Người lính trên mặt trận phát triển hạ tầng giao thông

Giao thông 24h 19/12/2016 05:05

GTVT không chỉ là ngành, lĩnh vực, còn là mặt trận rất quan trọng mà anh "bộ đội Cụ Hồ" thời nào cũng góp mặt. Thuở sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến ngành này và Người luôn nhấn mạnh đến ý nghĩa quốc phòng của nó. Ngày 19/6/1953, trong thư "Gửi Hội nghị cán bộ giao thông công chính", Người viết: "Năm nay (tức 1953) công tác GTVT, nhất là công tác sửa chữa cầu đường, rất là quan trọng. Đường sá thông thì mọi việc đều dễ dàng". Trong "Thư gửi cán bộ, đồng bào dân công làm đường" năm 1953, Người còn nói: "Công việc cầu đường là rất quan trọng. Nó cũng là một chiến dịch mà các cô, các chú là chiến sỹ".

ANH TO 7
Các đơn vị quân đội đã đóng góp không nhỏ trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

Những năm kháng chiến cứu nước và đặc biệt trong thời kỳ đất nước thống nhất, các đơn vị xây dựng giao thông của Bộ Quốc phòng đã đóng vai trò không nhỏ trong xây dựng và phát triển hạ tầng giao thông, những tên tuổi như Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, Tổng công ty 319, 36… đã làm phong phú bức tranh, làm nên diện mạo mới hạ tầng giao thông của đất nước.

Từ các “chiến dịch” thời chiến…

Trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lực lượng bộ đội thường xuyên gắn kết với ngành GTVT, nhất là bộ đội công binh với cầu đường. Điển hình là các đơn vị làm đường cho quân ta tiến vào bao vây và tiêu diệt quân Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954; bộ đội Trường Sơn, bộ đội tàu không số (trên biển)… mở đường cho quân ta tiến vào giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1955 - 1975).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1959 - 1975), chỉ tính riêng bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển được gần 1.400.000 tấn hàng hóa cho các chiến trường; bảo đảm hành quân cơ động, tiêu thụ trên tuyến và tổn thất trên đường vận chuyển hơn 765.600 tấn; năm 1974 vận chuyển số lượt hàng gấp 22 lần năm 1966 với 217.426 tấn; năm 1975 được 413.450 (gấp đôi năm 1974); đưa đón, vận chuyển trên 2 triệu cán bộ, chiến sỹ và nhân dân vào ra trên tuyến. Để giao được 1.000 tấn hàng, bộ đội Trường Sơn bị tổn thất: 57 người bị thương, 21 người hy sinh, 25 xe ô tô, 143 tấn hàng bị phá hủy.

Đơn vị đã mở được 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang nối liền các chiến trường dài gần 17.000km; mở 3.140km đường kín cho xe chạy ban ngày, 3.000km đường giao liên, gần 1.300km đường thông tin tải ba, 14.000km đường thông tin hữu tuyến và thiết bị tiếp sức; bảo đảm vận chuyển hàng trên sông có chiều dài 500km và 1.400km đường ống xăng dầu từ hậu phương miền Bắc qua Trường Sơn cho các chiến trường. Trong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 đã bảo đảm giao thông đường 1 và 7 tuyến đường khác với tổng chiều dài 2.577km; đã bắc 88 cầu, huy động 1.052 xe chở các quân đoàn chủ lực với 20 vạn quân.

Với tinh thần đánh địch mà đi, mở đường mà tiến, bộ đội Trường Sơn đã làm thất bại các kế hoạch ngăn chặn của không quân và bộ binh địch, vô hiệu hóa nhiều loại vũ khí hiện đại, các sáng chế khoa học quân sự của địch; đã anh dũng chiến đấu bắn trả 151.133 trận đánh phá của không quân địch, bắn rơi 2.455 máy bay các loại, bắt 10 giặc lái, đánh bộ binh địch 2.500 trận lớn nhỏ, diệt hơn 18.740, bắt hơn 1.290, gọi hàng 10.000, đưa tổng số quân địch bị diệt, bị thương, bị bắt lên gần 20.000 tên; thu và phá hủy 100 xe quân sự và hàng nghìn súng các loại; đã san lấp 78.000 hố bom, phá hơn 230.000 bom nổ chậm và bom từ trường, 85.100 loạt mìn các loại; đào đắp gần 29 triệu m3 đất đá.

IMG_0388

…Đến đột phá chiến lược trong thời bình

Sau năm 1975, Bộ Quốc phòng đã điều chuyển gần 28 vạn quân sang làm kinh tế và Chính phủ đã cho thành lập Tổng cục Xây dựng kinh tế để chỉ đạo các lực lượng quân đội tham gia xây dựng và phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh. Theo đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ bộ đội công binh Trường Sơn đã chuyển ngành sang lực lượng của Bộ GTVT tiếp tục xây dựng những công trình trọng điểm về GTVT của đất nước. Đồng chí Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành Bộ trưởng Bộ GTVT (1982 - 1986). Tiếp sau đó, ông còn làm cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh sau ngày thống nhất đất nước. Trong lịch sử vẻ vang của ngành GTVT Việt Nam, có những trang vàng ghi nhận bộ đội công binh đã góp phần xứng đáng cùng các lực lượng GTVT Việt Nam làm nên những kỳ tích trong kháng chiến và cả trong thời bình.

