Nhiều bất cập trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang

Ý kiến 22/08/2016 09:06

Đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang được khởi công xây dựng từ năm 2014, theo hình thức hợp đồng BOT. Tuyến đường có chiều dài hơn 45km, bắt đầu từ Gia Lâm (Hà Nội) đến nút giao với quốc lộ 31, đoạn qua xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang).

Nhiều bất cập trên cao tốc Hà Nội - Ba
Xe máy đi vào đường ôtô trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Trong đó, đoạn qua tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 25km, đoạn qua Bắc Giang dài khoảng 20km. Vốn đầu tư xây dựng cả tuyến hơn 4.200 tỷ đồng. Đầu tháng 1-2016, công trình được thông xe kỹ thuật đưa vào sử dụng sớm hơn kế hoạch 6 tháng.

Mới đưa vào khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc được một thời gian ngắn nhưng tuyến đường này đã bộc lộ nhiều bất cập, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Theo chân CBCS Đội TTKS số 2, Phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, cao tốc (Phòng 10), Cục CSGT tuần tra kiểm soát trên tuyến đường trên, chúng tôi mới thấy hết những bất cập về giao thông trên đoạn đường này. Đoạn đường qua tỉnh Bắc Ninh, nhà đầu tư chưa làm đường gom nên xe máy vẫn phải đi trên đường cao tốc.

Trung tá Đoàn Xuân Phúc, Phó Đội trưởng Đội 2 cho biết: “Việc người dân đi xe máy trên đường cao tốc là rất nguy hiểm, vì tốc độ tối đa lên đến 100km/h, trong khi đường dành cho xe máy nhỏ hẹp nên xe máy thường đi sang làn dành cho ôtô, nguy cơ tai nạn rất cao.

Chính vì vậy, hằng ngày chúng tôi thường xuyên dùng loa lưu động để nhắc nhở người dân. Tuy nhiên, nhắc cũng không xuể vì khi Cảnh sát giao thông đi qua, người dân lại đi ra làn ôtô theo thói quen”.

Điều Trung tá Đoàn Thanh Phúc nói đã được chứng minh qua số liệu của Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh, bởi từ khi tuyến quốc lộ này khai thác cao tốc, tai nạn giao thông đã tăng 100% so với trước đó.

Cụ thể, chỉ tính từ ngày 25-5 - 25-6 (thời điểm bắt đầu thu phí), cao tốc BOT Hà Nội - Bắc Giang đã xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, khiến 3 người chết, 13 người bị thương.

So với tháng trước đó, tăng 8 vụ (tương đương 133,3%); tăng 1 người chết (tương đương 50%); tăng 9 người bị thương (tương đương 125%).

Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, nguyên nhân tình trạng trên là xe máy đi chung đường với ôtô khi lưu thông với tốc độ 100km/h dẫn đến nguyên nhân gây ra tai nạn.

Trên tuyến đường này, có tới 7 cầu vượt, điểm giao cắt trực tiếp với đường cao tốc nhưng không có rào chắn, bờ ngăn cản xe máy và người đi bộ, tình trạng xe đưa đón, trả khách thường xuyên diễn ra. Đây cũng là nguyên nhân tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Đoạn qua tỉnh Bắc Giang, mặc dù có đường gom nhưng nhiều đoạn đường chưa thi công xong. Trong đó, hai cầu Như Nguyệt và Xương Giang chưa vào quy mô đường cao tốc. Hai cầu vượt đi quốc lộ 17 và đường tỉnh 293 cũng chưa hoàn thiện.

Khi nhà đầu tư cắm biển đường cao tốc, tổ chức giao thông trên tuyến, CBCS Đội 2, Phòng 10 phải thường xuyên cắm chốt ở đầu cầu Như Nguyệt để hướng dẫn người dân đi xe máy vào đường gom. Đây là vị trí đầu đường gom - vị trí bắt buộc xe máy phải đi vào. Mặc dù lực lượng CSGT hướng dẫn từ xa, nhưng nhiều người vẫn cố tình đi vào.

Điển hình như trường hợp ông Đỗ Văn Nhị (52 tuổi), trú ở Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang. Ông Nhị cho biết, dù thấy CSGT chỉ dẫn đi vào đường trong nhưng do muốn đi trên cao tốc cho nhanh, cũng không biết đường đã bị cấm nên vẫn đi vào.

Qua tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân cho biết, việc cấm xe máy đi vào đường cao tốc là làm khó cho họ, vì lâu nay họ vẫn đi, vừa thuận tiện và nhanh chóng, không bị đi vòng vèo vào đường cụt.

