Nhật Bản tấn công ngành công nghệ Hàn Quốc, chiến tranh thương mại cận kề

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Doanh nghiệp 05/07/2019 10:20

Tokyo siết chặt quy định xuất khẩu hóa chất sử dụng trong chip và điện thoại thông minh để tấn công ngành công nghiệp di động Hàn Quốc, theo Anadolu Agency.


photo-1-1562051759503784022141
Ảnh minh họa

Một cuộc chiến thương mại chực chờ bùng nổ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản , trùng với thời điểm hai nước chia sẻ mối quan tâm về quan hệ khó khăn trong lịch sử.

Sau khi Hàn Quốc kiên trì nhấn mạnh sự tàn bạo thời chiến của Nhật Bản, Tokyo hôm thứ Hai (1/7) tuyên bố thắt chặt các quy định về xuất khẩu một số hóa chất được sử dụng trong chip và điện thoại thông minh - một động thái tấn công ngành công nghiệp điện thoại di động của Hàn Quốc.

"Hệ thống kiểm soát xuất khẩu được xây dựng dựa trên mối quan hệ tin cậy quốc tế", Japan Times đưa tin, trích dẫn một tuyên bố của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI).

"Sau đánh giá của các bộ liên quan, phải nói rằng mối quan hệ tin cậy giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, đã bị tổn hại đáng kể", METI nói thêm.

Phản ứng trước động thái này, chính phủ Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc, cho rằng Nhật Bản đã vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Liên hệ hành động đơn phương của Nhật Bản với vấn đề bồi thường lao động ép buộc trong chiến tranh, Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Sung Yun-mo nói với các phóng viên ở Seoul rằng nước này sẽ nộp đơn khiếu nại tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ông cũng tuyên bố kế hoạch đưa Nhật Bản ra tòa án trọng tài quốc tế.

Quan hệ ngoại giao giữa hai nước luôn ở mức thấp nhất sau khi tòa án Hàn Quốc hồi tháng 10 năm ngoái yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân của lao động cưỡng bức. Tokyo đã bác bỏ phán quyết.

Việc xuất khẩu hóa chất bị chậm lại chắc chắn sẽ tấn công thị trường điện thoại thông minh Hàn Quốc, nơi sở hữu những công ty hàng đầu trong khu vực. "Đó là một sự trả đũa kinh tế chống lại phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc về bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến", báo Hàn Yonhap dẫn lời ông Sung nói.

Theo hạn chế mới, các công ty Nhật Bản giao dịch với Hàn Quốc sẽ phải tìm kiếm sự chấp thuận cho từng hợp đồng để xuất khẩu nguyên liệu cụ thể cho khách hàng của họ- các đại gia sản xuất điện thoại di động và TV Hàn Quốc có thể kể đến như Samsung Electronics Co., SK Hynix Inc. và LG Display Co.

Với quy đình mới này, quá trình xuất khẩu sẽ bị kéo dài thêm khoảng 90 ngày.

Nhật Bản, sản xuất khoảng 90% polyimide flo và 70% khí ăn mòn (etching) trên thế giới. Seoul nói rằng động thái mới nhất của Tokyo vi phạm các nỗ lực toàn cầu để tìm kiếm một môi trường thương mại tự do, công bằng và có thể dự đoán được.

Nhật Bản cũng cho biết sẽ bắt đầu quá trình xem xét loại Hàn Quốc ra khỏi "danh sách trắng" gồm 27 nước (phần lớn là các thành viên của NATO) mà nước này sẽ giao thương. Danh sách trắng bao gồm các nước ít bị hạn chế trong việc chuyển giao công nghệ có liên quan đến an ninh quốc gia.

Bộ Thương mại Nhật Bản cho biết mối quan hệ tin tưởng giữa hai quốc gia đã bị tổn hại sâu sắc.

Động thái này diễn ra chỉ hai ngày sau hội nghị thượng đỉnh G-20 được tổ chức tại Nhật Bản, nơi kêu gọi thương mại toàn cầu tự do và công bằng.

Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc (FKI) cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc Nhật Bản thực thi quy định siết chặt xuất khẩu ba loại vật liệu cần thiết cho sản xuất chíp bán dẫn và màn hình của Hàn Quốc. FKI nhấn mạnh kể từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1965, doanh nghiệp Hàn - Nhật đã liên tục mở rộng giao lưu kinh tế trên tinh thần "chủ nghĩa thực dụng hướng tới tương lai".

Giới doanh nghiệp lo ngại động thái của Tokyo sẽ có thể gây tổn hại tới mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương. FKI hối thúc chính phủ cả hai nước nhanh chóng hàn gắn quan hệ, vì sự thịnh vượng chung trong tương lai, đồng thời giới doanh nghiệp hai bên cùng phải nỗ lực hết sức phục vụ sự hợp tác kinh tế và phát triển quan hệ.

Nhật Bản và Hàn Quốc vốn tồn tại mâu thuẫn xung quanh vấn đề lịch sử. Tokyo khẳng định vấn đề đã được giải quyết khi cả hai bên ký thỏa thuận vào năm 2015, dưới thời chính quyền bà Park Geun-hye. Nhưng Seoul sau đó đã tuyên bố thỏa thuận này vẫn còn thiếu sót.

Ý kiến của bạn

Bình luận