Nhật Bản chi 561 triệu USD mua tên lửa đánh chặn tối tân của Mỹ

Tác giả: zing

saosaosaosaosao
Ứng dụng 09/12/2018 05:09

Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt bán 21 tên lửa đánh chặn tối tân SM-3 với tổng giá trị lên đến 561 triệu USD

 

zing_sm3_2
Tên lửa đánh chặn SM-3 rời bệ phóng trong một thử nghiệm. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng (DSCA) Lầu Năm Góc cho biết hợp đồng bán tên lửa đánh chặn SM-3 cho Nhật Bản được Bộ Ngoại giao Mỹphê duyệt hôm 16/11. Tuy vậy, hợp đồng cần phải chờ sự phê duyệt cuối cùng của Quốc hội Mỹ, theo tạp chí Diplomat.

Hợp đồng bán tên lửa cho Nhật Bản gồm 8 tên lửa đánh chặn SM-3 lô IB, 13 tên lửa SM-3 lô IIA. Tổng chi phí cho 21 tên lửa lên đến 561 triệu USD, tức trung bình mỗi tên lửa trị giá 26,7 triệu USD. Trong đó SM-3 lô IIA là phiên bản tiên tiến nhất của tên lửa đánh chặn SM-3.

Thông cáo của DSCA nói rằng thương vụ tên lửa SM-3 sẽ cung cấp cho Nhật Bản khả năng phòng thủ tên lửa mạnh mẽ, hỗ trợ bảo vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ đóng quân ở nước này khỏi mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo của đối phương.

Tên lửa SM-3 được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” tối tân do hai tập đoàn Raytheon của Mỹ và Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản hợp tác phát triển từ năm 2006. Tập đoàn Raytheon đảm nhận phát triển phần cứng, phần mềm và tích hợp hệ thống. Mitsubishi Heavy Industries chịu trách nhiệm phát triển động cơ giai đoạn thứ 2 và thứ 3, vây điều khiển và phần mũi của tên lửa.

Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) và Hải quân Mỹ đã thử nghiệm đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo tầm trung bằng tên lửa SM-3 lô IIA vào ngày 26/10. Thử nghiệm thành công trước đó của tên lửa lô IIA diễn ra vào tháng 2/2017.

Hai thử nghiệm khác của tên lửa lô IIA diễn ra vào tháng 6/2017 và tháng 1/2018 đều thất bại. Chính giám đốc MDA thừa nhận đầu đạn đánh chặn ngoài không gian của tên lửa cần được thiết kế lại. SM-3 lô IB có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly 700 km. SM-3 lô IIA có thể đánh chặn tên lửa ở cự ly tới 2.500 km.

Tên lửa SM-3 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung ở giai đoạn giữa của chuyến bay. Đây là nòng cốt trong chương trình phòng thủ tên lửa Aegis BMD của Hải quân Mỹ. Nhật Bản cũng là một phần trong chương trình này.

Các tàu chiến Aegis của Nhật Bản thường xuyên hợp tác với Hải quân Mỹ trong các thử nghiệm đánh chặn tên lửa đạn đạo. Trong đó, chiến hạm Nhật Bản sẽ hỗ trợ dẫn đường và chỉ thị mục tiêu cho tàu chiến Mỹ đánh chặn.

Nhật Bản có 4 tàu khu trục lớp Kongo tham gia vào chương trình Aegis BMD. Với việc mua tên lửa đánh chặn siêu hạng SM-3, Nhật Bản sẽ có khả năng tự đánh chặn tên lửa đạn đạo của đối phương mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ.

Ý kiến của bạn

Bình luận