Nhiều vướng mắc cản trở thu phí tự động không dừng

Tác giả: Lê Minh - Cao Tuân

saosaosaosaosao
Giao thông 24h 01/10/2019 13:55

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, chậm nhất tới ngày 31/12/2019, tất cả trạm thu phí BOT phải áp dụng công nghệ thu phí tự động không dừng (ETC). Một trong những nỗ lực của Bộ GTVT và Tổng cục ĐBVN thời gian qua là yêu cầu các trạm thu phí BOT trên toàn quốc phải lắp đặt làn thu phí tự động không dừng (E-tag). Tuy nhiên, tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Vậy đâu là nguyên do?

 

Nhan vien dan the dien tu VETC

Có dán thẻ hay không thì vẫn phải dừng

Theo phản ánh của nhiều tài xế, hiện nay khi đi trên mỗi tuyến đường của chủ đầu tư khác nhau, có trạm có thu phí không dừng, có trạm không, cho nên có dán thẻ hay không thì vẫn cứ phải dừng. “Rất nhiều tài xế chưa biết việc thu, mua phí, trả phí như thế nào để sử dụng dịch vụ trạm thu phí không dừng. Bản thân xe của tôi cũng đã dán thẻ E-tag, tưởng tiện lợi nhưng không hẳn vì đa số trạm tôi đi qua đều phải trả tiền mặt chứ không chấp nhận việc trả tiền qua thẻ”, tài xế Trịnh Khắc Tài chạy xe khách tuyến Hà Nội - Nghệ An cho hay.

Để kiểm chứng điều này, thời điểm ngày 03/9 khi PV Tạp chí GTVT đi qua làn thu phí tự động không dừng tại trạm BOT Hoàng Mai, Bến Thủy (tỉnh Nghệ An) vẫn có nhân viên thu tiền, phát vé, sau đó barie mới nâng lên cho xe qua. Khi thắc mắc về việc này, nhân viên thu phí chỉ trả lời rằng “do hệ thống chưa hoàn thiện”. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều trạm thu phí khác.

Thừa nhận thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra về số lượng phương tiện tham gia dịch vụ. Đến nay, mới có khoảng trên 700.000 phương tiện trong tổng số trên 3 triệu ô tô trong cả nước dán thẻ E-tag. Bên cạnh đó, do hệ thống thu phí tự động không dừng áp dụng công nghệ mới, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư nên rất phức tạp, liên quan đến lợi ích của nhiều chủ thể.

FB_IMG_1568335323065

Anh Lê Thành Hưng (trú tại quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, trong kỳ đăng kiểm vào cuối tháng 02/2019, ô tô của anh đã dán thẻ thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, từ đó tới nay anh chưa nộp tiền để sử dụng thu phí tự động không dừng vì còn nhiều băn khoăn. Anh Hưng tâm sự: “Muốn sử dụng thẻ thu phí tự động phải chuyển tiền vào tài khoản giao thông chỉ phục vụ trả phí, như vậy vừa lằng nhằng, vừa thiệt thòi cho chủ xe”. “Với những phương tiện đã mua vé tháng nếu dán thẻ E-tag có bị trừ từng lượt qua trạm hay không?”, anh Hưng đặt câu hỏi.

Đề cập việc dự án thu phí tự động không dừng bị chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chủ xe muốn sử dụng thu phí không dừng phải nộp trước một khoản tiền vào tài khoản giao thông, mà tài khoản này chưa thể tích hợp với tài khoản ngân hàng. Trong khi tiền trong tài khoản giao thông không được tính lãi, thậm chí chưa sử dụng dịch vụ đã phải đóng tiền. Vậy với gần 3 triệu xe, số tiền nộp trước sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng, số tiền đó ai hưởng lợi?

Ở một góc nhìn khác, chuyên gia giao thông Đào Việt Long cho rằng, với kiểu thu phí tiền mặt trực tiếp như hiện nay có thể xảy ra tình trạng gian dối, thiếu minh bạch tài chính của nhân viên thu vé hoặc gian lận khi chuyển từ nhân viên về công ty, từ công ty về ngân hàng… Chỉ khi thu phí không dừng, tiền thu được vào tài khoản ngân hàng thì mới minh bạch được số liệu.

Gỡ rối để cán đích 

FB_IMG_1568335304683

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trong quá trình triển khai, vướng mắc chính liên quan đến việc thanh toán qua tài khoản giao thông không phải là cơ sở pháp lý mà là sự chưa thuận tiện cho người sử dụng trong việc nạp tiền, quản lý số tiền trong tài khoản. Để tháo gỡ vướng mắc trên, tạo thuận tiện cho người sử dụng, Bộ GTVT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng cung cấp tín dụng xây dựng các phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân của các chủ phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ. Đây là vấn đề mới nên gặp phải vướng mắc về mô hình, tính pháp lý, vừa làm vừa hoàn thiện.

Trước đó, ông Tô Nam Toàn - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Tổng cục ĐBVN) cho hay, nguyên nhân dẫn đến tiến độ triển khai hệ thống ETC chưa đạt mong muốn là do năng lực của nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC chưa đáp ứng được và một số nhà đầu tư dự án BOT giao thông không tích cực triển khai. Còn về sự phối hợp của các chủ dự án BOT trong thực hiện ETC, ông Toàn cho biết có nhiều nhà đầu tư BOT tích cực triển khai, nhưng cũng có không ít chủ đầu tư BOT bằng cách này hay cách khác gián tiếp cản trở việc triển khai ETC.

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 12/2015 Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án thu phí tự động không dừng (ETC) giai đoạn 1. Theo đó, các nhà cung cấp hệ thống ETC sẽ đầu tư hệ thống này tại các trạm BOT thông qua việc ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư BOT và hưởng phần chi phí quản lý, tổ chức thu phí. Có 28 trạm BOT trên QL1 và QL14 sẽ được triển khai thu phí ETC. Đến tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định yêu cầu đến ngày 31/12/2018, toàn bộ trạm BOT trên QL1 và QL14 phải áp dụng ETC để tạo thuận lợi trong lưu thông và minh bạch trong thu phí. Sau khi được Bộ GTVT rà soát, bổ sung, giai đoạn 1 được nâng lên tổng cộng 44 trạm phải thực hiện ETC. Tuy nhiên, đến hết năm 2018 chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn ETC được đưa vào vận hành.

Để sớm chuyển sang thực hiện thu phí theo hình thức tự động không dừng, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng theo quy định.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải thực hiện thu phí tự động không dừng

Ý kiến của bạn

Bình luận