa Hà Nội, người có 20 năm kinh nghiệm lái tàu Bắc – Nam cho biết, chứng kiến nhiều vụ tai nạn thảm khốc mà không thể nào xử lý được.

“Tôi khẳng định và lấy tính mạng ra đặt cược, với tốc độ chạy tàu như vậy thì cũng…chịu, không thể làm gì được.”, anh Khải chua chát nói.

Theo anh Khải, làm nghề lái tàu ngày nào thì mong muốn là làm sao tách đường sắt khỏi đường bộ, để cho đường sắt phải là đường độc đạo theo đúng nghĩa của nó.

“Đặc thù của ngành đường sắt là tính chủ động để dừng tàu là rất hạn chế, vì động năng của đoàn tàu là rất lớn và cự ky hãm tàu thì dài. Bên cạnh đó cũng mong các ngành các cấp quan tâm đến hành lang an toàn giao thông đường sắt và người tham gia giao thông cũng phải có ý thức chấp hành…”, anh Khải nói thêm.

Trên chuyến tàu SE8 từ Phủ Lý về ga Hà Nội, anh Ngô Sỹ Thành, thuộc Xí nghiệp đầu máy toa xe Hà Nội, lái tàu SE8, tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi xảy ra tai nạn đường sắt thì bất cứ vụ nào cũng nguy hiểm và ghê gớm cả, “chết 1 người mình cũng thấy xót xa, nhìn thấy tai nạn  trước mắt mà không thể làm gì được. Cho nên khi đã có tai nạn thì không có vụ nào là nhỏ cả, “cứ xảy ra là kinh luôn”.

Áp lực thời gian…

Theo anh Thành, nguy hiểm rình rập nhiều như vậy, nhưng tốc độ chạy tàu vẫn phải đảm bảo là: 70km/h ở đoạn đường ngoại thành, và 60km/h trong khu vực nội thành, đây cũng là áp lực với lái tàu chúng tôi. “Tốc độ này cũng chỉ hạn chế thôi, chứ chẳng may va vào rồi thì... Mình có kịp phanh đâu, người ta đi tự người ta va vào thì chịu…”, anh Thành nói tiếp.

3 Nhọc nhằn nghề lái tàu
Hiện trường vụ tàu hỏa đâm ô tô sáng 24/ ở "cung đường sắt đen" Thường Tín, Hà Nội.

Theo anh Thành, cự ly an toàn đối với đoàn tàu ít nhất là khoảng cách 800m. Mà chạy tàu ở trong khu vực thành phố từ 60 đến 70km/h, trong điều kiện đường ngang dân sinh dày đặc, là rất nguy hiểm. Biết là vậy nhưng đây là theo quy định của ngành đường sắt, vẫn phải đảm bảo hành trình.

“Đồng lương miếng cơm manh áo cũng là ở 1 chuyến tàu, mình thực hiện không đảm bảo chỉ tiêu nhiên liệu không được, tốc độ giờ giấc đều đánh vào đồng lương hết. Tàu chạy phải đúng giờ…”, anh Thành tâm sự.

Ngồi bên cạnh, anh Đinh Duy Thành, phụ lái tàu SE8, tuyến Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh cũng tiếp câu chuyện về chậm giờ. “Tàu mà vì một lý do nào đó không về đến ga đúng giờ. Em là phụ lái cũng bị liên đới và bị phạt. Mình bị áp lực từ 2 phía anh ạ…”

Trò chuyện với lái tàu, theo họ thì nguyên nhân dẫn đến có nhiều vụ TNGT liên quan đến đường sắt là do hiện nay có quá nhiều đường ngang dân sinh do người dân tự mở, tạo thành nhiều giao cắt với đường ray tàu nên dễ gây nguy hiểm cho các đoàn tàu Bắc - Nam.

Mong muốn lớn nhất của lái tàu Bắc – Nam là đoạn nào qua khu dân cư thì sớm xây được đường gom, có gác chắn để đảm bảo an toàn và sớm nâng cấp đường tàu lên khổ tiêu chuẩn 1435mm…

4 Nhọc nhằn nghề lái tàu
Mong tất cả các chuyến tàu đều là những chuyến tàu vui cho cả lái tàu và hành khách.

Trải qua hơn 1700 km xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, chuyến tàu mà anh Thành lái đã về đến ga Hà Nội an toàn, nhưng bị chậm 5 phút so với quy định, với kết quả này, cả lái chính và lái phụ đều bị trừ 40% lương của 2 ngày công chạy tàu.

Tuy nhiên cả lái chính và lái phụ vẫn cảm thấy may mắn, vì điều quan trọng với họ là chuyến tàu đã về đích an toàn, không gặp phải rủi ro nào trên đường…/.

Ý kiến của bạn

Bình luận