Nhân lực ngành GTVT trên thế giới được đào tạo như thế nào?

Ý kiến phản biện 04/12/2019 09:27

Quy trình đào tạo nhân lực chất lượng cao tại các quốc gia trên thế giới rất nghiêm ngặt và phức tạp, đặc biệt là nhân lực phục vụ cho ngành GTVT - ngành “xương sống” của mọi nền kinh tế.

 

Tau hoa o Anh

Anh: Đào tạo nhân viên vận hành tàu đường sắt

Điều khiển tàu tại Anh là một trong những nghề có mức lương khá cao so với mặt bằng chung tại quốc gia đắt đỏ này. Mức khởi điểm dành cho lái tàu trong quá trình thử việc nằm trong khoảng từ 17.000 - 20.000 bảng mỗi năm và có thể lên tới 30.000 bảng/năm dành cho lái tàu chính thức. Những lái tàu có kinh nghiệm lâu năm hoặc cho tuyến Eurostar - tuyến tàu chạy xuyên châu Âu còn có thể nhận được mức lương cao hơn rất nhiều, thậm chí có thể lên tới 50.000 bảng/năm, gần tương đương với lương trách nhiệm của một CEO công ty vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, những yêu cầu dành cho nghề lái tàu tại Anh thuộc mức “khó nhằn” nhất thế giới. 

Ngoài những yêu cầu về sức khỏe và thể lực bao gồm khả năng nghe nhận thông tin truyền miệng, sức khỏe tâm lý, người học phải có kỹ năng nắm bắt cấu trúc hệ thống và kỹ năng cơ khí cơ bản. Tại các công ty quản lý đường sắt lớn tại Anh, các nhân viên có nguyện vọng trở thành lái tàu có thể tham gia các khóa đào tạo do các nhân viên lái tàu cùng công ty hướng dẫn. Quá trình đào tạo nội bộ tại các tập đoàn lớn giúp giảm thiểu thời gian chọn lọc cũng như chi phí và thời gian huấn luyện. Những người chưa có kinh nghiệm cũng như làm việc cho các tập đoàn vận hành tàu đường sắt sẽ được yêu cầu đăng ký trở thành nhân viên thực tập được hưởng lương. Tùy thuộc vào từng tập đoàn, quy trình đào tạo sẽ kéo dài liên tục từ 9 - 12 tháng. Nhân viên thực tập sẽ bị kiểm tra tổng thể sát sao sau khi kết thúc quá trình đào tạo và nhận được chứng chỉ nếu vượt qua được bài sát hạch. Chứng chỉ lái tàu được cấp có hiệu lực trên toàn châu Âu.

Quy trình đào tạo lái tàu tại các công ty vận hành thường được thiết kế nội bộ, tuy nhiên phương thức, quá trình, nhân viên đào tạo và kiểm tra phải được thông qua bởi Sở Giao thông Anh quốc (Department of Transport). Quá trình đào tạo nhân viên lái tàu được chia làm nhiều giai đoạn. Các học viên được yêu cầu phải vượt qua được các bài kiểm tra tại từng giai đoạn để có thể tiếp tục ở lại trong chương trình đào tạo. Giai đoạn đầu tiên kéo dài từ 9 - 10 tuần, học viên phải tham dự các lớp đào tạo về các quy định vận hành tàu, nắm vững Luật Giao thông đường sắt, phương pháp xử lý tình huống bất thường... 

Philippines: Kinh nghiệm đào tạo thuyền viên chuyên nghiệp

Dựa trên sự đóng góp đáng kể cho nền kinh tế, Chính phủ Philippines đặc biệt quan tâm đến lực lượng thuyền viên của quốc gia này. Mức lương dành cho thuyền viên được Chính phủ Philippines đưa ra dựa trên tiêu chuẩn của Hiệp hội Công nhân Vận tải quốc tế (IFT), vốn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, trong khi đó ngành nghề này lại được áp dụng mức thuế thu nhập rất ưu đãi từ chính phủ. 

Để trở thành thủy thủ có đăng ký ở Philippines, người nộp đơn cần phải có hộ chiếu thuyền viên (SRIB) được cấp bởi Cơ quan Công nghiệp Hàng hải (MARINA) cùng với các tài liệu chứng minh rằng người nộp đơn đã vượt qua các yêu cầu về tiêu chuẩn tối thiểu nghề thuyền viên dựa trên Công ước Quốc tế về Tiêu chuẩn huấn luyện, cấp chứng chỉ và trực ca cho thuyền viên (STCW) và phù hợp với các quy tắc và quy định của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO). Bên cạnh đó, lực lượng thuyền viên cũng được yêu cầu phải nắm rõ các quy định mới nhất của Luật Hàng hải quốc tế, đồng thời phải có khả năng xử lý tình huống bất ngờ và trang bị kiến thức xã hội của các quốc gia điểm đến. 

Với những chính sách ưu đãi cùng với yêu cầu ngặt nghèo về chất lượng đào tạo, lực lượng thuyền viên Philippines được các quốc gia có đường hàng hải đánh giá rất cao. Vào năm 2009, trong cuộc họp chung thứ 28 của cố vấn cao cấp Công ty Komatsu Ltd. Nhật Bản - Philippines, cố vấn cấp cao Toshitaka Hagiwara tuyên bố rằng 70% hoạt động hàng hải của Nhật Bản là do thủy thủ người Philippines quản lý. Theo Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty Hàng hải Magsaysay Doris Magsaysay-Ho, trên tàu của Nhật Bản có hơn 28.000 thủy thủ đoàn người Philippines. 