Bị nhắc nhở vì đi vào đường cao tốc, ông Nguyễn Ngọc Mỹ ở xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang phản ánh: “Tưởng đường cao tốc xây dựng xong, việc đi lại sẽ thuận lợi hơn, ai dè chúng tôi bị "ngăn sông, cấm chợ" mất đường. Giờ muốn sang Bắc Ninh, Hà Nội, phải đi lên bờ đê, ra đường tỉnh 295B. Đường đã xa hơn còn lồi lõm, xuống cấp”.

Dẫn chúng tôi đi dọc đường gom đoạn qua tỉnh Bắc Giang, Thiếu tá Ngô Xuân Hùng, Tổ trưởng Tổ 6, Đội 2 cho biết, để vào TP Bắc Giang, đi Lạng Sơn và một số huyện khác, xe máy, xe thô sơ phải đi vào các đường khu dân cư xung quanh.

Hệ thống đường giao thông này chưa hoàn thiện, quanh co, nhiều lối rẽ, chưa được nâng cấp phù hợp với nhu cầu, tổ chức giao thông chưa hoàn chỉnh. Người tại địa phương đi lại đã bất tiện, người nơi khác đến càng khó hơn”.

Mục sở thị đoạn đường khoảng 20km đang làm dở nhưng phương tiện phải lưu thông 2 chiều, đầy ổ gà, trời mưa nước đọng thành ổ trâu, ổ voi chúng tôi không khỏi ái ngại.

Đặc biệt, các hầm chui thấp hơn mặt đường nên chỉ cần có mưa nhỏ, liền biến thành sông, nước ngập ngang bánh xe máy khiến người dân vô cùng khó khăn khi đi qua.

Đặc biệt, khi đến cầu Xương Giang để vào TP Bắc Giang, đường bị “cụt”, nhưng không hề có biển báo hướng dẫn phải đi theo chiều nào, khiến người dân không biết đi đường nào.

Đang ngơ ngác vì giữa trưa không có ai để hỏi đường nên thấy CSGT, nhóm thanh niên đi vào TP Bắc Giang mừng như bắt được vàng. Sau khi tận tình chỉ đường, Thiếu tá Ngô Xuân Hùng cho biết: “Không có cầu nên người dân phải đi vòng vèo rất mất thời gian.

Thậm chí đến biển báo chỉ đường nhà đầu tư cũng không chịu lắp nên người dân đi lại rất khó khăn. Nhất là người ở nơi khác đến, họ không biết phải đi đường nào. Đặc biệt, đoạn đường này có rất nhiều khu công nghiệp nên giờ cao điểm hàng trăm công nhân đổ ra đường, gây ùn tắc.

Nhiều người do không muốn đi đường gom vừa tắc, vừa dằn sóc, lại mất nhiều thời gian đi đường vòng (mất thêm khoảng 15 đến 30 phút) nên đã bất chấp nguy hiểm để đi trên đường cao tốc”.

Chính vì vậy, mong mỏi của người dân trong vùng là  muốn đường gom qua cầu Như Nguyệt và Xương Giang sớm được xây dựng để việc đi lại, giao thông thuận lợi hơn.

Cũng chính vì bất cập như vậy nên tỉnh Bắc Giang cũng đang “kêu cứu” vì tai nạn giao thông tăng 100% so với trước đó. Liên quan đến vấn đề này, Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Bắc Giang đã kiến nghị những bất cập trên đến chủ đầu tư và cơ quan chức năng.

Ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang nói: “Hệ thống đường gom, cầu vượt chưa làm xong mà nhà đầu tư đã cắm biển tổ chức giao thông là chưa hợp lý.

Để khắc phục tình trạng này, Sở đã tham mưu với tỉnh, đề nghị Bộ GTVT tiếp tục cho đầu tư xây dựng hoàn chỉnh tuyến đường này, làm đường gom qua cầu Như Nguyệt và Xương Giang, bảo đảm thông tuyến.

Cùng đó yêu cầu nhà đầu tư, cơ quan chức năng nhanh chóng làm xong đường gom mới tiến hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm trên tuyến”.

Như vậy, rõ ràng từ khi đường Hà Nội – Bắc Giang đưa vào khai thác cao tốc, đối với người dân quanh vùng, lợi chưa thấy đâu nhưng nguy hiểm, bất cập đã rõ. Đề nghị  nhà đầu tư cần sớm làm ngay đường gom, cơ sở hạ tầng cho người dân tham gia giao thông an toàn. Nếu không, hãy tạm dừng việc thu phí như mong mỏi của tất cả những người đang hàng ngày lưu thông trên tuyến đường này.

Ý kiến của bạn

Bình luận