Trong giai đoạn mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, GTVT là một trong những mối quan tâm hàng đầu trong chương trình đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Trong Văn kiện Đại hội XI, Đảng xác định: “Hình thành cơ bản hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại là một đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và cơ cấu lại nền kinh tế”.

Những năm qua, các tổng công ty của Bộ Quốc phòng đã tham gia xây dựng nhiều dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, là một trong những đơn vị tham gia đầu tư và thi công nhiều dự án giao thông, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển hạ tầng giao thông của đất nước. Các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) của Tổng công ty 319 đang triển khai thực hiện trên các tuyến giao thông huyết mạch, đã được đầu tư trang thiết bị, nhân lực, tài chính tốt nhất, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ. Mặc dù gặp không ít khó khăn do công tác giải phóng mặt bằng chậm, thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, nhiều tuyến đường phương tiện lưu thông cao bị xuống cấp nghiêm trọng… Song với ưu thế của đơn vị có tiềm lực mạnh về trang thiết bị, tài chính, nguồn nhân lực trẻ, năng động, nhiệt huyết, Tổng công ty 319 đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, quyết tâm về đích đúng tiến độ. Tiêu biểu như dự án Nghi Sơn - Cầu Giát, dài gần 34km, với tổng mức đầu tư 3.627 tỷ đồng (liên danh cùng Cienco4). Sau hơn 1 năm thi công liên tục, Dự án đã đưa vào khai thác, đảm bảo tiến độ và chất lượng, khẳng định được năng lực, thương hiệu, uy tín Tổng công ty 319.

Dự án Phan Thiết - Đồng Nai có chiều dài toàn tuyến là 125,4 km, tổng mức đầu tư 2.085,6 tỷ đồng (do Tổng công ty 319 làm chủ đầu tư và thi công). Tuy gặp nhiều khó khăn trong thi công, nhưng Tổng công ty đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, các địa phương để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vướng mắc, tập trung thi công, hoàn thành dự án theo đúng cam kết với Bộ GTVT, góp phần mở rộng giao thương, thu hút đầu tư, giảm thiểu TNGT; thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội những địa phương mà tuyến đường huyết mạch này đi qua.

Một trong những đơn vị đã và đang tham gia thi công các dự án trọng điểm của ngành GTVT phải kể đến là Tổng công ty 36, với tư cách nhà thầu vào "cứu" nhà đầu tư xây dựng cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình. Theo Đại tá Nguyễn Đăng Giáp - Tổng giám đốc Tổng công ty 36 tâm sự: "Chúng tôi vào cuộc với tổng lực thi công, cải tạo QL6 và thi công tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình theo đúng tinh thần của một đơn vị anh hùng và đến tháng 10/2015 đã hoàn thành và đưa dự án BOT này vào khai thác. Ngoài tuyến QL6, Tổng công ty 36 còn thi công nhiều công trình như cao tốc Nội Bài - Thái Nguyên, đường Đông Trường Sơn, đường Tuần tra biên giới, đường đôi Lưỡng Dụng Krông Á...

Để phá thế độc đạo QL1, khơi dậy tiềm năng, xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh, chủ trương xây dựng trục đường từ Bắc vào Nam dọc theo phía Tây của đất nước qua dãy Trường Sơn đã được Đảng và Nhà nước ta đặt ra từ rất sớm. Tham gia xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 có 37 đơn vị xây dựng chuyên nghiệp cấp tổng công ty và tương đương đã được Chính phủ chỉ định không phải qua đấu thầu, trong đó có Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) - đơn vị kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng. Trên đại công trình này, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến dài 310km; khảo sát, thiết kế, báo cáo nghiên cứu khả thi 1.192km, trong đó: Dự án 3 (Vĩnh Khê - Thạch Mỹ) dài 272km, Dự án 10 (Quảng Bình - Quảng Nam) dài 514km, Dự án Cam Lộ - Nam Đông - Tuý Loan dài 226km; thiết kế kỹ thuật 180km; thi công 138km (nhánh Tây) từ Khe Gát đến Tăng Ký thuộc địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Từ sự quyết tâm đổi mới, dám nghĩ dám làm, vượt qua mọi khó khăn, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đàn anh đi trước, tạo dấu ấn và niềm tin với bạn hàng trong và ngoài nước, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã thi công và bàn giao đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình trên khắp mọi miền của Tổ quốc như: Thủy điện Sơn La, Lai Châu; thủy điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, làm tổng thầu xây dựng thủy điện Srêpôk 3 (Đắk Lắk); đường Bắc Thăng Long - Nội Bài; Láng - Hòa Lạc; cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Hà Nội - Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Giầu Dây; QL18, QL5, QL6; QL1A (đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ, Vinh - Đông Hà, Huế - Hải Vân; đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa; đường Trường Sơn Đông, đường Tuần tra biên giới; xây dựng cầu và đường dẫn cầu Bãi Cháy - Quảng Ninh, hầm đường bộ Hải Vân; sân bay Vinh, sân bay Buôn Ma Thuột...

Với sự năng nổ của mình, phát huy truyền thống của người lính năm xưa, người lính hôm nay đang có nhiều hướng đi mới, góp sức mình tô điểm cho bức tranh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ngày thêm sinh động, một lần nữa khẳng định tên tuổi và sức mạnh của người lính trên mặt trận GTVT trong thời bình

Ý kiến của bạn

Bình luận