Nhà giáo lo phát sinh nhiều khoản thu khi miễn học phí THCS

27/11/2017 07:02

Cho rằng miễn học phí THCS là đề xuất tiến bộ, song nhiều nhà giáo lo ngại nhà trường thiếu tiền cho các hoạt động và dễ lạm thu.

mien-hoc-phi-thcs-3424-1511586786
Học sinh bậc THCS ở TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn.

Nghiên cứu sinh Lê Thị Ngọc Nhẫn, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Nam Việt (TP HCM) cho rằng, dự thảo miễn học phí cấp THCS mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề xuất là tiến bộ, tiệm cận với xu thế chung của thế giới. Ở các nước tiên tiến, học phí được miễn ở tất cả bậc phổ thông.

Theo bà Nhẫn, miễn học phí cấp THCS sẽ tạo thêm điều kiện học tập cho người dân, đặc biệt là người nghèo. Sắp tới, Việt Nam cần tính toán, cân đối để áp dụng quy định này cho bậc THPT, hướng tới chương trình phổ thông hoàn toàn miễn phí.

"Giáo dục phổ thông là kiến thức nền tảng cơ bản, rèn luyện công dân lối sống văn minh. Nếu vì lý do học phí mà công dân không được tiếp cận giáo dục phổ thông thì hệ lụy xã hội là rất lớn", bà Nhẫn nói, song vẫn băn khoăn về tính khả thi của điều luật trên nếu áp dụng, đặc biệt là vấn đề tài chính. 

Bà Nhẫn dẫn chứng ở Mỹ, việc thu thuế thu nhập cá nhân rất chặt chẽ ở quy mô từng bang. Số tiền này được chi tiêu cho các hoạt động công, trong đó phần lớn là giáo dục trong bang đó, nên học sinh được sử dụng dịch vụ bằng chính tiền ngân sách phụ huynh đóng góp.

"Nếu không có khoản tiền học phí, các trường sẽ thiếu hụt. Liệu Nhà nước có đảm bảo cấp bù đủ ngân sách này, trong khoảng thời gian dài hạn? Với quy mô cả nước, đây sẽ là số tiền không nhỏ", bà Nhẫn phân tích.

Trước đây, ngành giáo dục từng bỏ thu phí cơ sở vật chất trường học, từ đó nhiều trường lại nảy sinh ra nhiều khoản thu khác, chẳng hạn quỹ phụ huynh, để sửa chữa, mua sắm thiết bị trường học. Số tiền này có khi còn cao hơn phí cơ sở vật chất theo quy định.

"Nếu không thu học phí, e rằng các trường phải nghĩ ra các khoản thu mới bù vào. Mỗi năm có 50-60 hoạt động trong nhà trường cần đến tiền, chưa kể khen thưởng cho học sinh... Nếu phát sinh nhiều khoản thu mới từ việc bỏ học phí THCS, e rằng phụ huynh còn tốn kém hơn", bà lo lắng và cho rằng cần có cơ chế chặt chẽ giám sát các khoản thu chi trường học.

Bằng kinh nghiệm nhiều năm quản lý ngành giáo dục, ông Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM) cho rằng miễn học phí là đề xuất tốt, mang ý nghĩa nhân văn, nhất là với học sinh nghèo, ở vùng sâu.

Song, theo ông phụ huynh thường bức xúc về các khoản thu khác ở nhà trường chứ ít người kêu ca học phí. Bởi học phí theo quy định khá thấp, chỉ 80.000-100.000 đồng mỗi tháng sẽ không phải là vấn đề lớn với phụ huynh ở thành phố.

Do đó, Nhà nước phải tính toán ngân sách kỹ lưỡng để bù đắp cho trường học khoản học phí không thu này để hoạt động giáo dục không bị gián đoạn, thu nhập của giáo viên tiếp tục được cải thiện.

"Ngành giáo dục cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu phí hiện nay ở các trường học, không để xảy ra lạm thu từ việc miễn học phí. Có như vậy chính sách mới có tác dụng tích cực và mang ý nghĩa trọn vẹn", ông Ngai đề xuất.

Một số cán bộ quản lý trường học cũng đồng thuận với đề xuất miễn học phí đến bậc THCS của Bộ Giáo dục, cho rằng đây là chính sách nhân văn nhưng bày tỏ băn khoăn về nguồn ngân sách bù cho học phí như trước đây.

mien-hoc-phi-THCS-2908-1511586786
Một hoạt động học tích hợp, liên môn của học sinh THCS ở TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng.

"Đừng để nguồn thu gây khó khăn cho nhà trường, đừng để nhà trường phải tự xoay sở để có kinh phí cho các hoạt động, dễ dẫn đến tiêu cực", lãnh đạo một trường THCS ở huyện Củ Chi nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11 công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần hai với nhiều điểm mới. Trước đây, học phí chỉ được miễn cho học sinh tiểu học trường công lập. Dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 105 để học sinh trung học cơ sở trường công lập cũng không phải đóng học phí.

Cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí đảm bảo bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý.

Ý kiến của bạn

Bình luận