Nguy cơ tuyệt chủng vô số loài do "bùng nổ" xây đập thủy điện

Diễn đàn khoa học 18/03/2016 08:56

Các nhà khoa học đang lên tiếng cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng của tình trạng xây đập thủy điện tràn lan ở một số nơi trên thế giới.

20160316181305-dap-thuy-dien-1
 Hậu quả một đập thủy điện ở Rio Candeis là sự ngập chìm của hàng trăm km rừng nguyên sinh.

Và những gì đang diễn ra ở khu vực Amazon, một trong những nơi có trữ lượng nước sông lớn nhất thế giới, là minh chứng sống động cho cảnh báo đó.

Nếu tính đến việc khu vực Amazon chiếm tới gần 1/5 tổng trữ lượng nước của các con sông trên khắp toàn cầu, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng hệ thống sông ở nơi này được coi là có tiềm năng rất lớn về thủy điện. Điều đó đã dẫn tới việc 9 quốc gia trong vùng, nơi có sông Amazon chảy qua, đã xây tới 191 đập nước và dự kiến sẽ còn xây dựng thêm 243 đập nữa.

Tất cả khiến xu hướng "bùng nổ" xây đập thủy điện ở khu vực Amazon dường như không có dấu hiệu giảm tốc trong tương lai gần. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới phát hiện, mặc dù các dự án thủy điện này có khả năng mang lại nhiều lợi ích về "năng lượng xanh", có thể tái tạo được trên giấy tờ, nhưng chúng cũng có thể góp phần dẫn tới sự tuyệt chủng của vô số loài.

Theo các chuyên gia, rừng nhiệt đới Amazon là nhà của hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng ngàn, loài động vật khác nhau (từ cá tới dơi và động vật linh trưởng) và chỉ được tìm thấy ở các nơi nhất định trong khu vực. Các loài đặc hữu này đôi khi chỉ phân bố ở một diện tích hẹp, vài km2.

Khi các đập nước được xây dựng và các đầm phá hình thành sau đó làm ngập lụt những vạt rừng lớn, chúng sẽ hủy hoại môi trường sống đã biết của các loài nhất định, xóa sạch hoàn toàn chúng.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, sự mở rộng mạng lưới đập nước sẽ dẫn đến các thay đổi lớn đối với những con sông của Amazon do ngăn cản sự dịch chuyển của quần thể động thực vật dưới nước cả ở thượng lưu và hạ lưu, nhấn chìm các thác, ghềnh xuống các hồ lớn và làm ngập lụt các rừng sát kề cũng như tạo ra các đảo rừng không thể nuôi dưỡng các quần thể động vật và thực vật tồn tại độc lập", giáo sư Carlos Peres đến từ Đại học East Anglia (Anh), người đứng đầu nghiên cứu, giải thích.

Trớ trêu là, nhiều loài có thể chịu tác động tiêu cực và thậm chí dẫn đến tuyệt chủng do các dự án xây đập thủy điện "khủng" ở khu vực Amazon lại đang bị cấm buôn bán quốc tế. Do vậy, hiện không có giải pháp gì bảo vệ chúng nếu các đập nước được xây dựng và môi trường sống của chúng bị vô số dự án năng lượng tái tạo, phục vụ nhu cầu sản xuất điện giá rẻ của con người, hủy hoại.

Đây không phải là lần đầu tiên lợi ích "xanh" của đập thủy điện bị hoài nghi. Một nghiên cứu trước đây từng cho thấy việc xây dựng đập nước lớn nhất Brazil, tạo thành hồ chứa 2.360km2, đã làm suy giảm đáng kể số lượng các loài sống ở đó, với phần lớn khu vực này hiện hoàn toàn không có sự sống hoang dã. Ngoài ra, các loài còn sống sót lại thường là những loài không đặc hữu hoặc các loài xâm hại, gây tổn hại hơn nữa đến sự đa dạng sinh học của vùng.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện, các đập nước là nguồn góp phần gây phát thải các khí độc hại CO2 và methane, khi các cây cối và vật liệu hữu cơ chìm lấp trong hồ chứa bị thối rữa và bắt đầu phân hủy. Một báo cáo ước tính rằng, năm 1990, hiệu ứng nhà kính từ sự phát thải khí của một đập thủy điện ở Brazil thực tế gấp 3,5 lần hiệu ứng nhà kính từ việc khai thác cùng lượng điện đó từ dầu mỏ. Sự phát thải khí độc hại này đặc biệt rõ thấy ở các khu vực nhiệt đới như Amazon, do nhiệt độ thúc đẩy sự phân hủy của cây cối và cả sự hình thành khí methane.

Tất nhiên, các nước như Brazil không nhất thiết phải lĩnh hậu quả nghiêm trọng như nguy cơ cảnh báo. "Các dự án đập thủy điện không phải là phần thiết yếu trong sự phát triển tương lai của Brazil, vì chúng không cần thiết. Brazil còn có nhiều lựa chọn khác, kể cả đầu tư vào việc sử dụng hiệu quả năng lượng và khai thác tiềm năng nhiệt điện cũng như năng lượng từ sức gió dồi dào của mình. Các ảnh hưởng nghiệm trọng của các đập nước ở vùng Amazon khiến việc theo đuổi các giải pháp thay thế khác mang lại lợi ích tốt nhất cho Brazil", tiến sĩ Phillip Fearnside, đồng tác giả nghiên cứu, nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn

Bình luận