Nguy cơ thảm họa hạt nhân Chernobyl trên biển và tham vọng của TQ

Tác giả: bizlive

saosaosaosaosao
Diễn đàn khoa học 20/08/2019 16:22

Nga và Trung Quốc đang đẩy mạnh xây dựng các lò phản ứng hạt nhân nổi trên biển. Giới chuyên gia lo ngại về nguy cơ xảy ra "thảm họa Chernobyl" ở đại dương.

1200x1
Nhà máy hạt nhân nổi Akademik Lomonosov sẽ sớm cập bến Siberia. Ảnh: AFP/Getty Images.

Theo Bloomberg, cuối tháng 8, một đội tàu sẽ rời cảng Murmansk (Nga) để kéo nhà máy điện hạt nhân nổi Akademik Lomonosov di chuyển qua quãng đường gần 6.000 km tới Pavek thuộc vùng biển phía đông bắc Nga.

Tại Pavek, hai lò phản ứng nhỏ của nhà máy này sẽ cung cấp điện năng lượng các ngôi nhà trong vùng, cũng như phục vụ các hoạt động khai thác và khoan dầu trên biển. Đây được xem là một dự án năng lượng táo bạo và "chịu chơi" của Nga.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng có kế hoạch phát triển tới 20 nhà máy hạt nhân nổi trong 10 năm tới. Và các nhà đầu tư Mỹ đang hy vọng sẽ xây một dây chuyền sản xuất tại Hàn Quốc để chế tạo các lò phản ứng nổi với giá phải chăng.

Nhỏ, gọn, chi phí thấp

Ý tưởng phát triển các nhà máy hạt nhân trên mặt biển đã xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên của thời đại nguyên tử. Trên thực tế, việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân trên đất liền tốn rất nhiều tiền và mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ, để hoàn thiện.

Lò phản ứng trên đất liền phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe như thiết kế chuẩn xác, diện tích lớn, nguồn nước dồi dào... Hoạt động kiểm tra, đánh giá phải được thực hiện liên tục. Một chính phủ không có kinh nghiệm thường cần 10-15 năm để xây dựng và vận hành một lò phản ứng mới.

Ngược lại, lò phản ứng nổi thường có quy mô nhỏ hơn, chi phí xây dựng và vận hành thấp hơn. Khả năng di chuyển trên biển giúp loại bỏ nhu cầu về đất. Đây còn là phương tiện cung cấp năng lượng cho các khu vực xa xôi hẻo lánh, chưa phát triển hoặc vùng bị thiên tai tàn phá.

Mới đây, Tập đoàn năng lượng Nga Rosatom Corp - chủ đầu tư nhà máy nổi Akademik Lomonosov - đã ký cam kết cung cấp lò phản ứng nổi cho Sudan.

Nhà máy hạt nhân nổi đầu tiên là MH-1A do quân đội Mỹ thiết kế. Năm 1968, nó được đưa đến kênh đào Panama khi hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước và làm gián đoạn quá trình sản xuất thủy điện của khu vực. MH-1A cung cấp nguồn năng lượng cho kênh đào này trong 8 năm, cho đến khi quân đội Mỹ xác định việc duy trì nó là quá tốn kém.

9d1d104f1da66fb3c5c7e665a4e74ff40
Dự án Akademik Lomonosov có tổng đầu tư lên đến 480 triệu USD. Ảnh: The Verge.

Thập niên 1970, Westinghouse Electric Co từng lên kế hoạch xây dựng một nhà máy hạt nhân nổi với quy mô tương đương một hòn đảo ngoài khơi New Jersey. Tuy nhiên dự án này chết yểu do vấp phải sự phản đối của công chúng Mỹ.

Trong thời kỳ đó, chính quyền Liên Xô cũng có ý tưởng triển khai các các nhà máy hạt nhân di động để cung cấp năng lượng cho phía bắc và phía đông của Nga, nơi có mật độ dân cư thưa thớt. Nhưng kế hoạch này cũng không trở thành hiện thực.

Chi phí vẫn là một thách thức lớn đối với ngành công nghiệp này. Khi dự án Akademik Lomonosov được triển khai vào năm 2007, Rosatom hy vọng rằng với thiết kế nhỏ gọn, hãng sẽ sản xuất được nhiều phiên bản khác với chi phí thấp.

Tuy nhiên, sau nhiều năm bị trì hoãn, tổng đầu tư của dự án này đội lên tới 480 triệu USD. Rất khó để sản xuất hàng loạt nhà máy hạt nhân nổi với mức đầu tư đó.

Tham vọng đáng lo ngại của Trung Quốc

Ngược lại, Trung Quốc không thiếu vốn để thực hiện các dự án tương tự. Hơn nữa, các lò phản ứng nổi của nước này được sản xuất dựa trên thiết kế sẵn có của các cơ sở trên đất liền.

Nguồn tin Bloomberg khẳng định Trung Quốc có kế hoạch triển khai nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông để phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Đông Nam Á. Với ý đồ độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc sẽ không ngần ngại đổ tiền đầu tư cho các nhà máy hạt nhân nổi tại đây.

Các chuyên gia hạt nhân khẳng định cộng đồng quốc tế cần đưa ra các quy định quản lý chặt chẽ hoạt động phát triển nhà máy điện hạt nhân nổi. Thảm họa khủng khiếp có thể xảy ra nếu có sóng thần ở khu vực nhà máy hoạt động.

Khủng bố và cướp biển cũng là những mối đe dọa lớn. Và nếu một vụ tai nạn hạt nhân tầm cỡ thảm họa Chernobyl xảy ra, hàng nghìn km biển sẽ bị ô nhiễm hạt nhân trầm trọng, hệ sinh thái đại dương và các cộng đồng ven biển sẽ bị tàn phá. 

Thậm chí, khi bão lớn xảy ra, một lò phản ứng có thể bị sóng cuốn vào bờ, đe dọa các vùng dân cư. Và một nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông sẽ đẩy căng thẳng khu vực lên một tầm cao mới. 

Theo Công ước An toàn Hạt nhân 1994 , Nga và Trung Quốc phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạt nhân dân sự và thường xuyên nộp báo cáo về chương trình hạt nhân để các nước khác đánh giá.

Giới chuyên gia cho rằng Công ước An toàn Hạt nhân cũng phải được áp dụng để quản lý các cơ sở hạt nhân nổi để đảm bảo sự an toàn tối thiểu. Nếu không, một thảm họa Chernobyl trên biển hoàn toàn có thể xảy ra. 

Ý kiến của bạn

Bình luận