Nhà nhập khẩu xe ô tô lo ngại vì chính sách thay đổi liên tục

Thị trường 23/09/2016 14:40

Công ty phân phối chính thức của Audi, Rolls Royce và nhiều hãng xe khác bày tỏ lo ngại chính sách dành cho xe nhập khẩu tại Việt Nam

 

20160922090857-xe-cong-vn-mloa-1467431662586_macu
 

Với những thay đổi thường xuyên gần đây về thuế và thủ tục hành chính, các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam đang bày tỏ những lo ngại nhất định. Vấn đề được nêu ra trong buổi họp báo giới thiệu Triển lãm Ô tô quốc tế - VIMS 2016 sẽ diễn ra vào cuối tháng sau.

Trong buổi họp báo được tổ chức hôm 20/9, giải thích lý do rút lui của hãng xe danh tiếng Rolls Royce vốn trước đó có kế hoạch tham gia triển lãm, ông Trần Tấn Trung – Tổng giám đốc nhà phân phối Audi tại Việt Nam, đại diện Ban tổ chức triển lãm – cho biết trong thư gửi Ban tổ chức, Rolls Royce nêu lý do không tham gia triển lãm lần này do lo ngại chính sách thay đổi liên tục tại Việt Nam, có thể ảnh hưởng đến doanh số của hãng.

Ông Trung cho hay, không chỉ Rolls Royce mà hầu hết các công ty phân phối xe chính hãng tại Việt Nam có mặt trong triển lãm, đều bày tỏ lo ngại về những chính sách liên tục thay đổi trong thời gian gần đây.

Theo vị đại diện cho các nhà phân phối xe nhập khẩu tại Việt Nam, cuối năm ngoái cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã được thay đổi một lần, đến ngày 1/7 này cách tính thuế lại thay đổi lần nữa. Chưa kể thời gian gần đây khi Thông tư 20/2011 về nhập khẩu xe hết hiệu lực, đang chờ các quy định mới thay thế văn bản này, và còn cả Thông tư 31 về thủ tục đăng kiểm – trong đó có giấy chứng nhận chất lượng và triệu hồi. Tất cả những diễn biến thay đổi liên tục như vậy, theo ông Trung, gây ảnh hưởng đến các nhà nhập khẩu xe chính hãng.

Trong buổi họp báo hôm 20/9, có mặt khoảng 20 đại diện cho 18 hãng xe lớn gồm Audi, Bentley, BMW, BMW Motorrad, Infiniti, Jaguar, Lamborghini, Land Rover, Maserati, Mercedes-Benz, MINI, Nissan, Porsche, Renault, Subaru, Suzuki, UD Trucks, Volkswagen. Hầu hết trong số này là đại diện các hãng xe nhập khẩu, chỉ có 3 đại diện đến từ các hãng xe lắp ráp trong nước.

Từ năm ngoái, có hai triển lãm xe lớn diễn ra song song tại Việt Nam gồm triển lãm Vietnam Motor Show do các nhà sản xuất và lắp ráp xe trong nước (VAPA) tổ chức và Vietnam International Motor Show – có sự góp mặt của các hãng xe nhập khẩu là chủ yếu.

Từ ngày 1/7, theo biểu suất thuế tiêu thụ đặc biệt áp cho các dòng xe nhập khẩu thì ô tô dung tích dưới 1,5 lít được giảm mạnh, trong khi dòng xe dung tích lớn hơn sẽ tăng lên. Điều này có thể dẫn đến giá xe dung tích nhỏ nhập khẩu được giảm, có lợi cho những hãng xe và người mua xe thu nhập không cao; trong khi rõ ràng chính sách thuế mới sẽ ảnh hưởng đến giá của các dòng xe cao cấp. Đây cũng chính là lý do có một làn sóng nhập xe trước ngày 1/7 nhằm né thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ngoài ra, Thông tư 20/2011 của Bộ Công Thương quy định về việc nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng vào Việt Nam vừa hết hiệu lực từ 1/7, nhưng đang trong quá trình tìm kiếm quyết định thay thế. Theo Thông tư này, những nhà nhập khẩu muốn nhập xe dưới 9 chỗ về Việt Nam cần có hai chứng từ. Một là giấy chỉ định (giấy uỷ quyền) nhập khẩu, phân phối của chính hãng sản xuất hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó, được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá theo quy định. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Cả hai loại chứng từ này không dễ dàng có được, do đó sẽ chỉ có những doanh nghiệp lớn mới đủ điều kiện nhập xe, trong khi các doanh nghiệp tư nhân nhỏ nhập khẩu sẽ không được xem là xe nhập chính thức.

Thông tư 20 đang được đem ra góp ý và vì mâu thuẫn quyền lợi giữa hai nhóm doanh nghiệp kể trên nên nó chưa được quyết định. Trong khi các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đều đã gửi công văn chính thức, kêu gọi gia hạn hiệu lực Thông tư này, hoặc nâng lên thành Nghị định, thì các doanh nghiệp nhỏ hơn mong muốn bãi bỏ Thông tư để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng.

Ý kiến của bạn

Bình luận