Chuyển giao công nghệ kết hợp đào tạo nhân lực ngành Đường sắt ở Thái Lan

Để đối phó với tình trạng tụt hậu về công nghệ đường sắt, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã nhập khẩu công nghệ đường sắt từ nước ngoài. Mặt trái của việc này là nhiều cơ hội việc làm cho các nhà sản xuất, nhân lực trong nước sẽ bị mất đi bởi việc chuyển giao công nghệ sẽ không hiệu quả nếu như bên nhận không hiểu biết cụ thể về công nghệ đó. Do đó, đào tạo đi kèm với chuyển giao công nghệ là một giải pháp tối ưu.

Phương pháp đơn giản nhất để phát triển nguồn nhân lực đi kèm chuyển giao công nghệ là cung cấp các khóa học trong trường học, cao đẳng và đại học để đào tạo ra những sinh viên chất lượng. Tại Thái Lan, có 12 môn học chuyên ngành đường sắt tại các trường đại học ở Thái Lan như: Học viện Công nghệ King Mongkut Ladkrabang, Đại học Công nghệ King Mongkut, Đại học Chulalongkorn... Khoảng 250 sinh viên từ các trường đại học này được giáo dục và đào tạo trong các hệ thống đường sắt mỗi năm. Chẳng hạn, tại Học viện Công nghệ King Mongkut, sinh viên chuyên ngành Kỹ thuật Vận tải đường sắt hiện được tham gia các khóa học mới như Kỹ thuật Đường sắt tốc độ cao và Động lực học xe lửa để đáp ứng nhu cầu thời đại. Trường cũng cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu để phát triển các chuyên gia và giảng viên ngành Đường sắt, cũng như hỗ trợ các chuyến du học ở nước ngoài.

Từ năm 2013, nguồn nhân lực đặc biệt là kỹ thuật viên trong ngành Đường sắt đã được phát triển thông qua các dự án thí điểm tại 4 trường cao đẳng tại Thái Lan như: Cao đẳng Công nghệ Siam, Cao đẳng Kỹ thuật Samutsongkhram, Trường Công nghệ Nakhon Pathom và Cao đẳng Kỹ thuật Ayutthaya. Tổng cộng đến nay đã có 400 sinh viên tốt nghiệp kỹ thuật đường sắt từ 4 trường cao đẳng này. Chính phủ Thái Lan cũng hỗ trợ rất nhiều cho sự phát triển nguồn nhân lực ngành Đường sắt thông qua các chương trình đào tạo. Văn phòng Ủy ban Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Giáo dục Thái Lan) đã giới thiệu 3 chương trình đào tạo ngành Đường sắt gồm: Chương trình hệ thống kép, Chương trình Tự động hóa trong hệ thống đường sắt và chương trình công nghệ điện trong bảo trì hệ thống điện đường sắt. Khu vực công cũng đã cung cấp các chương trình và dự án như: Chương trình Nghiên cứu Hệ thống Đường sắt của STEM dành cho học sinh trung học, Chương trình Công nghệ Cao học về Công nghệ Công nghiệp của Cục Đường sắt Nhà nước Thái Lan và Bộ GTVT Thái Lan. Bộ GTVT nước này cũng xây dựng Chiến lược Phát triển kỹ năng cho người làm việc trong ngành Đường sắt. Các đơn vị khai thác đường sắt cũng cung cấp các chương trình đào tạo cho cả nhân viên và những người ngoài công ty như Chương trình Đường cao tốc và Tàu điện cũng như Hệ thống giao thông công cộng ở Băng Kốc. 

Các sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình giáo dục đường sắt sẽ nhận được những công việc thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành như lái tàu, nhân viên nhà ga, kỹ thuật viên bảo trì hệ thống, xây dựng đường ray, lắp đặt hệ thống tín hiệu, lắp ráp tàu và hệ thống hỗ trợ, quản lý kho bãi. Một số người sẽ làm việc trong các bộ phận nghiên cứu chính sách, lập kế hoạch và quản lý dự án…

Tại Đông Nam Á, ngoài Thái Lan thì Malaysia là một ví dụ tuyệt vời trong việc nhập khẩu công nghệ kết hợp đào tạo nhân lực. Malaysia đã xây dựng nhà máy lắp ráp tàu hỏa đầu tiên của mình tại Selangor và chương trình sáng kiến chuyển giao công nghệ của nhà máy được thực hiện bởi Siemens AG và Siemens Malaysia. Công ty SMH hiện đang sử dụng hơn 200 nhân viên và 68% trong số đó là người Malaysia.

Ở khu vực châu Á, Trung Quốc là một trường hợp cần đề cập khi thuở sơ khai ngành Đường sắt nước này chủ yếu dựa dẫm vào những đoàn tàu được đặt làm ở nước ngoài. Qua thời gian, nhờ những nỗ lực trong việc đào tạo nhân lực đi kèm chuyển giao công nghệ, Trung Quốc đã chuyển sang mua các bộ phận của nước ngoài và mang về lắp ráp trong nước. Hiện tại, Trung Quốc có thể tự sản xuất ra các đoàn tàu và các thiết bị liên quan của riêng họ

Ý kiến của bạn

Bình luận