Nhật Bản khát lao động: Cơ hội cho Việt Nam?

03/09/2015 11:22

Ở Nhật Bản, mỗi tháng có hàng chục nghìn việc làm được đăng tuyển mà không có ai nộp hồ sơ.

Dẫn thông tin trên truyền thông quốc tế cho hay, từ các cửa hàng bán mì cho đến nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản phải tìm kiếm đến mọi kênh tuyển dụng, chấp nhận bỏ thêm chi phí đào tạo tiếng Nhật, để tuyển được người làm.

Theo quy định của Chính phủ Nhật Bản, sinh viên nước ngoài khi đến Nhật học được phép làm thêm không quá 28 tiếng mỗi tuần. Nguồn nhân lực nước ngoài này đã giúp bù đắp nhiều cho những vị trí cần lao động chân tay mà người bản xứ không muốn làm.

Nhiều công ty Nhật Bản còn tìm cách tận dụng nguồn lao động giá rẻ thông qua các chương trình thực tập sinh, với mục tiêu được tuyên bố là trang bị cho người lao động kỹ năng cần thiết để họ quay về “xây dựng đất nước”.

Nhat Ban khat lao dong: Co hoi cho Viet Nam?
Hiện nay nhiều lao động Việt Nam đang làm nông nghiệp tại Nhật Bản

 

Một thống kê của Bộ Lao động Nhật Bản cho thấy tính đến cuối năm 2014, có khoảng 788 nghìn lao động nước ngoài đang làm việc hợp pháp tại Nhật, tăng khoảng 15% so với hai năm trước đó. Con số này tương đương 1,4% tổng lực lượng lao động.

Vấn đề dân số già và ngày một giảm đang khiến chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe rất đau đầu. Một ước tính cho thấy từ nay cho đến năm 2060, dân số Nhật Bản thuần chủng có thể giảm đến 30%. Ngoài ra, khi người Nhật Bản trẻ ngày một ngại làm các việc chân tay, vấn đề nhân lực cho nhiều ngành này sẽ còn căng thẳng hơn nữa.

Thực tế khát nhân lực của Nhật Bản trái ngược với tình trạng thất nghiệp đáng sợ ở nhiều nền kinh tế châu Âu, châu Á, trong đó có Việt Nam. Vào tháng 7/2015 Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý I/2015, trong đó ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều gia tăng.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Số lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp tăng từ hơn 162.000 lên gần 178.000 người; lao động tốt nghiệp cao đẳng thất nghiệp tăng từ 79.000 người lên hơn 100.000; lao động không có bằng cấp từ gần 630.000 lên 726.000.

Tính theo trình độ chuyên môn, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất nằm ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề, tương ứng là 7,2% và gần 6,9%. Nhóm không có bằng cấp, chứng chỉ có tỷ lệ thấp nhất ở mức 1,97%. Nhìn chung, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của cả nước là 2,43%, tăng 0,22% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều tra trên cả nước cho thấy, tỷ lệ người thiếu việc làm cũng tăng nhẹ. Số người làm việc dưới 35 giờ mỗi tuần và có mong muốn làm thêm giờ là 1,13 triệu người, tăng so với cuối năm 2014, trong đó số lao động thiếu việc làm ở nông thôn cao gần gấp đôi so với khu vực thành thị.

Đã nhiều lần các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao lao động Việt Nam ở sự thật thà, chăm chỉ, cần mẫn học hỏi, đặc biệt là tính cách vui vẻ, lạc quan, có chí tiến thủ.

Theo thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu lao động, thị trường xuất khẩu lao động sang Nhật Bản tăng trưởng 96,1% trong năm 2014, hứa hẹn sẽ trở thành “thị trường vàng” trong thời gian tới.

Nên xuất khẩu nông dân, giáo sư, tiến sĩ?

Từng trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), cho rằng, hiện Việt Nam đã đưa nhiều nông dân sang các nước vừa để hỗ trợ nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa vừa nâng cao thu nhập cho bản thân. Tương tự, cũng có nhiều nhà khoa học ra nước ngoài làm việc và mang lại danh tiếng cho Việt Nam. Đặc biệt, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) Việt Nam đang thừa một cách tương đối, có một tỷ lệ lớn được đào tạo không chuẩn, thiên về lý thuyết, chất lượng dưới mức trung bình so với quốc tế.

"Nếu xuất khẩu được GS, TS thì cứ xuất, ai có khả năng chuyên môn mà nước ngoài sử dụng được thì nên tạo điều kiện cho họ đi. Đi làm cũng là đi học, để họ ra nước ngoài là giúp họ phát huy năng lực, tạo ra thu nhập tốt hơn, từ đó có tác động trở lại đối với các cơ quan quản lý trong nước, để cơ quan quản lý thấy rằng họ cầm vàng trong tay mà không biết là vàng, từ đó phải thay đổi chính sách", ông nói.

 

Ý kiến của bạn

Bình luận