Nhiều DN Nhật Bản choáng váng vì mức phí cảng biển Hải Phòng

Doanh nghiệp 14/02/2017 09:35

Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (Jetro) cho biết nhiều doanh nghiệp nước này đã bất ngờ vì khoản phí cảng biển tăng quá nhanh và quá cao của Hải Phòng.

 

Doanh nghiệp Nhật 'choáng' vì phí cảng biển ở Hải
Cảng Hải Phòng đảm nhiệm một lượng lớn hàng hóa thông quan của cả nước. Ảnh: Xuân Hoa

Ý kiến nêu trên được đại diện Jetro đưa ra trong cuộc họp chiều 13/2 tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở Hà Nội. Sự kiện được tổ chức sau khi từ đầu năm nay, hàng hóa thông qua các cảng biển tại Hải Phòng phải nộp phí dịch vụ hạ tầng cảng cho thành phố, với mức thấp nhất dành cho một container 20 feet là 250.000 đồng; hàng rời là 2.000-50.000 đồng một tấn. Riêng hàng thuộc diện tạm nhập tái xuất đóng container là 2,2-2,3 triệu đồng một container 20 feet. Các khoản này trước đó chưa từng được thu tại Hải Phòng cũng như các địa phương khác.

Theo đại diện Jetro, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản rất "choáng" với quyết định trên. “Họ không thể tưởng tượng được vì theo thông lệ quốc tế, người ta phải đầu tư trước rồi thu phí sau. Ở trường hợp này, địa phương lại tăng thu phí để lấy tiền mở rộng đường vào cảng", đại diện Jetro nói.

"Chi phí cho bốc dỡ vận chuyển một container 40 feet hiện nay là hơn 4 triệu đồng, nhưng chỉ một đoạn đường từ cao tốc vào cảng đã thu phí dịch vụ hạ tầng là 500.000 đồng. Vì vậy nhà đầu tư Nhật Bản không hiểu điều gì đang diễn ra ở đây”, đại diện doanh nghiệp giải thích thêm. 

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ - Phó tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cho hay từ khi áp dụng quy định mới, thủ tục thông quan, nộp phí tại cảng Hải Phòng được làm rất thủ công, trung bình mất 2-3 giờ. Khoảng gần 20% doanh nghiệp sau khi thực hiện xong thủ tục đều rơi vào cuối giờ chiều, phải thuê kho để lưu hàng đến sáng hôm sau làm tiếp.

“Quyết định thu phí cảng biển của UBND thành phố Hải Phòng đã làm tăng thủ tục hải quan lên ít nhất 0,5 ngày, đi ngược với nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh”, bà Thủy nói. 

Theo số liệu năm 2017 của VPSF, Hải Phòng dự kiến đạt tổng mức thu phí cảng biển khoảng 1.500 tỷ đồng nhưng trên thực tế có thể thu được ít nhất 2.300 tỷ đồng. Hải Phòng tăng thu ngân sách, song nguồn thu ngân sách trung ương sẽ giảm khoảng 20% do lợi nhuận doanh nghiệp giảm, giảm thuế thu nhập khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phát sinh các chi phí hành chính, lưu kho, phạt chậm hàng, vay tiền của ngân hàng... khoảng 15,2 triệu USD một năm để thực hiện thủ tục này. 

Hải Phòng là cảng biến lớn thứ 2 của cả nước, với khoảng 1/3 hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cảng biển này nên có ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đặc biệt, hàng tạm nhập tái xuất sẽ phải chịu phí cao hai lần, một lần ở cảng Hải Phòng, một lần ở cửa khẩu đường bộ. Dẫn đến nguy cơ nhà đầu tư sẽ tính toán “né” Việt Nam và đi đường vòng khoảng 600 km qua Thái Lan để không bị phí chồng phí.

Các hiệp hội doanh nghiệp cho biết đã kiến nghị Thủ tướng dừng việc thu phí cảng biển của Hải Phòng, đồng thời làm rõ kết cấu phí và mức phí hợp lý, tính đúng, tính đủ phí doanh nghiệp phải nộp.

Theo Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công, Bộ Giao thông vận tải đã có cáo báo gửi Văn phòng Chính phủ về việc Hải Phòng thu phí hạ tầng cảng biển. Theo đó, cần phải xem xét việc, công trình hạ tầng cảng biển đó do địa phương bỏ vốn đầu tư xây dựng hay do Nhà nước xây dựng, và việc xây dựng đó chiếm bao nhiêu phần trăm hạ tầng để làm căn cứ định mức thu phí. Nếu hạ tầng đó do Hải Phòng đầu tư thì địa phương hoàn toàn có quyền được thu phí. 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ ngành liên quan đã có báo cáo bằng văn bản, dự kiến Chính phủ sẽ có ý kiến về vấn đề này vào cuối tháng 2.

Ý kiến của bạn

Bình luận