Người nước ngoài nghĩ sao về hành vi 'tự xử' ở Việt Nam?

Ý kiến phản biện 10/08/2017 06:44

Nghi trộm chó - đánh, nghi bắt cóc trẻ em - đánh, nghi bỏ thuốc mê - đánh... Những hành vi “tự xử” này của người dân dưới cái nhìn của nhiều người nước ngoài không phải là hành vi tự vệ chính đáng.

 

Người nước ngoài ở Việt Nam
Người dân đập phá, đốt xe của người đi mua gỗ ở Hải Dương chỉ vì nghi vợ của chủ cửa hàng bán đồ gỗ bị bỏ thuốc mê - Ảnh: bạn đọc cung cấp

* Ông ONG KIAN SOON 
(bác sĩ, người Singapore): “Tự xử” là 
trái pháp luật

Ở Singapore, nếu người ta phát hiện ai khả nghi, họ sẽ gọi cảnh sát, vì bản thân việc tự mình giải quyết thay cho luật pháp đã là làm trái lại pháp luật rồi. Ở nước tôi, người ta được xem là vô tội trừ khi bị chứng minh là có tội, vì vậy việc đánh đập một người khả nghi, dù cho người đó có bị bắt tại trận đi chăng nữa vẫn là sai.

Tuy nhiên, những người nghi ngờ người khác là kẻ bắt cóc và đánh họ tàn bạo như một số sự việc gần đây ở Việt Nam có thể không hẳn là người xấu. Họ chỉ vì tin rằng những người lạ đó sẽ làm hại họ và gia đình họ nên có hành động phản ứng với sự sợ hãi của mình thôi. Thế nhưng, theo tôi, họ phải chịu sự trừng phạt thích đáng theo pháp luật.

Trong xã hội học và tâm lý học, có một tình trạng gọi là rối loạn phân ly tập thể. Đó là tình trạng mà các nhóm người trở nên “cố thủ” với niềm tin của họ (thường là về những người ngoài có khả năng làm hại họ hoặc cộng đồng gần gũi của họ) và họ bắt đầu hành động một cách không hợp lý.

Các loại rối loạn phân ly tập thể thường có nguồn gốc từ thông tin sai lệch. Có lẽ những người này đã đọc tin tức trên phương tiện truyền thông xã hội hoặc nghe tin đồn về các vụ bắt cóc trong cộng đồng của họ và phản ứng quá mức với những tin đồn vô căn cứ này.

Thật không may, với các phương tiện truyền thông xã hội như ngày nay, tin đồn có thể lan truyền ngay lập tức và dễ dàng làm mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

Khi sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, người ta thường bị kích thích ham muốn để có được nhiều lượt “like” (thích), và rõ ràng tin đồn càng rộng rãi, càng có nhiều người chú ý đến, do đó những câu chuyện điên rồ lại càng có nhiều “like”. Càng có được nhiều “like”, những người tung tin đồn lại bị kích thích tung tin giật gân hơn nữa để có thêm nhiều “like” hơn nữa...

* Ông RAY KUSCHERT 
(người Úc): Đừng làm cộng đồng thêm hoang mang

Ở phương Tây, những người thực hiện các cuộc tấn công kiểu “tự xử” sẽ bị buộc tội và có khả năng phải đối mặt với án tù. Những người này dù động cơ là gì thì việc sử dụng bạo lực với người khác đã là phạm tội.

Những nạn nhân của hành động “tự xử” không đáng bị như vậy. Tôi chắc chắn nếu đó là vợ hoặc mẹ tôi bị đánh đập như vậy, tôi sẽ muốn cảnh sát hành động và buộc tội những người làm tổn 
thương họ.

Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như ngày nay, tin tức dù có thiếu chính xác vẫn được lan truyền cực kỳ nhanh chóng. Đó là chưa kể thông tin truyền miệng cũng góp phần đưa những tin đồn lan xa không kém. Do vậy các cộng đồng cần phải hiểu được đâu là giới hạn và có những phản ứng kiểm soát tình hình.

Nếu người dân lo sợ trẻ em bị bắt cóc thì họ cần phải hợp tác với cảnh sát để giảm thiểu nguy cơ con em mình bị bắt cóc. Việc mất kiểm soát và trở nên bạo lực không thể ngăn được các vụ bắt cóc mà chỉ làm gia tăng sự hoang mang và hoảng sợ trong cộng đồng mà thôi.

Ngoài ra, thay vì hành xử bạo lực với người mình nghi ngờ, bản thân người dân nên có biện pháp của mình như phát triển các nhóm cộng đồng để quản lý nguy cơ, trông chừng con em mình... Quan trọng hơn, cần dạy cho trẻ em biết cách tự bảo vệ mình trước người lạ.

Lúc còn ở Úc, tôi từng làm việc ở lĩnh vực bảo đảm an toàn, tôi đã phát triển nhiều hệ thống giảm thiểu rủi ro để làm cộng đồng an toàn hơn. Hành động kiểu “tự xử” như trên là điều chính quyền và cảnh sát Úc không mong đợi chút nào.

Úc có hệ thống luật hình sự rất rõ ràng và không cho phép bất kỳ hành động nào chống lại người khác, trừ khi đó là một hành động tự vệ. Kiểu dân “tự xử” như một số địa phương ở Việt Nam vừa qua không phải là hành động tự vệ.

* Anh JESSE PETERSON (người Canada): Tin vào mắt, đừng tin vào tai

Ở Canada, chúng tôi được dạy phải nghi ngờ mọi thứ, kiểm tra mọi việc ít nhất hai lần, và đi ra ngoài tự tìm thông tin của riêng mình từ khi còn nhỏ. Do đó tôi không tin hầu hết những gì mình nghe và cũng nghi ngờ bất cứ thứ gì mình đọc.

Hầu hết những người tôi tiếp xúc ở Việt Nam không thật sự kiểm tra thông tin từ những gì họ nghe thấy. Thông thường họ chỉ xem nguồn thông tin, có thể từ cha mẹ, bạn bè, Facebook, và phán đoán thông tin này chỉ dựa duy nhất vào một nguồn.

Tôi cho rằng mọi người phải có trách nhiệm tìm hiểu mọi thứ từ ngọn nguồn và đừng tin vào bất cứ thứ gì nếu không thực sự chứng kiến bằng mắt thường.

Tin tưởng vào những gì mà bạn nghe sẽ tạo ra ảo tưởng và sống trong ảo tưởng rất nguy hiểm. Ví dụ, tôi quan sát thấy nhiều người Việt Nam trở nên giận dữ khi trình bày các quan điểm của mình cho người khác nghe vì họ cứ khăng khăng mình luôn đúng và không chịu lắng nghe những gì người khác nói.

Một mối nguy hiểm khác của việc “tin vào tai mà không kiểm tra bằng mắt” chính là việc nhiều người trong cộng đồng đánh nhau chỉ vì những tin đồn thất thiệt.

Chúng ta thấy nhiều sự vụ đau lòng xảy ra ở miền Tây khi nhiều người bị cáo buộc lừa dối vợ chồng chỉ vì chồng, vợ của họ có cảm giác nghi ngờ nhưng lại không đưa ra được bằng chứng, sau đó thực hiện những hành vi vô cùng bạo lực.

Gần đây nhất là một vụ vô cùng nghiêm trọng khi hai người phụ nữ đi bán tăm bị dân làng ở miền Bắc đánh trọng thương do nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em.

Ý kiến của bạn

Bình luận