Nhiều nước xử phạt nặng lái xe sử dụng rượu bia

Tác giả: Hà Vu

saosaosaosaosao
Xã hội 28/06/2019 15:16

Trên thế giới, nhiều nước áp dụng những hình phạt rất nặng đối với lái xe sử dụng rượu bia.

 

1
Cảnh sát tuần tra thực hiện kiểm tra độ minh mẫn của tài xế ở Hoa Kỳ

Hoa Kỳ

Theo các số liệu thống kê, trung bình một ngày có 29 người chết xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến TNGT. Vì vậy, Chính phủ Hoa Kỳ có chính sách xử phạt rất nghiêm đối với hành vi lái xe có sự ảnh hưởng của cồn (DUI- Driving under influence). Theo luật liên bang, độ tuổi uống rượu hợp pháp từ 21 trở lên, nồng độ cồn trong máu khi tham gia giao thông chỉ được cho phép ở mức dưới 0,08 miligam/01 lít khí thở BAC theo thể tích. Một số bang còn tự áp dụng chính sách nghiêm ngặt hơn như Florida với nồng độ cồn hợp pháp khi lái xe chỉ được dưới 0,02% miligam/01 lít khí thở. Khi nghi ngờ người tham gia giao thông có sử dụng đồ uống có cồn, cảnh sát Hoa Kỳ có quyền dừng xe đối tượng, sử dụng các biện pháp kiểm tra nồng độ cồn và độ minh mẫn. Nếu người lái không qua được các bài kiểm tra trên sẽ phải nộp phạt đến 1.000 USD nếu vi phạm lần đầu và phương tiện giao thông cũng sẽ bị tạm tịch thu. Ngoài khoản tiền phạt, người vi phạm còn phải đóng khoảng 500 USD chi phí thử nồng độ cồn cùng với 500 USD tiền lưu giữ phương tiện. Người vi phạm cũng sẽ bị giam giữ đến 01 tuần đối với lần đầu vi phạm. Dựa trên luật vi phạm ba lần (Three - strikes law), người vi phạm lần hai sẽ bị giam giữ 120 ngày cùng với khoản tiền phạt 15.000 và sẽ bị coi là tội phạm hình sự nếu vi phạm lần 3. Bên cạnh đó, hành vi chống đối kiểm tra cũng sẽ bị cơ quan pháp luật khép vào tội hình sự

Đối với quá trình sở hữu xe, những người vi phạm sẽ bị lưu dữ liệu vào hệ thống thông tin bảo hiểm. Từ đó, các công ty bảo hiểm sẽ đánh giá rủi ro bảo hiểm của người vi phạm, qua đó nâng cao phí bảo hiểm xe bắt buộc đối với những đối tượng này. Thông thường, chi phí đóng bảo hiểm phương tiện của người có lịch sử vi phạm DUI cao hơn người bình thường từ 5 đến 7 lần, khiến cho việc sở hữu xe trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, người vi phạm cũng phải tham gia các khóa học về ATGT bắt buộc. Những người tái phạm tại Mỹ cũng sẽ phải chịu sự đánh giá của các tổ chức tư nhân, khiến cho quá trình xin việc, tuyển dụng của bản thân trở nên khó khăn.

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, tài xế bị kết luận lái xe khi say (DWI - driving while intoxicated) khi nồng độ cồn trong máu ở mức cao hơn hoặc bằng 0,08 miligam/01 lít khí thở có thể sẽ phải đối mặt với án giam giữ tối đa 5 năm cùng với khoản tiền phạt lên đến 8.800 USD. Người điều khiển xe đạp tại Nhật Bản cũng phải chịu những quy định về rượu bia như người lái phương tiện cơ giới. Đối với tài xế lái xe dưới sự ảnh hưởng của cồn (DUI - Driving under influence) với nồng độ lên tới 0,03 miligam/01 lít khí thở, mức phạt tối đa có thể lên tới 4.400 USD hoặc 3 năm giam giữ. Hành khách trên xe của người vi phạm cùng phải chịu trách nhiệm liên đới, bị xử phạt bằng tiền hoặc bị giam giữ. Lái xe không tuân thủ theo yêu cầu của cảnh sát cũng sẽ phải chịu án phạt cao hơn cả mức phạt dành cho lái xe khi say rượu.

Nếu bị cơ quan luật pháp kết luận không có khả năng kiểm soát phương tiện khi say, đi xe vượt quá tốc độ, tài xế sẽ còn phải đối mặt với các hình phạt bổ sung. Đặc biệt, nếu gây ra tai nạn có liên quan, tài xế sẽ bị giam giữ đến 20 năm và nộp phạt 10.000 USD. Giấy phép lái xe cũng sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn.

Australia

2
Tài xế vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông ở Nhật Bản có thể bị giam đến 5 năm

Luật pháp Australia cho phép các sỹ quan cảnh sát dừng bất kỳ tài xế nào và thực hiện kiểm tra hơi thở ngẫu nhiên mà không cần lý do. Rào cản giao thông có thể được thiết lập ở bất cứ vị trí nào (ví dụ, tại các đường dẫn ra khỏi trung tâm, khu dân cư vào tối thứ sáu và thứ bảy và sau các trận bóng đá hoặc các sự kiện lớn khác). Tại những địa điểm trên, tất cả các lái xe tham gia giao thông đều bị bắt buộc tham gia các bài kiểm tra hơi thở. Tài xế tham gia giao thông chỉ được phép có nồng độ cồn dưới 0,05 BAC. Những người vi phạm nồng độ cồn có thể phải đối mặt với án giam giữ lập tức, tước Giấy phép lái xe lên tới nhiều năm. Ngoài ra, để làm lại thủ tục lái xe, tài xế sẽ phải chấp nhận lắp đặt và chi phí cho máy thở vào phương tiện điều khiển trong một khoảng thời gian dựa trên án phạt. Người lái xe phải vượt qua được bài kiểm tra trên thiết bị này mới có thể khởi động được xe, thiết bị kiểm tra cũng được gắn kèm với camera nhằm kiểm tra độ trung thực của người lái.

Danh tính của người vi phạm quy định sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông cũng sẽ được công khai trên các phương tiện truyền thông. Việc chấp hành quy định này là một “cực hình” đối với những tài xế đã một lần vi phạm, điều đó vừa bất tiện, vừa khiến họ luôn phải cân nhắc khi uống rượu bia có lái xe hay không. Hình phạt này có tính giáo dục và răn đe rất cao, hơn cả cách phạt tiền bằng phí và giam giữ.

Singapore

Tại Singapore, Luật Không khoan nhượng (zero-tolerance policy) được áp dụng chặt chẽ dành cho các hành vi sử dụng đồ uống có cồn khi tham gia giao thông. Tài xế bị phát hiện có nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,08% BAC hoặc 0,35 miligam/01 khí thở sẽ nhận mức án phạt lên tới 3.500 USD cùng với nguy cơ bị giam giữ đến 6 tháng chưa tính đến hình phạt bổ sung. Ngoài ra, tài xế sẽ phải tham gia lao động công ích. Đối với tài xế có hành vi tái phạm, hình phạt có thể được gia tăng đến 12 tháng giam giữ. Phí nộp phạt cũng được nâng lên tối đa đến 10.000 SGD.

Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 miligam/01 lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam. Vi phạm lần 3 sẽ khiến tài xế bị tước bằng vĩnh viễn và đối mặt án giam giữ lên đến 3 năm tù. Các mức phạt trên được dựa trên yếu tố độ nguy hiểm khi tham gia giao thông và nồng độ cồn trong máu của tài xế.

Ý kiến của bạn

Bình luận